Bóng đá Việt Nam và chuyện xây “hình tháp ngược”

Chủ Nhật, 12/04/2020, 08:55
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định tăng số lượng đội dự giải hạng Nhất Quốc gia từ năm 2021, dần tiến tới xoá bỏ “hình tháp ngược” vẫn tồn tại suốt 20 năm lên chuyên nghiệp.

Bóng đá Việt Nam bắt đầu lên chuyên nghiệp từ năm 2000. V.League bắt đầu mùa giải 2000-2001 với số lượng đội bóng được duy trì là 10 câu lạc bộ. Đến mùa giải 2003, số lượng đội tăng lên 12. Năm 2006, số lượng đội bóng tăng lên 13 (lẽ ra đã là 14 đội nếu như Ngân hàng Đông Á không mất quyền tham dự do dính vào vụ hối lộ trọng tài ở giải hạng Nhất 2005). Đến năm 2007 thì số lượng đội tăng lên 14 và giữ vững cho đến thời điểm hiện tại.

Trong quãng thời gian đầu tiên, số lượng đội hạng Nhất được duy trì với số lượng từ 12 đến 14 đội. Tức là các đội bóng hạng Nhất nhiều hơn và bằng số lượng V.League, đây là quy luật hình tháp xuôi đúng theo quy luật của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, từ mùa giải  2013, số lượng các đội hạng Nhất còn 8 đội. Mùa giải 2017 thậm chí V.League chỉ còn lại 7 đội. Lúc này so với giải V.League, số lượng chỉ còn 1/2  đưa bóng đá chuyên nhiệp Việt Nam phát triển theo mô hình  “hình tháp ngược”.

Giải hạng Nhất quốc gia sẽ tăng lên 14 đội từ mùa giải 2021. Ảnh: VPF.

Đây là mô hình đi ngược lại với quy luật phát triển thông thường trên thế giới. Bởi lẽ, muốn có giải vô địch quốc gia mạnh, các giải hạng Nhất, hạng Nhì phải có số lượng đội bóng đông hơn gấp 2 lần, điều này tạo ra một cuộc chọn lọc chất lượng cho giải đấu cao nhất. Ở Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đang duy trì được điều này. Cũng chính vì thế mà Thái League là giải đấu khá chất lượng.

Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế từng đau đáu rất nhiều năm qua về vấn đề này. Ông cho rằng, vấn đề căn bản trong quá trình phát triển bóng đá Việt Nam nằm ở bất cập này. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam suốt một thời gian dài bị Thái Lan bỏ xa trong khu vực. Muốn đội tuyển quốc gia mạnh chúng ta phải có giải quốc nội chuyên nghiệp và chất lượng.

HLV Alfred Riedl là người từng có quãng thời gian gắn bó lâu dài với bóng đá Việt Nam đã đưa ra một câu nói nổi tiếng là “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Điều này phản ánh khá chân thực nền bóng đá của chúng ta giai đoạn đầu rơi vào thời kỳ kim tiền. Tức là việc các ông bầu bỏ tiền vào làm bóng đá với việc mua về nhiều ngôi sao và ngoại binh mà không chú trọng đào tạo trẻ. Bóng đá Việt Nam vì thế không có nhiều đội trẻ thi đấu ở các giải hạng dưới của V.League.

Phải đến năm 2015 khi bầu Đức trình làng lứa cầu thủ U19 HAGL, V.League với thực sự có một thế hệ cầu thủ trẻ. Sau đó là lứa cầu thủ U20 dự U20 World Cup 2017 cũng đã mang đến một thế hệ trẻ tài năng đến từ các lò đào tạo Viettel, PVF, Hà Nội, Bình Dương… Tuy nhiên, tất cả đều không diễn ra đồng đều mà chỉ tập trung ở một số trung tâm đào tạo có tiếng. Bây giờ, chỉ có Hà Nội là đội bóng duy trì được tuyến 2 tốt.

Cũng vì thế mà VFF buộc phải thay đổi. Từ năm 2021, Giải hạng Nhất Quốc gia sẽ có 14 đội, thay vì 12 đội như hiện tại. Kết thúc mùa giải 2020, đội xếp thứ 12 Giải hạng Nhất quốc gia sẽ xuống thi đấu ở Giải hạng Nhì mùa giải 2021. Đồng thời, 3 đội đứng đầu Giải hạng Nhì sẽ giành quyền lên thi đấu ở Giải hạng Nhất năm 2021.

Ông Cao Văn Chóng - Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông VFF cho biết: “Các đội hạng Nhất thi đấu không có cầu thủ ngoại như trước, ngân sách hoạt động cũng ở mức vừa phải nên Ban Chấp hành xét thấy từ năm 2021 là thời điểm phù hợp để tăng số lượng đội, điều chỉnh số đội hạng Nhì theo hướng cả 3 giải, gồm V.League, đều có 14 đội. Phương án này được các câu lạc bộ đồng thuận cao, Ban Chấp hành đã thông qua, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển phong trào”.

Việc tăng số lượng các đội ở Giải hạng Nhất và hạng Nhì sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh, tăng chất lượng giải đấu, đúng với lộ trình trong việc quy hoạch số đội bóng tại các giải chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp quốc gia từ năm 2021. Hiện, Giải hạng Nhất quốc gia chỉ gồm 12 đội bóng và vài mùa gần đây chỉ có dưới 10 đội.

Đây được xem là sự thay đổi cần thiết trong bối cảnh mà bóng đá Việt Nam cần một cuộc cách mạng để thay đổi các giải chuyên nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, việc đưa “hình tháp xuôi” trở lại nếu không có nền tảng vững chắc từ chân đế của khâu đào tạo trẻ các câu lạc bộ thì vô tình trở thành hình thức. Mong rằng, đây sẽ là một cuộc cải tổ mang lại hiệu quả thực sự.

FIFA hỗ trợ tài chính cho các Liên đoàn thành viên

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chủ tịch  FIFA Gianni Infantino đã có thông điệp truyền tải tới 211 liên đoàn thành viên về tinh thần cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, đồng thời nêu bật những giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn tới. Ông Gianni Infantino đặc biệt đề cập đến giải pháp hỗ trợ tài chính cho các liên đoàn bóng đá thành viên.

"Mục tiêu của chúng ta là có được nguồn ngân sách với cơ cấu quản lý độc lập, giúp củng cố và mang đến những giải pháp chuyên nghiệp, nhằm thực hiện tốt nhất mục đích của bóng đá. Từ đó, thế giới biết rằng dòng tiền sẽ đi về đâu, và một điều quan trọng không kém là tại sao nguồn tiền lại được đưa vào mục đích đó.

Tuy nhiên, để kịp thời hỗ trợ tất cả các liên đoàn thành viên, tôi yêu cầu bộ phận điều hành của FIFA cần thực hiện theo đúng quy trình với sự phê chuẩn của các ban liên quan để có những dự liệu đối với việc thanh toán phần còn lại của chương trình FIFA Forward – nguồn tiền sẽ được sử dụng vào nửa cuối của năm nay" - ông Gianni Infantino nhấn mạnh.

Chủ tịch FIFA cũng nêu lên 3 mảng công việc chính sẽ tập trung là: “Đầu tiên là xem xét những khó khăn của lịch thi đấu quốc tế. Tôi hiểu rằng các liên đoàn thành viên đang phải bảo vệ đội tuyển quốc gia. Bạn cũng cần tìm cách để cân bằng và bảo vệ các câu lạc bộ, bởi đó chính là sức sống trong môn thể thao của chúng ta.

Các hợp đồng của cầu thủ và thời gian chuyển nhượng cũng cần được xem xét, chúng ta cần phải linh hoạt và nhạy bén trong những cách tiếp cận vấn đề. Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích những giải pháp để hỗ trợ các liên đoàn một cách cụ thể và hiệu quả hơn, từ những quỹ hỗ trợ mà tôi vừa nhắc tới".

Được biết, FIFA đang thành lập một quỹ viện trợ có giá trị lên đến 2,7 tỉ USD nhằm giúp đỡ các liên đoàn bóng đá thành viên đang gặp khó khăn.

Hưng Hà
.
.
.