Tài trợ vận động viên: Chỉ lo không đủ tài!

Thứ Bảy, 01/04/2017, 08:25
Nhiều vận động viên (VĐV) hoặc đội thể thao giờ đã có thể chuyên tâm tập luyện khi có các nhà tài trợ đồng hành. Vấn đề là họ phải chứng minh có đủ tài năng, thành tích hay sự đam mê với nghề để thuyết phục các nhà tài trợ.

Chỉ cần tài trợ, không cần danh

Đấy là câu chuyện ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, đang tập huấn tại Trường ĐH TDTT Bắc Ninh. Vài ba năm trước, đội tuyển trẻ hầu như không có nhà tài trợ. Nhưng trong 1-2 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đến với đội, dưới sự dẫn dắt của HLV Bùi Xuân Hà, mà không ràng buộc điều kiện.

Gần đây nhất, toàn bộ đội tuyển trẻ quốc gia được Trung tâm tiếng Anh Headstart hỗ trợ toàn bộ học phí cho một khóa học giao tiếp tiếng Anh. Bình thường, để trên chục tuyển thủ trẻ cùng HLV theo học một khóa thế này cũng tốn vài chục triệu đồng. Nhưng những người có trách nhiệm ở Headstart đã quyết định miễn toàn bộ học phí, thậm chí còn khẳng định đến khi các tuyển thủ trẻ bóng bàn quốc gia giao tiếp bằng tiếng Anh ở mức chấp nhận được thì khóa học mới kết thúc.

Như người trong cuộc kể lại thì chính vì cảm nhận được thành ý của Ban huấn luyện đội tuyển là cải thiện kỹ năng sống, tăng sự tự tin trong giao tiếp và tiếp thu nhiều kiến thức chuyên môn khi thi đấu nước ngoài cho các tuyển thủ nên lãnh đạo Headstart đã quyết định tài trợ khóa học cho đội.

Trước đó, hãng trang phục World Sport cũng quyết định tài trợ trang phục tập luyện và thi đấu trong cả năm cho đội. Điều ấy khiến đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia trở thành đội tuyển trẻ quốc gia hiếm hoi ở Việt Nam có trang phục tập luyện theo từng ngày. Rồi Viện dinh dưỡng quốc gia cũng tài trợ những loại dinh dưỡng đặc thù trong đó có Cao năng lượng hỗ trợ VĐV khi tập luyện, thi đấu.

Trong thời gian tới, đội cũng sẽ có ít nhất hai nhà tài trợ. Dù mức tài trợ không nhiều nhưng rõ là bước chuyển lớn ở một đội tuyển ít được đánh giá cao về khâu tổ chức, thu hút các nguồn lực xã hội hóa. Vấn đề ở đây vẫn là mục đích mang lại những điều tốt nhất cũng như cải thiện chuyên môn cho VĐV của Ban huấn luyện đội tuyển. Vì vậy, nhà tài trợ yên tâm tài trợ.

Ngay như CLB vật Hà Nội cũng có chuyện tương tự. Doanh nghiệp Sungshin Vina thấy đường hướng của CLB đã quyết định tài trợ cho 10 VĐV hàng đầu, có tiềm năng phát triển. Mức tài trợ đủ để VĐV yên tâm tập luyện, cống hiến, làm vợi hẳn nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Tài trợ cũng nhiều nhưng doanh nghiệp chỉ đưa ra yêu cầu là VĐV thi đấu hết mình, đúng lộ trình mà Ban huấn luyện đặt ra.

Ở một số CLB khác của Hà Nội, cũng có chuyện VĐV được doanh nghiệp âm thầm hỗ trợ khi nhận thấy sự nghiêm túc trong cách đầu tư của lãnh đội.

Bằng tài năng của mình, Vũ Thị Trang đã được các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ.

Giữ phong độ để giữ tài trợ

Đầu năm nay, vận động viên bóng bàn kỳ cựu Đinh Quang Linh đã có nhà tài trợ mới là XIOM (Hàn Quốc). Trước đó, anh đã có 10 năm gắn bó với thương hiệu Stiga. Hợp đồng với Stiga không được tiết lộ chi tiết nhưng cũng đủ để Đinh Quang Linh không phải lo chuyện trang phục, thiết bị thi đấu và có chút thu nhập hỗ trợ gia đình.

Theo Đinh Quang Linh, nếu không nỗ lực, có thành tích chuyên môn thì có lẽ anh đã không được nhà tài trợ “để ý”. Vì vậy, khi đã ở gần thời điểm chia tay với bóng bàn đỉnh cao (dự kiến vào cuối năm 2018) nhưng anh vẫn được doanh nghiệp tài trợ. Thế nên, bản thân anh sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để không phụ công đầu tư của đơn vị chủ quản cũng như nhà tài trợ. 

Tương tự Đinh Quang Linh, tay vợt cầu lông kỳ cựu Nguyễn Tiến Minh cũng vẫn vẹn động lực thi đấu khi các nhà tài trợ vẫn tìm đến anh. Trong lịch sử thể thao Việt Nam, Nguyễn Tiến Minh là một trong những VĐV có nhiều hợp đồng tài trợ cá nhân nhất.

Năm ngoái, anh vẫn còn gắn bó với thương hiệu Mizuno theo hợp đồng trị giá 1 tỷ đồng/ năm. Đến năm nay, khi các nhà tài trợ khác vẫn tìm đến thì Tiến Minh vẫn tiếp tục theo nghiệp VĐV thay vì chia tay như nhiều đồn đoán. Trong khi đó, người vợ của Nguyễn Tiến Minh là Vũ Thị Trang lại có một hợp đồng tài trợ với hãng Li Ning.

Còn tay vợt nữ số 2 của cầu lông Việt Nam là Nguyễn Thùy Linh cũng được các nhà tài trợ săn đón. 3 năm trước, khi còn là tay vợt trẻ giàu tiềm năng, cô đã có hợp đồng với thương hiệu Victor. Năm 2015-2016, cô gắn bó với thương hiệu Astec. Chính trong thời gian này, Nguyễn Thùy Linh đã thăng tiến vượt bậc trong nghề để bây giờ lên hạng 63 thế giới. Đến năm 2017, Nguyễn Thùy Linh lại gắn bó với thương hiệu Dunlop.

Đương nhiên, càng sau này giá trị hợp đồng càng lớn. Như khi gắn bó với Astec, cô được thi đấu thêm 3 giải quốc tế từ nguồn tài trợ. Nhưng đến khi gắn với nhà tài trợ mới, dự kiến Nguyễn Thùy Linh sẽ có điều kiện thi đấu quốc tế nhiều hơn. Chính người đại diện của Astec cũng nói rằng, việc Nguyễn Thùy Linh được thi đấu quốc tế nhiều hơn khi có nhà tài trợ mới cũng là điều đáng mừng.

Ngoài ra, trong làng thể thao Việt Nam còn nhiều VĐV ở những môn cá nhân được tài trợ trong đó có Nguyễn Diệp Phương Trâm (bơi), Lý Hoàng Nam (quần vợt), Nguyễn Anh Khôi… Điểm chung của họ là đều có thành tích tốt cùng sự yêu nghề. Việc của họ chỉ là giữ phong độ, thuyết phục các nhà tài trợ.

Thực tế, không thiếu nhà tài trợ muốn gắn bó với các VĐV Việt Nam. Vấn đề chỉ là VĐV và chính những người thầy của họ có thuyết phục được bằng chuyên môn, tư cách, ý chí phấn đấu hay không mà thôi.

Minh Nhật
.
.
.