An ninh tuyệt đối cho Hội nghị thượng đỉnh COP 21 tại Pháp

Thứ Hai, 30/11/2015, 08:05
Sự có mặt của gần 150 nhà lãnh đạo thế giới và các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP21) đã khiến không khí ở thủ đô Paris và các tỉnh thành khác ở Pháp vốn đang “nóng” sau loạt vụ tấn công khủng bố, lại càng căng thẳng hơn. Pháp đã phải đặt các đơn vị an ninh, cảnh sát và quân đội trong tình trạng báo động và chuẩn bị đầy đủ các biện pháp để bảo vệ hội nghị an toàn, hiệu quả.

Lực lượng an ninh hùng hậu

Mặc dù ngày 30-11 mới chính thức khai khai mạc Hội nghị COP21 song từ hôm 29-11, nhiều nguyên thủ quốc gia đã có mặt tại Pháp. Trước đó, hôm 28-11, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng đã trao chìa khóa biểu tượng Trung tâm Hội nghị COP21 cho đại diện của Liên hợp quốc (LHQ) là bà Christiana Figuere, thư ký điều hành Công ước khung về biến đổi khí hậu của LHQ (UNFCCC).

Theo hãng BBC, với sự kiện này, Trung tâm Hội nghị tại sân bay Bourget sẽ trở thành một phần lãnh thổ của LHQ trong vòng 2 tuần, từ ngày 28-11 đến ngày 11-12. Phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí cùng với Ngoại trưởng Laurent Fabius, bà Christiana Figuere đã đánh giá cao sự chuẩn bị của nước Pháp và khẳng định rằng, theo kinh nghiệm cá nhân của bà, các đại biểu tham dự hội nghị chắc chắn sẽ cảm thấy thoải mái và thuận tiện trước sự đón tiếp ân cần và an ninh của nước Pháp.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thì rất cởi mở khi trả lời các câu hỏi liên quan đến những biện pháp bảo vệ cho Hội nghị COP21 nhất là trong hoàn cảnh nước Pháp vừa phải hứng chịu một loạt vụ đánh bom, bắt giữ con tin và đấu súng kinh hoàng ngay giữa thủ đô Paris hoa lệ. Ông Laurent Fabius khẳng định, giới chức Pháp đã phải thực hiện 100 chuyến công du và 400 cuộc gặp song phương để hoàn tất kế hoạch tổ chức Hội nghị COP21. Nước chủ nhà cũng chi khoảng 170 triệu euro để chuẩn bị các điều kiện vật chất và hậu cần tốt nhất cho hội nghị.

Khoảng 40.000 đại biểu tham dự với sự góp mặt của gần 150 nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo quốc tế là một thách thức về an ninh khá lớn cho Pháp ở thời điểm này. Trong số các nguyên thủ tham dự, theo Ngoại trưởng Pháp, có Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan…

Vì thế, từ ngày 27-11, Pháp đã thắt chặt an ninh ở thủ đô Paris và khu vực biên giới của nước này. Thêm 2.800 cảnh sát cũng đã được triển khai ở Le Bourget, nơi diễn ra hội nghị. 8.000 cảnh sát khác được lệnh canh gác vùng biên giới trong suốt 11 ngày diễn ra hội nghị. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneu cho biết, ngoài số nhân lực nói trên mới được bổ sung, Pháp đã huy động 11.000 cảnh sát và binh sĩ bảo vệ Hội nghị COP21.

Pháp đã huy động hơn 20.000 cảnh sát và binh sĩ tham gia bảo vệ an ninh cho Hội nghị COP21. Ảnh: Getty Imagine.

Ngoài ra, Pháp còn áp dụng một số biện pháp an ninh đặc biệt khác như lập chốt kiểm soát ở một số địa điểm nhạy cảm, tuần tra trên không, thiết lập hệ thống bảo vệ và ngăn chặn tình huống xấu có thể xảy ra, đặt ở một số vị trí quan trọng các đơn vị lính bắn tỉa, cấm các cửa hàng phân phối lớn ở Paris không được bán nhiên liệu dùng trong gia đình và các sản phẩm dầu hỏa trong vòng 15 ngày. Mọi hoạt động mua bán, sở hữu và vận chuyển pháo hoa cũng bị tạm ngừng… Người dân được khuyến cáo tránh dùng xe cá nhân mà tập trung sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, nhất là quanh khu vực diễn ra hội nghị.

Để đảm bảo giao thông và an ninh trong quá trình đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo thế giới, các tuyến đường nối liền trung tâm thủ đô Paris với các sân bay Roissy, Bourget, Orly đều tạm thời bị chặn.

Ban bố lệnh cấm biểu tình

Một trong những mối lo về an ninh hiện nay của Pháp, theo tiết lộ của Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneu chính là nguy cơ những kẻ tấn công khủng bố trà trộn vào dòng người biểu tình bên ngoài khu vực diễn ra Hội nghị COP21. Vì vậy, không chỉ tăng cường binh sĩ quân đội tuần tra trên đường phố, chính phủ Pháp đã giao quyền cho các tỉnh, thành tự ban hành lệnh cấm biểu tình trong thời gian diễn ra hội nghị, căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi khu vực. Đến nay, một số nơi đã cấm biểu tình trong 3 ngày từ 28 đến 30-11.

Đối với các thủ lĩnh biểu tình có lịch sử hoạt động cực đoan hoặc quá khích, cảnh sát Pháp đã yêu cầu họ phải ở trong nhà và chịu giám sát 24h/24h. Một số khác thì được mời lên trụ sở cơ quan cảnh sát địa phương để trả lời thẩm vấn và làm cam kết. Chưa hết, cảnh sát Pháp cũng đã liên lạc với cơ quan an ninh các nước để trao đổi về khả năng đến Pháp của một số nhà hoạt động xã hội chống biến đổi khí hậu. Những người này khi tới Pháp đều phải trình diện cảnh sát và phải chấp nhận để ít nhất một nhân viên cảnh sát đi theo trong suốt quá trình ở Pháp.

Ngoài ra, lực lượng tình báo Pháp còn được lệnh kiểm tra ở vùng biên giới, siết chặt quản lý số lượng người xuất cảnh và nhập cảnh Pháp trong thời gian diễn ra hội nghị. Các cửa ngõ biên giới của Pháp với những nước láng giềng châu Âu được đặc biệt chú trọng, nhất là Bỉ, nơi được cho là điểm xuất phát của phần lớn thủ phạm tham gia vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris. Cảnh sát Bỉ hiện cũng đang phối hợp với các đồng nghiệp Pháp tuần tra biên giới và tiếp tục tổ chức các cuộc trấn áp tại những khu vực được cho là nhạy cảm, tập trung nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan.

Trung tâm Hội nghị COP21 nằm trong khuôn viên khu Le Bourget, có tổng diện tích lên đến 18ha. Nơi đây có 40 phòng họp, phòng trưng bày phù hợp với yêu cầu của một hội nghị quốc tế lớn. Việc xây dựng và vận hành trung tâm này cũng được Pháp thiết kế làm sao phù hợp với các quy định về môi trường để từ đó giới thiệu với các quốc gia tham dự hội nghị mô hình này và triển khai nó trong tương lai. Khoảng 1.000 phóng viên báo chí trong và ngoài nước đã có mặt tại nơi này để đưa tin về hội nghị. Họ đều được trang bị các thiết bị hiện đại tại trung tâm báo chí.

Khánh Chi
.
.
.