Đi tìm sự thừa nhận cho marathon

Thứ Năm, 23/03/2017, 08:46
Khi giải việt dã Báo Tiền Phong năm 2017 chỉ còn 3 ngày nữa là diễn ra, người ta lại trông về nội dung đỉnh cao nhất của giải là marathon. Ở đó, những gương mặt đang tập luyện nội dung nhọc nhằn nhất trong các nội dung chạy của môn điền kinh sẽ có dịp thể hiện khả năng cũng như mở ra cách nhìn nhận mới về sự đầu tư cho họ.


Khổ như tập marathon

HLV kỳ cựu Bùi Lương – một trong những huyền thoại của điền kinh Việt Nam, từng thành danh trên đường chạy dài ở cả vai trò VĐV lẫn HLV, kể rằng, marathon thực sự là môn thể thao khổ cực. Chỉ khi có đam mê, nghị lực, dám hy sinh và chấp nhận những đau đớn, mệt mỏi về thể xác thì VĐV mới theo được. Hiếm khi VĐV marathon chọn cách tập luyện ở trong sân.

Đường chạy khi thi đấu và đường tập của họ là ở ngoài đường, kể cả khi nắng gắt, bụi bặm, mưa rét.  Không kể, những tai nạn giao thông luôn rình rập nên cũng không ngoa khi gọi đây là “nghề nguy hiểm”. Đã vậy, chế độ dinh dưỡng của VĐV marathon cũng không hơn các VĐV khác dù mỗi ngày họ phải chạy khoảng 40km.

Đúng là chỉ có đam mê mới giữ nhiều VĐV trên đường chạy marathon. Nếu không, họ sẽ “đứt gánh giữa đường”. Và cũng chẳng ai bất ngờ nếu điều đó xảy ra.

Thế nên, ở Việt Nam cũng chỉ có số ít VĐV tập luyện nội dung này. Tại giải vô địch điền kinh quốc gia 2016, cũng chỉ có trên 20 VĐV nam, nữ tham dự nội dung marathon. Còn tại giải việt dã Báo Tiền Phong năm 2017, đến lúc này cũng mới có 25 VĐV nam, 9 VĐV nữ đăng ký tham dự nội dung này.

VĐV Bùi Thế Anh đang là gương mặt sáng giá nhất của marathon nam Việt Nam.

Số VĐV tham dự thực sự cũng phải đợi đến ngày diễn ra giải nhưng cũng khó để nhiều hơn. Ngay như Hà Nội, đơn vị từng sở hữu một Bùi Lương rồi sau đó là Đặng Thị Tèo vô đối trên đường chạy marathon quốc gia đến giờ cũng không có VĐV theo tập nội dung này. Ở giải việt dã Báo Tiền Phong sắp tới, trong 26 VĐV Hà Nội dự giải, không có VĐV thuộc nội dung marathon.

Dù vậy, điền kinh Việt Nam cũng từng sở hữu không ít cao thủ marathon. Nếu trước đây, từng có Bùi Lương rồi sau đó là Đặng Thị Tèo, Nguyễn Văn Hùng (Thanh Hóa) thì sau đó đã có Phạm Thị Bình (Quảng Ngãi, từng vô địch SEA Games). Đến gần đây, điền kinh Việt Nam lại có hy vọng giành HCV SEA Games khi cả hai VĐV Quân đội là Hoàng Thị Thanh và Bùi Thế Anh đã tạo nên những thành tích ấn tượng. Hoàng Thị Thanh từng phá kỷ lục quốc gia của Phạm Thị Bình ở giải vô địch điền kinh quốc gia năm 2016. Bùi Thế Anh từng vượt qua thành tích đoạt HCV SEA Games 28 của VĐV Singapore Soh Rui Yong tới 4 phút.

Tạo cơ hội cọ xát để nuôi đam mê

Ngay trước giải việt dã Báo Tiền Phong năm 2017, cả Hoàng Thị Thanh và Bùi Thế Anh đã được tham dự giải marathon Đài Loan (Trung Quốc) mở rộng. Đấy thực sự là món quà “trên trời rơi xuống” với họ. Đơn giản, từ trước đến nay, cả hai hiếm được tham dự những giải đấu tương tự dù giải liên tục được tổ chức, không quy định ngặt nghèo về các thông số kỹ thuật để được xét dự giải.

Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thủy từng chia sẻ rằng, những nội dung nhọc nhằn nhất trong làng điền kinh Việt Nam như marathon, các môn phối hợp (10 môn nam, 7 môn nữ) lại ít được cọ xát nhất dù luôn có khả năng mang về HCV SEA Games.

Trong khi đó, đấy lại là những giải đấu giúp VĐV nhanh chóng hoàn thiện chuyên môn thay vì cứ tập chay và tự so sánh một cách cơ học thay vì đua tài với các đối thủ quốc tế để biết mình đang ở đâu. Không kể, việc được thi đấu ở những đường chạy khác nhau cũng khiến kinh nghiệm thi đấu của VĐV tăng đáng kể.

Thất bại hay thành công ở những đường chạy khác nhau đều mang đến những bài học quan trọng mà “tập chay” không bao giờ có thể mang lại cho họ.

Như ở giải marathon Đài Loan (Trung Quốc) vừa qua, thành tích của Hoàng Thị Thanh là 2 giờ 52 phút 53 giây (xếp hạng 10), trong khi Bùi Thế Anh xếp hạng 13 với kết quả 2 giờ 27 phút 21 giây. Gần đây nhất, ở giải vô địch quốc gia, Hoàng Thị Thanh đạt 2 giờ 45 phút 09 giây còn Bùi Thế Anh đạt 2 giờ 24 phút 33 giây. Theo ông Dương Đức Thủy, đó là thành tích chấp nhận được khi VĐV chưa quen đường chạy.

Thế nên, vấn đề của cả hai cũng như nhiều VĐV trót theo marathon chính là phải luôn được cọ xát. Để có được điều đó lại trông vào sự đầu tư của ngành thể thao, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Đặc biệt, phải trông vào vai trò của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam trong việc tìm giải đấu phù hợp để VĐV có điều kiện nâng cao trình độ, đỡ thiệt thòi so với VĐV nhiều nội dung khác.

Có như vậy, marathon mới nhanh chóng được thừa nhận như môn mũi nhọn của điền kinh Việt Nam nhất là khi VĐV Việt Nam đã chứng tỏ có đủ tố chất để thành công ở môn này.

Chỉ tiêu “vàng” cho marathon tại SEA Games 2017

Tại SEA Games 29, tổ marathon của đội tuyển điền kinh quốc gia đã được giao chỉ tiêu giành HCV. Đây không phải là mục tiêu xa khi các tuyển thủ, nhất là Hoàng Thị Thanh đã chứng tỏ thay thế được đàn chị nổi tiếng Phạm Thị Bình. Cô và HLV Nguyễn Tuấn Viết (HLV nội dung marathon) cũng đang được ngành Thể thao đầu tư trọng điểm về chế độ dinh dưỡng, tiền công luyện tập.

Minh Khuê

Minh Nhật
.
.
.