Cần thêm hành trang trên đường đến đỉnh cao

Thứ Năm, 01/03/2018, 09:06
Những mục tiêu tại các Giải vô địch châu lục, thế giới hay Olympic hoặc ASIAD, gần nhất là ASIAD 2018, ở nhiều môn đã được đặt ra. Tuy nhiên, để thực hiện trọn vẹn lại cần nhiều điều kiện trong đó có trang thiết bị phục vụ nâng cao thể lực cũng như tăng cường số lượng và chất lượng bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho vận động viên.

Thiếu phòng tập thể lực

Trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đều tổ chức gặp mặt các HLV, VĐV thông qua các buổi nói chuyện hay đến thăm Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Một trong những kiến nghị, đề xuất được đưa ra tại những cuộc gặp trên chính là việc cần có thêm nhiều phòng tập thể lực để nâng cao sức mạnh, sức bền… cho VĐV nhằm đáp ứng yêu cầu thi đấu quốc tế.

Chuyên gia người Iran Hassan và các HLV ở đội tuyển Karatedo quốc gia là những người sốt sắng nhất với việc này. Chinh chiến tại các giải đấu quốc tế, họ đã quá hiểu rõ sự quan trọng về sức mạnh và thể hình của VĐV. Ở đó, trong xu hướng phát triển của thể thao hiện đại, yếu tố sức mạnh và thể lực đặc biệt được đề cao. Nhiều quốc gia đã chú trọng đến vấn đề này nên đã đạt được thành công.

Còn VĐV Việt Nam đã nhiều lần thua thiệt vì không sở hữu được nền tảng thể lực, sức mạnh và thể hình đủ để đối chọi với VĐV nước khác. Vì vậy, các võ sĩ Việt Nam đã phải nhận nhiều trận thua đáng tiếc.

Theo vị chuyên gia người Iran này, ngoài việc phải được tạo điều kiện thi đấu quốc tế liên tục, được hỗ trợ về dinh dưỡng… thì các VĐV cũng cần được hưởng những điều kiện tập luyện đầy đủ, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là phải có phòng tập thể lực để các VĐV rèn sức mạnh, sức bền. Ngay Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội cũng thiếu những phòng tập thể lực, phòng gym để hỗ trợ các VĐV.

Ông Hassan đã khẳng định rằng nếu chú trọng đến các bài tập về sức mạnh thì thành tích của các VĐV Việt Nam sẽ còn tốt hơn nữa. Trong hơn 1 năm làm việc tại Việt Nam, nhờ chú trọng đến các bài tập phát triển nhóm cơ, nâng sức mạnh nên ông Hassan đã giúp các VĐV Việt Nam giành hàng loạt thành tích ấn tượng như đoạt 5 HCV tại SEA Games 29, võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan trở thành võ sĩ Việt Nam đầu tiên giành ngôi vô địch ở một giải đấu cấp độ thế giới.

Thực tế, thiếu phòng tập thể lực ở nhiều trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và địa phương thực sự là vấn đề đáng quan tâm trong đầu tư cho thể thao thành tích cao hiện nay. Hoàn toàn có thể giải quyết việc này nếu các nhà quản lý đánh giá đúng vị trí của nó trong đầu tư cho hệ thống thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện cho VĐV. Chỉ cần có cách nhìn nhận đúng thì sẽ có giải pháp cụ thể. Không ngẫu nhiên khi một số HLV đã cho rằng, hoàn toàn có thể kêu gọi xã hội hóa để đầu tư các phòng tập thể lực cho VĐV.

Các võ sĩ ở đội tuyển Karatedo quốc gia và các đội tuyển khác cần được chú trọng đầu tư hơn nữa về thiết bị tập luyện.

Cần thêm nhiều bác sĩ thể thao

Từ nhiều năm nay, thiếu bác sĩ ở nhiều đội thể thao vẫn còn đó. Đây lại là vấn đề đáng quan tâm trong làng thể thao Việt Nam. Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội dù đã có khá đông bác sĩ, nhân viên y tế nhưng không thể đạt tới tỉ lệ có ít nhất 1 bác sĩ phụ trách 1 đội.

Ngay cả Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội dù có tới gần 3.000 VĐV nhưng số bác sĩ, nhân viên y tế cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với số lượng như vậy, thật khó bảo đảm chăm sóc sức khỏe, chấn thương cho VĐV.

Trước đây, ông Lê Quý Phượng - chuyên gia đầu ngành về y học thể thao Việt Nam, từng chia sẻ rằng phải quan tâm đầu tư hơn nữa về mảng đào tạo bác sĩ thể thao ở cả khía cạnh chất và lượng. Chính vì thiếu bác sĩ thể thao mà nhiều VĐV không được sơ cứu kịp thời, đúng cách trong quá trình tập luyện, dẫn đến chấn thương ngày nặng hơn, hồi phục lâu hơn và thậm chí phải giải nghệ bất đắc dĩ. Bóng đá là môn được đầu tư nhiều nhất về nguồn nhân lực y học thể thao.

Tuy vậy, điều này mới thể hiện rõ ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Còn ở cấp độ CLB, cũng không nhiều CLB sở hữu tới 3 bác sĩ, nhân viên y tế như trường hợp đội U23 Việt Nam dự Giải U23 châu Á vừa qua.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy – người đã đi theo hành trình của U23 Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và thi đấu ở Giải U23 Châu Á đã kể lại rằng, dù có 3 bác sĩ, nhân viên y tế nhưng công việc của họ thường kết thúc vào 1-2 giờ sáng. Như thế đủ thấy khối lượng công việc của bác sĩ, nhân viên y tế tại các đội thể thao lớn đến nhường nào. Thế nên, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy mới lo lắng khi nhắc tới việc nhiều CLB bóng đá ở Việt Nam không đủ số lượng bác sĩ, nhân viên y tế cần thiết. Cuối cùng, chỉ có cầu thủ là chịu thiệt.

Chưa có thống kê cụ thể về số bác sĩ, chuyên gia y học và nhân viên y tế thể thao ở Việt Nam nhưng có lẽ con số này chưa thể qua con số 1.000. Thậm chí, nếu đạt mức 1.000 bác sĩ, nhân viên y tế thể thao thì cũng không thể đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, đây là mảng việc cần được ngành thể thao quan tâm nếu muốn đi vững, đi chắc trên hành trình vươn tới đỉnh cao thể thao châu lục, thế giới.

Bài học từ U23 Việt Nam

Câu chuyện ở đội U23 quốc gia trong hành trình thi đấu ở Giải U23 Châu Á 2018 là ví dụ rõ nét về việc nâng cao sức mạnh cho VĐV Việt Nam.

Trước vòng chung kết, HLV Park Hang Seo đã phát hiện các cầu thủ Việt Nam yếu về tranh chấp ở phần trên cơ thể. Vì thế, ông đã yêu cầu học trò chú trọng vào những bài tập bổ trợ để phát triển nhóm cơ ở phần trên cơ thể. Cũng may, điều kiện tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quốc gia đáp ứng được yêu cầu nên các tuyển thủ đã có bước tiến đáng kinh ngạc về thể lực.

Nhờ đó, các tuyển thủ U23 Việt Nam đã đối chọi được với các đội bóng được đánh giá cao hơn về thể lực, sức mạnh, sức bền để tạo nên kỳ tích cho bóng đá Việt Nam tại giải.

Minh Hà

Minh Nhật
.
.
.