APEC lên án mạnh mẽ mọi hành động khủng bố

Thứ Sáu, 20/11/2015, 09:20
Diễn ra trong bối cảnh cả thế giới chưa hết bàng hoàng sau loạt tấn công đẫm máu tại thủ đô Paris (Pháp) hôm 13/11 khiến 132 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương, lãnh đạo các nền kinh tế tham dự APEC 23 đã lần đầu tiên kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố đang ngày càng lan rộng.

Dự thảo tuyên bố chung của APEC 23 lên án mạnh mẽ “mọi hành động, phương thức và hoạt động khủng bố”, nêu bật “nhu cầu cấp thiết tăng cường hợp tác quốc tế và đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố”. Tuyên bố chỉ rõ “tăng trưởng kinh tế, sự thịnh vượng và cơ hội là 3 trong số các công cụ mạnh nhất để giải quyết tận gốc chủ nghĩa khủng bố và cực đoan”. 

Đây là lần hiếm hoi một tuyên bố chung của APEC, vốn thường chú trọng các lĩnh vực thương mại và kinh doanh, đề cập tới vấn đề khủng bố. Và để đảm bảo an ninh cho APEC 23, giới chức Phillipines đã phải siết chặt các biện pháp an toàn, cấp độ an ninh được đặt ở mức Đỏ - mức cao nhất. An ninh được triển khai cả trên bộ, trên biển và trên không. 

Chủ đề chính cho chương trình nghị sự của APEC 23 là “Kiến tạo kinh tế bao trùm, xây dựng thế giới tốt đẹp hơn”.

Người phát ngôn các Lực lượng vũ trang Philippines, Đại tá Restituto Padilla cho biết, an ninh ở Manila, đặc biệt là tại các khu vực quanh điểm tổ chức APEC đều được siết chặt sau vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris, Pháp hôm 13/11 vừa qua, với xe bọc thép túc trực bên ngoài và tàu chiến luôn sẵn sàng ngoài biển. Tất cả các đơn vị vũ trang đều trong tình trạng trực chiến 24/24h. Một lực lượng phối hợp giữa quân đội và cảnh sát lên đến 30.000 người được huy động dày đặc tại các tuyến đường và các địa điểm diễn ra hội nghị. 

Sân bay quốc tế Manila đóng cửa từ ngày 17 – 19/11, chỉ đón tiếp các chuyến bay của các nhà lãnh đạo APEC dự hội nghị. Ước tính, hơn 1.700 chuyến bay trong nước và quốc tế đã bị hủy. Mối hiểm họa khủng bố đã không còn xa lạ gì đối với nhiều quốc gia thành viên APEC. 

Các nước như Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei từng có công dân tới Syria và Iraq để chiến đấu trong hàng ngũ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Riêng Indonesia, quốc gia đạo Hồi lớn nhất trong khu vực, cũng không ít lần hứng chịu các vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan có liên hệ với Al Qaeda, như vụ đánh bom ở Bali năm 2002 làm hơn 200 người thiệt mạng. Trong khi đó, Philippines và Thái Lan cũng đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ phong trào nổi dậy của các nhóm ly khai Hồi giáo ở phía Nam đất nước.

Cũng liên quan tới vấn đề khủng bố, phát biểu bên lề APEC 23, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cực lực lên án việc IS hành quyết con tin người Trung Quốc, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và kiên quyết sẽ trấn áp mọi tội phạm khủng bố đang thách thức văn minh nhân loại. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại”. 

Trong một tuyên bố đưa ra trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên xác nhận danh tính của nạn nhân là Fan Jinghui, nhấn mạnh rằng nạn nhân đã bị “sát hại dã man”. 

Tuyên bố nêu rõ: “Chính phủ Trung Quốc lên án mạnh mẽ hành động man rợ vô nhân tính này và kiên quyết sẽ đưa thủ phạm ra pháp luật. Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố với cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới”. 

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng bày tỏ sự chia buồn sâu sắc tới gia đình Fan Jinghui, đồng thời lên án mạnh mẽ hành động vô nhân đạo của IS.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra sau khi hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Benigno Aquino, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh, hai nhà lãnh đạo nhất trí kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động bồi đắp trái phép ở khu vực này. Tổng thống Aquino nhất trí với người đồng cấp Obama rằng, tự do hàng hải trên biển phải được duy trì. 

Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng Obama tái khẳng định cam kết của Washington đối với quốc phòng và an ninh của Manila - một đồng minh thân cận của Nhà Trắng, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ sẽ có khả năng thực thi thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Philippines bất chấp tình trạng đình trệ trong việc thực thi thỏa thuận này hiện nay. 

Về phía Trung Quốc, trong phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao nước này đã ra tuyên bố nhấn mạnh Mỹ không nên can thiệp vào những tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. 

“Mỹ nên chấm dứt phóng đại vấn đề biển Đông, ngừng việc gây leo thang căng thẳng và tránh làm phức tạp tình hình”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh. Ông Hồng còn mạnh miệng rằng, không nước nào có quyền phán xét các hoạt động xây dựng của Trung Quốc.

Diễn ra trong bối cảnh khu vực và thế giới có những chuyển biến cực kỳ phức tạp, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, song hợp tác và liên kết tại châu Á-Thái Bình Dương ngày càng mạnh mẽ, APEC 23 tập trung vào các nội dung như tăng trưởng bền vững, liên kết kinh tế và hệ thống thương mại đa phương, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, cộng đồng bền vững và tự cường. 

Trong đó, trọng tâm được chú ý nhiều nhất là những vấn đề liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tăng cường an ninh lương thực, ứng phó thiên tai, phát triển nguồn nhân lực và bình đẳng giới. Các khía cạnh hợp tác này sẽ tạo ra không ít động lực mới cho tăng trưởng khu vực và góp phần xây dựng một cộng đồng bền vững - tự cường.

Khổng Hà
.
.
.