Giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội – Yonex Sunrise 2019:

Chờ chủ nhà hái quả

Thứ Bảy, 06/04/2019, 08:30
Trong một năm, các tay vợt cầu lông Việt Nam có cơ hội dự hai giải quốc tế tại sân nhà, trong đó có Giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội – Yonex Sunrise. Các nhà quản lý, doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì những sân chơi này và chỉ cần các tay vợt Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội tham dự.


Tiền thưởng lớn, nhiều anh tài

Trong buổi công bố mới đây về Giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội – Yonex Sunrise năm 2019 tại Hà Nội, diễn ra từ ngày 10 đến 14-4 tại Nhà thi đấu quận Tây Hồ, Ban Tổ chức giải cho hay, đây là năm thứ hai liên tiếp, giải đấu đã sang tuổi thứ 11 này duy trì tổng giá trị giải thưởng là 25.000 USD.

Trước đó, vào năm 2018, lần đầu tiên Ban Tổ chức nâng tổng giá trị giải thưởng lên mức 25.000 USD. Đó được xem là bước tiến lớn để tăng sức hút của giải. Trong khi đó, ở kỳ giải 2017, Ban Tổ chức giải nâng mức thưởng lên 20.000 USD cũng được xem là lớn trong làng cầu lông Việt Nam.

Với mức thưởng cũng “tàm tạm” trong làng cầu lông thế giới này, kỳ giải năm nay tiếp tục thu hút nhiều tay vợt trong nhóm 100 tay vợt hoặc đôi vợt hàng đầu thế giới. Trong các gương mặt nước ngoài tham dự giải có Heo Kwang Hee (Hàn Quốc, hạng 53 đơn nam thế giới), Ayustine Dinar Dyah (Indonesia, hạng 53 đơn nữ thế giới), Inkarat Apisuk – Tanupat Viriyangkura (Thái Lan, hạng 55 đôi nam thế giới), Akane Araki – Riko Imai (Nhật Bản, hạng 56 đôi nữ thế giới)…

Ngoài ra, những tay vợt trong nhóm 100 tay vợt hoặc đôi vợt hàng đầu thế giới của Việt Nam cũng góp mặt đầy đủ như Nguyễn Tiến Minh (hạng 63 thế giới), Phạm Cao Cường (hạng 92 thế giới, đơn nam); Nguyễn Thùy Linh (hạng 61 thế giới), Vũ Thị Trang (hạng 65 thế giới, đơn nữ),  Đỗ Tuấn Đức – Phạm Như Thảo (hạng 47 đôi nam – nữ thế giới). Trong số này, Đỗ Tuấn Đức – Phạm Như Thảo là đương kim vô địch nội dung đôi nam – nữ của giải, đồng thời là đôi có thứ hạng thế giới cao nhất ở nội dung đôi nam nữ tại giải năm nay.

Nguyễn Tiến Minh (trái) mới đăng quang ở giải Yonex Waikato International (New Zealand), sẽ tiếp tục tạo sức hút cho Giải Cầu lông quốc tế Hà Nội - 2019.

Ở các kỳ giải trước, sự góp mặt của Nguyễn Tiến Minh là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thành công của giải đấu. Còn đến kỳ giải này, tay vợt số 1 Việt Nam vẫn có sức hút nhất định dù không còn duy trì được phong độ đỉnh cao. Trong tháng 3 vừa qua, anh  giành ngôi vô địch tại hai giải đấu ở New Zealand để lên hạng 63 thế giới. Tất nhiên, hai giải đấu mà Nguyễn Tiến Minh lên ngôi vô địch không thu hút nhiều tay vợt mạnh nhưng cũng cho thấy tay vợt Việt Nam vẫn có thể làm nên bất ngờ tại giải đấu ở Hà Nội.

Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Hà đánh giá: “Ở nội dung đơn nam, hy vọng Phạm Cao Cường có thể vào vòng tứ kết hoặc bán kết, trong khi Nguyễn Tiến Minh cũng có khả năng tiến xa. Vấn đề là phải xác định được đối thủ của Tiến Minh. Hy vọng nhiều nhất vẫn đặt vào nội dung đôi nam - nữ, nơi có sự xuất hiện của đôi Đỗ Tuấn Đức – Phạm Như Thảo. Còn ở nội dung đơn nữ, Nguyễn Thùy Linh và Vũ Thị Trang được kỳ vọng nhiều nhất nhưng khả năng vào vòng bán kết vẫn bỏ ngỏ. Trong khi đó, nội dung đôi nam và đôi nữ khó cạnh tranh tấm vé vào đến bán kết.”.

Như nhận định của Ban Tổ chức giải thì đã làm tất cả để thu hút các tay vợt nước ngoài có trình độ tốt dự giải nhằm tạo cơ hội rèn luyện, cọ xát, nâng thứ hạng thế giới cho các tay vợt Việt Nam. Đương nhiên, có tay vợt hoặc đôi vợt Việt Nam vào đến trận chung kết thì giải đấu sẽ thành công, bảo đảm thu hút đông đảo khán giả cho đến ngày cuối.

Tận dụng cơ hội thế nào?

Khi tổ chức một giải đấu quốc tế tại Việt Nam, vấn đề chuyên môn và quảng bá hình ảnh chủ nhà luôn được đề cao. Thực tế, chất lượng của giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội – Yonex Sunrise luôn được đánh giá cao vì thu hút được nhiều tay vợt quốc tế có tài năng. Ngay cả tay vợt số 1 thế giới nội dung đơn nam người Nhật Bản Kento Momota cùng từng góp mặt tại giải để tích lũy kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Cho nên, điều cần nhất vẫn là các tay vợt Việt Nam phải tận dụng cơ hội để nâng cao trình độ, thay vì thi đấu hời hợt. Trong làng cầu lông Việt Nam hiện nay không nhiều tay vợt được dự khoảng chục giải quốc tế trong một năm. Con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay nên các tay vợt khác càng cần phải tận dụng triệt để cơ hội mỗi khi được tham dự giải quốc tế trên sân nhà.

Hiện tại, chỉ có Giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội – Yonex Sunrise phù hợp với trình độ của nhiều tay vợt Việt Nam nếu so với giải cầu lông Robot tại thành phố Hồ Chí Minh, vốn là giải quốc tế có cấp độ cao hơn.

Ở góc độ khác, việc một giải quốc tế thu hút tới trên 250 tay vợt quốc tế và trên 100 người là huấn luyện viên, người thân vận động viên cũng được xem là cơ hội quảng bá tốt cho Hà Nội. Như nhiều chuyên gia kinh tế thể thao nhận định, đây là cơ hội tốt để thể thao và du lịch Hà Nội cùng bắt tay nhau. Câu chuyện về du lịch Việt Nam tận dụng Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên vừa qua để quảng bá hình ảnh đất nước là ví dụ điển hình.

Thực tế, các nhà tổ chức chưa tính đến các giải pháp triệt để nhằm kết hợp tổ chức thể thao với quảng bá, khai thác du lịch. Mới có những ý kiến về việc giới thiệu ẩm thực, giới thiệu các di sản văn hóa Hà Nội tới các khách, vận động viên tham dự. Còn vấn đề khác về du lịch, quảng bá được các nhà tổ chức hẹn đến kỳ giải sau với cách làm quy mô, bài bản.

Trong năm nay, Hà Nội sẽ đăng cai một số giải quốc tế trong đó có Giải bóng chuyền nữ U23 châu Á - 2019 nên sẽ cần tính toán kỹ để kết hợp tổ chức thể thao với quảng bá, khai thác du lịch.

Một sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức như Giải cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội – Yonex Sunrise tới sẽ mang đến nhiều cơ hội, không chỉ cho vận động viên Việt Nam mà còn nhiều ngành khác. Nó được ví như cái cây được chăm bẵm để rồi một ngày trĩu trịt quả chín. Cho nên, cần tận dụng hết cơ hội hái hết quả chín trên cây.

Minh Khuê
.
.
.