Hướng tới World Cup 2018:

Carlos Queiroz, từ trợ lý tại Man Utd tới biểu tượng của bóng đá Iran

Thứ Bảy, 24/03/2018, 07:41
Trong danh sách đề cử rút gọn cho hạng mục HLV hay nhất năm của FIFA chỉ có 1 người không làm việc tại châu Âu, là Tite – HLV trưởng của Brazil. Selecao là đội đầu tiên giành vé đi World Cup 2018. Cách đó gần một ngày bay, Iran – đội bóng tới từ châu Á – giành vé thứ hai góp mặt ở Nga.


Iran thậm chí đã xin được tấm vé thông hành sang Moscow vào tháng 6 này sớm hơn cả nhiều đại gia sừng sỏ của bóng đá quốc tế là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ngoại trừ Brazil, không một nền bóng đá nào có những bước tiến thần tốc nhưng cực kỳ vững chắc tới mùa hè 2018 tại nước Nga.

Bản thân Iran, trong 4 năm chuẩn bị cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh 2018, đã luôn giữ vững vị trí số 1 ở châu lục của mình. Chưa đội tuyển nào tại châu Á duy trì được sự thống trị lâu đến thế. Và bởi vậy, khi cái tên Carlos Queiroz – kiến trúc sư trưởng cho Iran suốt 4 năm qua – không xuất hiện trong danh sách đề cử rút gọn của FIFA, nhiều nhà bình luận cho rằng đó là sai sót của đơn vị điều hành bóng đá quyền lực nhất thế giới.

4 năm trước tại Brazil, Queiroz – trợ lý số 2 của Sir Alex tại Man Utd trong 6 năm liên tục trước đó – đưa Iran tới một bảng đấu đầy tính cạnh tranh với sự góp mặt của Argentina, Nigeria và Bosnia. Đấy là một giải đấu thành công của Iran: một lối chơi rõ ràng, một tập thể gắn kết.

Carlos Queiroz – người hùng của bóng đá Iran.

Nếu không phải vì khoảnh khắc thiên tài của… một thiên tài, ở đây là Lionel Messi, Iran đã có vé đi tiếp, lần đầu vượt qua vòng bảng sau 4 dịp tham dự. Queiroz thất vọng, nhưng không sụp đổ. Ông từng bước xây dựng lại hệ thống đào tạo, tuyển chọn cho toàn bộ nền bóng đá và đưa Iran tới Nga với đội hình trẻ trung, giàu năng lượng nhưng cực kỳ chất lượng.

9/23 tuyển thủ Queiroz mang sang Nga sau đây 2 tháng đang chơi bóng ở nước ngoài. Họ hoặc đá ở Trung Đông và khối Ả-rập, hoặc chơi bóng ở Bỉ và Hà Lan. “Alireza Jahanbakhsh có thể tạo nên cơn sóng thần nếu không bận kiến tạo và ghi bàn ở Az Alkmaar”, tờ Voetbal đã ví von như vậy về trường hợp của tiền vệ trái.

Bây giờ, anh ta đang là ứng viên sáng nhất cho đề cử “Cầu thủ hay nhất Hà Lan mùa giải 2017/18”. Jahanbakhsh, định giá 9 triệu euro, là mục tiêu săn đuổi của Burnley, Watford và cả Napoli.

Tương tự, những đồng đội khác của Jahanbakhsh đang xưng hùng xưng bá tại các giải bóng châu Âu. Reza Ghoochannejhad ghi tới 19 bàn tại Eredivisie – giải VĐQG Hà Lan mùa trước; trong khi Karim Ansarifard tại Olympiakos trung bình cứ 1 trận ghi 1 bàn.

Sardar Azmoun, 23 tuổi, có lẽ là một trong những ngôi sao châu Á lớn nhất ở độ tuổi của mình. Azmoun thậm chí đã nổ súng ở Champions League (cho Rubin Kazan) và đang được Liverpool theo dõi sát sao. Saeid Ezatolahi đang là hiện tượng ở Nga, còn Saman Ghoddos cùng đội bóng tí hon Osterunds của Thụy Điển làm nên hành trình kỳ diệu tại Europa League mùa này (thắng Arsenal 2-1 tại chính Emirates).

Con đường đến Nga của Iran trải đầy hoa hồng, không phải vì Nhật Bản hay Hàn Quốc – hai đối trọng ở khu vực sa sút. Đơn giản, vì thứ bóng đá Iran trình diện là áp đảo hoàn toàn. Nói cách khác, họ đã mạnh lên trông thấy so với 4 năm trước, chứ không vì những đội khác yếu đi.

Iran bất bại và đã giữ sạch lưới cho tới tận trận đấu thứ 10 của vòng loại. Queiroz, người đã rời Bồ Đào Nha vài tháng sau khi giúp đội tuyển nước này vào vòng 16 đội ở World Cup 2010, đã nhận lại thành quả ông cố ươm mầm suốt gần 7 năm. Mọi thứ trên sân diễn ra chính xác như những gì ông muốn và trong cả vòng loại World Cup 2018, máy quay hiếm khi nào bắt được cảnh Queiroz phải hò hét chỉ đạo.

World Cup 2018 đang đếm ngược. Tháng 6 này sẽ là lúc, bóng đá Iran nhận về kết quả cuối cùng cho cuộc đầu tư kéo dài gần một thập kỷ của mình. Carlos Queiroz, 65 tuổi, coi đây là màn tạm biệt của mình với bóng đá thế giới. Và chắc chắn, ông muốn nó là cái kết có hậu.

Bất lợi của Iran

Iran là quốc gia giàu có ở Tây Á, nhưng có nhiều xung đột trong quan điểm với phương Tây. Vì thế, họ phải chịu khá nhiều lệnh cấm vận. Bóng đá cũng chịu nhiều thiệt thòi vì các lệnh trừng phạt đó.

4 năm trước, trong đợt chuẩn bị cho World Cup 2014, Queiroz đã phàn nàn về công tác hậu cần, chọn đối thủ quân xanh cho Iran. Tất nhiên, IFF (LĐBĐ Iran) có cái khó của mình, là dòng tiền từ các quỹ đầu tư nước ngoài bị hạn chế khiến đội tuyển không thể đi tập huấn ở những nơi Queiroz yêu cầu.

Năm nay, tình hình có vẻ khả quan hơn, dù chưa được như kỳ vọng của Queiroz. Ông muốn có một vài tuần tập huấn tại châu Âu. IFF đáp lại, bằng việc mở rộng quan hệ với những liên đoàn khác và mời được Togo, Panama, Venezuela, Syria, Turkey, Tunisia và Sierra Leone cho Iran đá tập.

Nếu nhìn sang khác đội tuyển khác ở châu Á, Queiroz có thể sẽ chạnh lòng. Brazil, Bỉ, Italia, Đức và Colombia là “quân xanh” chuẩn bị cho World Cup của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ả-rập-xê-út.

Nhưng dù muốn hay không, Queiroz cũng phải chấp nhận với thực tại ấy. Sự thật thì ông không còn lựa chọn nào khác, ngoài thích nghi với hoàn cảnh. Queiroz xứng đáng được tôn vinh vì những đóng góp của mình cho Iran nhưng tất nhiên, ông cần một cú hích, một sức bật tại World Cup 2018.

Huyền Linh
Đơn Ca
.
.
.