Bây giờ, Pep đã lộ nguyên hình

Thứ Bảy, 20/08/2016, 06:40
Sau 5 trận, Pep Guardiola đã cho thấy trí tưởng tượng của ông phong phú đến nhường nào. Sức sáng tạo của Pep không giới hạn, khi hàng loạt điều chỉnh như từ trên trời rơi xuống xuất hiện và ngự trị Etihad. 


Tất cả là tiền vệ

Pep Guardiola là học trò của Johan Cruyff. “Thánh” Cruyff là đệ tử của Rinus Michels. Như vậy, gọi Michels – cha đẻ của bóng đá tổng lực là “sư tổ” của Pep cũng không sai. Điểm chung giữa họ là nỗi ám ảnh về khả năng áp đặt và kiểm soát trận đấu.

Bóng đá kiểm soát là sự thống trị trái bóng tuyệt đối: Cả đội tấn công, cả đội phòng ngự. Tuy nhiên, do bóng đá hiện đại quá phức tạp và đòi hỏi nguồn năng lượng vô tận, Pep buộc phải tạo ra vài tinh chỉnh. Mà điển hình nhất, là biến tất cả thành “tiền vệ” – những người có khả năng giữ bóng tốt.

Hồi xưa, khi mới tới Bayern, Pep huấn luyện bằng được Lahm chơi thấp nhất hàng tiền vệ ở vị trí pivote – người kết nối hai tuyến với nhau. Rồi ở trung tâm hàng thủ, ông đào tạo Boateng như một chân chuyền thực thụ. Lúc không thể làm điều tương tự với Benatia, Pep kéo Martinez – một tiền vệ phòng ngự về đá cặp cùng Boateng.

Có thể nói, Pep bị “ám ảnh” bởi trường phái kiểm soát. Tất nhiên, đó là nỗi ám ảnh có tính hàn lâm cao. Trong bối cảnh các trận đấu ở kỷ nguyên mở ngốn quá nhiều thể lực, việc chạy lên – xuống trong 90 phút liên tục là không tưởng. Vì vậy, Pep muốn các học trò của mình sở hữu nền tảng cơ bản của một tiền vệ để hạn chế “mất bóng” tới tối đa.

Thế nên, Pep kéo David Silva về đá tiền vệ trung tâm, đưa Fernandinho và Kolarov – những cầu thủ phòng ngự chơi chân rất tốt về thử nghiệm ở trung tâm hàng thủ. Joe Hart mất vị trí về tay Caballero cũng vì không thể sắm vai “trạm luân chuyển” đầu tiên trong dây chuyền “đa bóng” mà Pep gây dựng.

Pep (phải) đã tạo ra rất nhiều thay đổi kể từ khi về nắm quyền ở Etihad…

Một hình ảnh đặc trưng khác: Clichy – hậu vệ trái vốn được nhớ tới nhờ tốc độ thậm chí đã xuất hiện ở… giữa sân nhiều hơn là khu vực cánh trái. Trận khai mạc Premier League, biểu đồ nhiệt cho thấy Clichy giành 61% thời gian ở trung tâm hàng tiền vệ.

Tóm lại, ai cũng phải làm quen dưới hình hài một tiền vệ

Cơ chế “một thủ trưởng”

Pep là nhà chiến thuật vĩ đại, hẳn nhiên rồi. Nhưng ông ta còn là nhà độc tài chuyên quyền nữa. Xưa nay, trên thế giới chỉ có Sir Alex và Arsene Wenger được xem như “ông trùm”, nắm trong tay quyền lực cao hơn một HLV bình thường.

Còn bây giờ, Pep Guardiola cũng “xứng đáng” được liệt vào hàng ngũ ấy. Khác biệt duy nhất giữa Pep và hai bậc tiền bối là ông thực hiện chậm rãi, âm thầm chứ không ra mặt, thị uy quyền lực.

Pep đã thẳng tay loại bỏ Deco, Etoo khi lên nắm quyền và tạo ra một Barca của riêng mình. Pep cũng không ngại ngần chỉ trích Ribery – Robben trong những buổi tập ở Trentino, Italia hè 2013, lấy đó làm tiền đề tạo điều kiện cho hàng loạt cầu thủ trẻ.

Câu hỏi được đặt ra: Tại sao hiếm khi nào, chúng ta bắt gặp lời đồn đoán, chỉ trích Pep? Đấy chính là biệt tài lớn nhất của Pep, để ông duy trì chế độ “một thủ trưởng” của mình.

Ở Barca, ông dùng chính thế hệ 87 của La Masia, nghĩa là máu thịt Catalonia làm bàn đạp cho các bước tiến sau này. Ở Bayern, ông đề cao vai trò của nhóm cầu thủ người Đức, đủ để khiến các ông chủ khó tính quên đi cặp Robbery – những công thần ở Allianz Arena từ thuở hồng hoang.

Mấy ngày qua, nửa xanh Manchester xôn xao chuyện Joe Hart – thủ môn số 1 nước Anh mất chỗ đứng. Đó cũng không còn là “viễn cảnh” nữa, mà tương lai của Hart coi như đóng đinh chừng nào Pep còn ở Etihad.

Cũng chẳng ai dám lên án Pep. Vì người thay thế, Caballero – là thần tượng của… giới cổ động Man City. Anh là học trò cưng của Pellegrini, HLV được hết mực yêu quý ở Etihad. Đến bây giờ, người hâm mộ Man City vẫn còn trách móc nhà Mansour vì đã không đối xử đúng mực, ghẻ lạnh Pellegrini trong những ngày cuối ông còn đương nhiệm.

Chọn Caballero vừa giúp Pep giải quyết được khâu “chuyền”, vừa giúp ông lấy lòng đám đông.

Pep đưa Man City về… thời đồ đá?

2-3-2-3, hay còn được biết dưới cái tên “W-M” là chiến thuật cơ bản, gốc gác của bóng đá tổng lực. Tức là, đẩy tốc độ của trận đấu lên cao nhất có thể bằng thế trận kiểm soát tối đa.

Ở đây, chỉ còn lại duy nhất cặp trung vệ ở lại phần sân nhà bảo vệ cầu môn, hai hậu vệ cánh dâng cao nhập đội hình cùng hàng tiền vệ. Cách chơi này không khác gì tự sát, vì nó tốn quá nhiều thể lực và thiếu lực lượng tuyến dưới. Lần cuối cùng người hâm mộ được tận mắt nhìn thấy W-M đã cách đây ngót nửa thế kỷ (ĐT Hà Lan thập kỷ 70 thế kỷ 20)

Nhưng có vẻ, Pep đang thử nghiệm phương án tưởng như đã tuyệt chủng này tại Etihad mấy năm qua. Ông kích thích hai hậu vệ cánh dâng cao, mà trường hợp của Clichy là ví dụ điển hình.

Từ đây, David Silva và De Bruyne cùng sắm vai nhạc trưởng (đứng ngay dưới bộ 3 Nolito – Aguero – Sterling) san sẻ trách nhiệm tổ chức cùng nhau. Pep gọi là “hai số 8 tự do” trên nhật báo Het Laatste Nieuws, chính là ám chỉ một phiên bản cao cấp của vị trí libero cổ điển: Được tự do điều phối, không tuân theo bất kể luật lệ nào.

Sẽ là vội vàng nếu đưa ra dự đoán vào thời điểm này, vì với Pep, cái gì người ta không làm được – ông sẽ cố làm bằng được.

Vì sao Pep “khác người”?

Nhiều lúc không khỏi giật mình trước những tính toán của Pep. Nguyên cớ làm sao, ông lại xếp Kolarov chơi trung vệ? Hoặc từ đâu, một thủ môn phải là người biết chuyền bóng?

Có ý kiến cho rằng, Pep cố chứng tỏ mình, vì ông muốn thoát khỏi cái mác “dựa hơi người tiền nhiệm”. Khi tiếp quản Barca và Bayern, Pep đều thừa hưởng di sản đồ sộ mà HLV đi trước để lại.

Trong 25 năm qua, bóng đá thế giới đã chứng kiến 3 cột mốc đáng nhớ: Thời đại của Arrigo Sacchi, thời đại của bóng đá tổng lực và thời đại của Barca. Vậy thời đại tiếp là của ai? Của CLB nào? Của trường phái nào?

Hãy nhớ rằng, Pep lúc mới tuyên bố nhậm chức ở Bavaria đã mạnh miệng tuyên bố: “Trong 5 năm nữa, Bayern là bá chủ thế giới”. Về cơ bản, thời đại tiếp theo là của Pep - như đúng tâm niệm của ông. Kết quả, “Hùm xám”… giậm chân tại chỗ.

Pep không phải mẫu người “giỏi nói hơn làm”. Chỉ là 3 năm ở Đức, ông “chưa” làm được mà thôi. Môi trường ở Man City do đó khá thích hợp cho Pep hoàn thành giấc mơ dang dở của mình.

Đơn Ca
.
.
.