Cung thủ Lộc Thị Đào: Duyên và nghiệp với bắn cung

Thứ Tư, 29/03/2017, 10:44
Đến lúc này, thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào bắn cung trong việc tranh chấp tấm huy chương ở ASIAD 2018 cũng như giành vé đến Olympic 2020 sau chức vô địch Cúp bắn cung châu Á 2017 của cung thủ Lộc Thị Đào.


Từ bóng rổ đến bắn cung

Những ngày qua thực sự khó quên với Lộc Thị Đào – cô gái người Bắc Giang đang đầu quân cho đội bắn cung Hà Nội. Sau nhiều năm miệt mài theo đuổi nghiệp “cung tên”, cô cũng đạt được cột mốc mà nhiều thế hệ trước chưa làm được là giành ngôi vô địch Cúp bắn cung châu Á. Đấy là cột mốc mới của bắn cung Việt Nam sau nhiều năm miệt mài gây dựng, phát triển. Đáng chú ý, bắn cung cũng là môn thi đấu tại Olympic nên ý nghĩa của chức vô địch này càng lớn.

Lộc Thị Đào là một trong những ví dụ sinh động cho mối duyên của thể thao Hà Nội với những VĐV gốc Bắc Giang. Trong làng thể thao Hà Nội, đã và đang có không ít VĐV nổi tiếng người Bắc Giang như Nguyễn Thị Yến (boxing nữ), Bùi Yến Ly (Muay), Vũ Thị Hằng (vật), Vương Thị Huyền (cử tạ)… và đương nhiên là có tên Lộc Thị Đào.

Quãng những năm 2007-2008, thể thao Hà Nội bắt đầu đẩy mạnh tìm kiếm VĐV năng khiếu ở các tỉnh ngoài khi nguồn tuyển chọn ở Hà Nội ngày càng ít. Bắc Giang được nhắm đến như một nguồn tuyển chọn phong phú cho thể thao Hà Nội do con người nơi đây có tố chất thể thao trong khi điều kiện phát triển thể thao thành tích cao lại hạn chế. 

Cung thủ Lộc Thị Đào – nhà tân vô địch Cúp bắn cung châu Á 2017.

Năm 2007, Lộc Thị Đào, khi đó 14 tuổi, lọt vào mắt xanh của cộng tác viên tuyển chọn cho thể thao Hà Nội. Lúc ấy, cô gái người dân tộc Tày này cùng các bạn giành HCV bóng rổ ở Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Bắc Giang. Tố chất thể thao của cô bé bộc lộ rõ nên lập tức được để ý.

Cũng không ngẫu nhiên khi nhiều bộ môn của Hà Nội sẵn sàng đón nhận Lộc Thị Đào. Tuy vậy, cô lại chọn bắn cung dù chẳng hiểu nhiều về môn này. Đơn giản, cô thấy “hay hay” nên chọn.

Đó có lẽ là bước ngoặt với cô gái này bởi sau đó, cô gắn bó luôn với cây cung, túi tên để rồi nhanh chóng trở thành cung thủ hàng đầu Việt Nam nội dung cung 1 dây. 

Đến lúc này, Lộc Thị Đào vẫn không ân hận về quyết định năm đó. Chính cô cũng nói rằng phải biết ơn gia đình vì đã tạo điều kiện để cô đến với bắn cung. Ban đầu, bố mẹ cô cũng không đồng ý cho con theo thể thao chuyên nghiệp. Nhưng khi cảm nhận hết tình yêu của con cho thể thao, họ đã để con được sống với đam mê.

Ngã đau và đứng dậy

Khi đã khẳng định được bản thân ở đấu trường trong nước, cô gái người Bắc Giang bắt đầu hướng đến những mục tiêu xa hơn. Cô đã chinh phục được tấm HCV SEA Games và từng mong ước giành được tấm huy chương ở giải vô địch bắn cung châu Á năm 2015 đồng nghĩa với tấm vé đến Olympic 2016. 

Nhưng ở giải vô địch bắn cung châu Á năm 2015 tại Thái Lan, cô chỉ xếp thứ tư trong khi người xếp thứ ba giành vé dự Olympic 2016. Đấy là nỗi đau, nỗi tiếc nuối không dễ nguôi ngoai. Đơn giản, cô đã đặt nhiều hy vọng vào giải đấu năm đó, đã được Tổng cục TDTT cũng như thể thao Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất đến mức có thể để cô thỏa ước nguyện.

Nhưng quan trọng nhất là cú ngã đó không làm Lộc Thị Đào nhụt chí. Kể cả sau đó không giành vé dự Olympic 2016 trong các lần tham dự vòng loại tiếp theo thì cô vẫn tin rằng có thể thực hiện ước mơ dự Olympic. Tất nhiên, để thực hiện ước mơ đó, cần những bàn đạp để vững tin vào khả năng. 

Một trong số đó chính là Cúp bắn cung châu Á ở Thái Lan cách đây ít ngày. Tại đây, cô đã vượt qua hàng loạt cung thủ khác để rồi đánh bại cung thủ Đài Loan Lin Shih Chia (HCĐ đồng đội Olympic 2016) trong trận chung kết ở lượt bắn “mũi tên vàng”.

Đấy là chiến thắng đáng kể với Lộc Thị Đào cũng như bắn cung Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên bắn cung Việt Nam giành chức vô địch ở một giải đấu cấp châu lục. Và đương nhiên đó là ngôi vô địch cấp châu lục đầu tiên của cung thủ nữ số 1 Việt Nam này. 

Ở khía cạnh tâm lý, ngôi vô địch ấy còn giúp Lộc Thị Đào có thể bỏ lại hoàn toàn thất bại ở giải vô địch châu Á cách đây 2 năm để tự tin hướng về ASIAD 2018 hay vòng loại tranh vé tham dự Olympic 2020. Ở Thái Lan, cô từng ngã đau. Và cũng chính tại Thái Lan, cô đã lấy đủ tự tin cần thiết để chinh phục những đỉnh cao mới.

Như Chủ nhiệm bộ môn bắn cung Hà Nội Bùi Văn Cường thì: “Lộc Thị Đào vẫn chưa đến độ chín nhất trong sự nghiệp, vẫn còn có thể tiến xa. Cháu mới 24 tuổi nên sẽ phát triển hơn nữa nếu được đầu tư đầy đủ. Hiện nay, cháu đang được Tổng cục TDTT đầu tư trọng điểm trong khi thể thao Hà Nội cũng dồn hết những gì tốt nhất cho cháu”.

1 bộ cung cũng chưa đủ

Đến lúc này, chưa thể khẳng định rằng Lộc Thị Đào đã có những điều kiện tốt nhất để phát triển. Như việc hiện tại cô chỉ có 1 bộ cung trong khi bình thường các cung thủ trên thế giới thường có 2 bộ cung để thay thế khi 1 bộ cung bất ngờ bị hỏng. Trong trường hợp của Lộc Thị Đào, nếu cung bị hỏng khi thi đấu thì coi như cuộc đấu kết thúc luôn với cô.

Minh Khuê

Bắn cung rèn sự kiên trì

Một trong những điều khiến Lộc Thị Đào tâm đắc khi gắn mình với bắn cung chính là việc môn thể thao này giúp cô rèn được tính kiên trì. Theo cô, nhờ tập bắn cung mà cô có thể bình tĩnh đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống. Đấy là giá trị khác, cực kỳ quý giá mà bắn cung mang lại cho cô.

Minh Hà

Minh Nhật
.
.
.