“Ác mộng” dây chằng

Thứ Bảy, 14/03/2020, 16:10
Nếu không vì đại dịch COVID-19 thì vòng loại World Cup 2022 khu vực Châu Á sẽ diễn ra đúng kế hoạch. Lúc đó, thầy Park sẽ đau đầu về bài toán nhân sự bởi nhiều trụ cột của đội tuyển Việt Nam bị sợi dây chằng đầu gối hành hạ...


Đang ở đỉnh cao phong độ, bỗng nhiên sự nghiệp “quần đùi áo số” của họ bị gián đoạn thời gian khá dài. Chấn thương dây chằng là nỗi ác mộng của mọi cầu thủ.

Khóc vì dây chằng

Cuối tháng 7/2019, cầu thủ Ganiyu Bolaji Oseni, chân sút chủ lực của CLB Hà Nội (nay Oseni đã chuyển sang CLB Ararat Yerevan của Armenia) và tôi cùng phẫu thuật tái tạo dây chằng đầu gối tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. 

Cùng cảnh “đồng gân”, lúc đó Oseni đã chia sẻ với tôi: “Cách đây hơn một tháng khi nhận được thông báo của bác sĩ mình bị đứt dây chằng chéo trước gối, phải phẫu thuật và phải điều trị 6 đến 9 tháng. Đêm đó tôi nằm khóc như một đứa trẻ, một phần vì đau ở vết thương, nhưng phần chính là sự nghiệp của tôi bị gián đoạn và không biết sau này có trở lại được như trước không!”.

Cầu thủ Oseni phẫu thuật tái tạo dây chằng đầu gối tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào cuối tháng 7-2019. 

Oseni từng là cầu thủ trẻ trong màu áo của đội tuyển Nigeria, rồi sang thi đấu ở các giải chuyên nghiệp Tunisia, Nga và 6 CLB ở Việt Nam. Bản lĩnh đầy mình, nhưng anh vẫn khóc như đứa trẻ thơ chỉ vì dây chằng đầu gối. Điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng và nỗi sợ hãi của cầu thủ do chấn thương đứt dây chằng đầu gối gây ra.

Hơn một năm qua, lần lượt nhiều cầu thủ chủ lực của đội tuyển Việt Nam như Vũ Văn Thanh, Phan Văn Đức, Trần Đình Trọng, Lương Xuân Trường, Phạm Xuân Mạnh (đứt dây chằng cổ chân) và mới đây nhất là Đỗ Duy Mạnh, rồi cả tuyển thủ nữ Chương Thị Kiều đều bị đứt dây chằng đầu gối. Đây là chấn thương đem lại nỗi âu lo và sợ hãi cho mọi cầu thủ. Nếu ai đã từng trải qua “ác mộng” này thì mới biết quá trình tập hồi phục phức tạp và khó khăn thế nào để trở lại sân cỏ.

Sau gần 9 tháng phẫu thuật và điều trị hồi phục chấn thương dây chằng đầu gối, Phan Văn Đức ra sân ở vòng 1 V.League 2020 trong trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An và CLB Sài Gòn trên sân Thống Nhất vào chiều 8-3. Dù được vào sân ở những phút cuối trận nhưng cảm giác bóng của Đức "cọt" vẫn chưa “nom”. 

Phan Văn Đức chia sẻ rằng: “Sau khi phẫu thuật ở Singapore tôi và Đình Trọng được về Học viện Bóng đá PVF để được chuyên gia vật lý trị liệu của PVF cùng bác sĩ người Hàn Quốc Choi Ju-young trực tiếp tập phục hồi. Mỗi ngày 5-6 tiếng tập luyện các bài với mức độ tăng dần. 5 tháng ở đấy cực kỳ gian nan, nhưng chúng tôi động viên nhau và hoàn thành giáo án tập vì sự nghiệp còn dài”.

Cầu thủ Trần Đình Trọng sau ca phẫu thuật tái tạo dây chằng đầu gối thành công tại Singapore vào cuối tháng 6/2019. 

Với mọi cầu thủ, quá trình tập luyện vật lý trị liệu hồi phục dây chằng đầu phải từ 6 tháng trở lên, tùy cơ địa của từng cầu thủ. Nếu trở lại sớm, họ dễ tái phát chấn thương hơn, điển hình là trường hợp của Đình Trọng. Đã hơn 9 tháng điều trị, nhưng lượt đi của V.League 2020 anh sẽ không được vào sân thi đấu mà phải nghỉ ngơi và tập luyện hồi phục. 

Huấn luyện viên CLB Hà Nội Chu Đình Nghiêm đã phát biểu rằng: “Do Đình Trọng tập lại quá sớm, chấn thương của cậu ấy phải cần thời gian để hồi phục hoàn toàn, nếu tập căng sẽ tràn dịch đầu gối”.

Tại sao cầu thủ hay bị đứt dây chằng?

Những cầu thủ của đội tuyển Việt Nam bị đứt dây chằng đầu gối gần đây đều đá ở các tuyến hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo và chấn thương dây chằng cũng xẩy ra ở mọi lứa tuổi, như trường hợp của cầu thủ Đặng Văn Tới, thủ quân U19 Việt Nam. 

Tại các Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Thể thao, Việt Đức… mỗi năm mỗi bệnh viện phẫu thuật tái tạo dây chằng đầu gối cho hàng nghìn người, hầu hết là cầu thủ nghiệp dư và có nhiều cầu thủ chuyên nghiệp. Câu hỏi đặt ra là tại sao cầu thủ đá bóng hay bị đứt dây chằng?.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, từng là bác sĩ của đội tuyển quốc gia và đội U23 Việt Nam; là người sáng lập ra Trung tâm Y học Thể thao chính quy đầu tiên ở nước ta, phân tích: Các cầu thủ đá bóng thường ở cường độ cao, thời gian dài, tính chất đối kháng trực tiếp, nên 80% chấn thương là ở chi dưới, gồm chấn thương cơ, xương, sụn, dây chằng, trong đó gần 20% là chấn thương dây chằng. 

Mặt khác, các cầu thủ như Vũ Văn Thanh, Phan Văn Đức, Trần Đình Trọng, Lương Xuân Trường là trụ cột của CLB và đội tuyển quốc gia, họ phải thi đấu liên tục. Chẳng hạn như Duy Mạnh, trong năm 2019, anh đã thi đấu khoảng 50 trận cho CLB và các đội tuyển quốc gia. Đó là con số rất lớn mà mọi cầu thủ trên thế giới đều cảm thấy mệt mỏi. Các cầu thủ này thi đấu nhiều dẫn đến quá tải từ 15-35%, chưa kịp lấy lại trạng thái sức khỏe bình thường mà đá tiếp nên dễ bị chấn thương.

Cầu thủ Đỗ Duy Mạnh thẫn thờ vì chấn thương của mình trong trận đấu tranh Siêu cúp quốc gia giữa CLB Hà Nội và CLB TP Hồ Chí Minh vào chiều ngày 1/3/2020 trên sân Thống Nhất.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, các cầu thủ chưa có ý thức tốt trong phòng, tránh chấn thương. Trước khi vào trận đấu, công tác khởi còn loa qua, chưa sát với tính chất, cường độ của trận đối kháng. 

Chính việc không khởi động kỹ thường khiến cho dây chằng không kịp chuyển từ trạng thái nghỉ sang vận động đột ngột sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ bị chấn thương dãn hoặc đứt.

 Cùng với đó, ở nhiều CLB chất lượng chăm sóc y tế, phương pháp tập luyện nâng cao thể lực cho cầu thủ còn ở mức độ nhất định; chưa thường xuyên cung cấp đủ năng lượng nước, điện, giải hay lối sống, sinh hoạt của các cầu thủ chưa khoa học, thiếu chuyên nghiệp. Ngoài ra, kỹ, chiến thuật của cầu thủ còn yếu; chấn thương cũ chưa bình phục hoàn toàn; thời tiết, khí hậu, sân bãi cũng là yếu tố tác động đến chấn thương dây chằng.

Bác sĩ Thủy viện dẫn trường hợp của cầu thủ Đoàn văn Hậu khi gia nhập CLB Heerenveen (Hà Lan). Chỉ sau mấy tháng, Hậu đã thuy đổi hẳn về thể hình so với lúc ở Việt Nam. 

Tại Heerenveen, hậu vệ trái của đội tuyển Việt Nam được tập luyện bài bản với những chuyên gia thể hình, thể lực, dinh dưỡng thể thao và dược liệu. Cầu thủ thường sử dụng protein, đồ uống bổ trợ, thực phẩm chức năng để phát triển cơ bắp giúp anh cải thiện cơ thể và sức mạnh thể lực.

Nguyễn Chí Hòa- Ảnh Thành Luân
.
.
.