Bóng đá đẹp hay bóng đá hiệu quả?

Thứ Ba, 11/07/2017, 09:03
Bóng đá Thái Lan mấy hôm nay đang bàn tán quanh phát biểu của HLV trưởng Đội tuyển U.22 Quốc gia Worawut Srimaka, rằng ở SEA Games 29 tới đây, U.22 Thái không cần chơi đẹp, chỉ cần quan tâm đến hiệu quả sau cùng.


Người thì bảo nhận định ấy là chính xác, bởi cái đích đến sau cùng của bóng đá là kết quả. Người lại bảo như thế là "thụt lùi", vì trong quá khứ rất nhiều lần bóng đá Thái vừa chơi đẹp vừa lên "vua" Đông Nam Á nhờ lối chơi mang đậm tính cống hiến ấy. 

Thực tế thì SEA Games 27 đánh dấu sự trở lại của bóng đá Thái ở đấu trường SEA Games sau hai lần liên tiếp để bóng đá Malaysia qua mặt. Dấu mốc quan trọng nhất cho sự trở lại ấy là thứ bóng đá đậm tính cống hiến được nhào nặn bởi HLV trưởng Kiatisak. 

SEA Games ấy, "Sắc" cùng một lứa cầu thủ mới toanh của bóng đá Thái Lan trình làng một thứ bóng đá đập - nhả mang màu sắc Tiqui - Taka mà giới chuyên môn Thái Lan gọi là "Tiki Taka theo kiểu Thái". 

Không chỉ ở cấp độ Đội tuyển U.23, ở cấp độ Đội tuyển Quốc gia, Kiatisak vẫn giữ nguyên quan điểm "Tiki Taka" ấy, và người hâm mộ bóng đá Việt Nam chưa quên ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018 khu vực châu Á, vẫn với lối chơi ấy, Thái Lan đánh bại Việt Nam 3 bàn ngay trên sân Mỹ Đình. 

Trong đó bàn thắng thứ 3 đến từ một chuỗi dích dắc các pha phối hợp nhanh, ngắn sau 17 lần chạm bóng. Đấy là một tình huống phối hợp khiến hệ thống phòng ngự Việt Nam không biết phương hướng nào mà chống đỡ.

Sang đến SEA Games 28 ở Singapore, Kiatisak bận dẫn dắt Đội tuyển Quốc gia đá vòng loại World Cup, nên quyền chỉ đạo Đội tuyển U.23 dự SEA Games được nhường lại cho người trợ lý Choketawee. Và không khó thấy Choketawee vẫn lái U.23 Thái theo một lối chơi giàu mĩ cảm mà Kiatisak đã vạch ra. Kết quả là bóng đá Thái lại lên ngôi một cách dễ dàng.

HLV Worawut tuyên bố U.22 Thái Lan chỉ cần kết quả, không cần chơi đẹp. 

Bây giờ thì người dẫn dắt U.22 Thái dự SEA Games 29 không còn là Kiatisak hay Choketawee nữa, mà là tân HLV trưởng Worawut, và như đã nói, nhà cầm quân này đang tạo ra nhiều tranh cãi trong dư luận bóng đá Thái với quan điểm: Chỉ cần hiệu quả không cần đá đẹp. 

Không hiểu là ông Worawut có đang nói đúng, nói trúng những suy nghĩ thật của mình hay không, nếu là có thì rõ ràng bộ mặt của bóng đá Thái Lan tại SEA Games này sẽ khác và khác rất nhiều so với những kỳ SEA Games trước. 

Lạ ở chỗ, nếu phải gặp hàng loạt những đối thủ trên cơ - điều mà Đội tuyển Quốc gia Thái Lan đã gặp và đã phải trả giá nặng nề ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018 vừa qua thì cái tư duy "chỉ cần hiệu quả, không cần đá đẹp" là dễ hiểu, đằng này Thái Lan dự SEA Games trong tư thế của một kẻ chiếu trên đối đầu với những đội bóng dưới cơ mình. 

Thôi thì cứ bình tĩnh chờ xem rốt cuộc U.22 Thái Lan dưới thời Worawut có đúng là một binh đoàn, lấy yếu tố thực dụng, hiệu quả làm phương châm hành động của mình hay không.

Trong khi ông Worawut nhấn mạnh đến yếu tố hiệu quả thì với HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng, có vẻ nhiệm vụ được giao lại nặng hơn rất nhiều. Ông Thắng một mặt nhận nhiệm vụ phải đưa U.22 Việt Nam vượt qua các đối thủ sừng sỏ để đoạt ngôi vô địch, một mặt phải đảm bảo được cái yêu cầu "chơi bóng kỹ thuật, giàu tính cống hiến" mà ông bầu, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức - người đưa ông lên tuyển đặt ra. 

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, khi đứng trước câu hỏi: "Hồi còn đá bóng ông từng là một trung vệ thép, điều gì khiến bây giờ ông lại quay ra theo đuổi bóng đá đẹp như vậy", ông Thắng đã nói rằng: "Định kiến là điều rất nguy hiểm. Tôi muốn chứng minh cho mọi người rằng những định kiến kiểu này về tôi là không đúng". 

Ông cũng đồng thời cho biết mình đang có trong tay một tập hợp những cầu thủ giàu kỹ thuật đến từ CLB Hoàng Anh Gia Lai, và đó là cơ sở để xây dựng một lối chơi duy mĩ.

Có vẻ như cả ông Nguyễn Hữu Thắng lẫn ông Worawut đều hướng đến một cái đích sau cùng, nhưng đường tới đích thì mỗi người một khác. Trong khi kẻ mạnh hơn chỉ quan tâm đến kết quả thì người yếu hơn lại vừa phải có kết quả, vừa phải duy trì được một bộ mặt giàu cống hiến.

Nếu HLV Nguyễn Hữu Thắng đánh thắng canh bạc cuộc đời này thì đấy đúng là kỳ tích!

Bóng đá Việt Nam cũng từng xung đột tư tưởng lớn

Tư tưởng "đá hiệu quả, không cần đá đẹp" của HLV trưởng U.22 Thái Lan bây giờ rất giống với tư tưởng của cựu HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia và U.23 Quốc gia Việt Nam - Toshiya Miura. 

Gần 2 năm làm việc ở Việt Nam, nhà cầm quân người Nhật này luôn ưu tiên tuyển chọn và trọng dụng những cầu thủ lực sĩ, mà bỏ qua những cầu thủ giàu kĩ thuật của lò Hoàng Anh Gia Lai JMG, khiến ông bầu Đoàn Nguyên Đức rất không hài lòng. 

Xung đột giữa một người ưa lối chơi thực dụng như Miura với một người ưa bóng đá đẹp như bầu Đức lớn tới độ trong một cuộc họp nội bộ VFF, ông Đức thẳng thừng đề nghị: "Nếu sa thải Miura, lấy quân Hoàng Anh Gia Lai làm nòng cốt dự SEA Games, tôi sẽ mang về những bản hợp đồng tài trợ lớn".

Ngọc Anh 

Diệp Xưa
.
.
.