Vì sao EU tìm cách "né" đồng USD?

Thứ Sáu, 15/02/2019, 15:50
Sputnik ngày 15-2 đưa tin, Ủy ban châu Âu đang tiến hành các cuộc thảo luận với giám đốc điều hành của nhiều công ty năng lượng hàng đầu Liên minh châu Âu (EU), nhằm tìm cách tăng cường vai trò của đồng euro trong thương mại quốc tế về dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên.  

Theo đó, các quan chức EU hôm 14-2 đã nhóm họp với đại diện từ các công ty năng lượng hàng đầu của khối này, bao gồm OMV, Eni và Engie để tìm cách tăng cường vai trò đồng euro trong các giao dịch thương mại về năng lượng, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất đồng USD. 

"EU là khối nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới với hóa đơn nhập khẩu hàng năm trung bình rơi vào khoảng 300 tỷ euro trong suốt 5 năm qua. Khoảng 85% số tiền này được trả bằng USD", một tuyên bố của Ủy ban châu Âu nêu rõ. 

EU đang tìm cách tăng cường vai trò của đồng euro trong cách giao dịch về năng lượng. Ảnh: CC0. 

Được biết, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất đồng USD cao hơn so với các loại tiền tệ khác xảy ra trong bối cảnh EU đang cố gắng duy trì mối quan hệ kinh doanh với Iran và tiếp tục ủng hộ dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc Nord Stream 2 của Nga. 

Giới chuyên gia nhận định rằng, các động thái nêu trên của Brussels đã khiến Washington "nóng mặt". Để giảm thiểu những rủi ro chính trị tiềm tàng, EU bắt buộc phải tìm cách tăng cường vai trò của đồng euro. 

Thêm vào đó, giới chức EU tin rằng, việc sử dụng đồng euro trong thanh toán các khoản nhập khẩu năng lượng của khối sẽ góp phần nâng cao vai trò của euro, trở thành một trong những loại tiền tệ dự trữ lớn nhất toàn cầu. Việc cũng đồng thời giảm thiểu rủi ro sau khi Anh - một trong những trung tâm tài chính lớn nhất khối, chính thức rời EU. 

Nhiều tập đoàn lớn tại châu Âu cho biết, việc Mỹ đưa ra khoản tiền phạt lên tới 9 tỷ USD đối với ngân hàng Pháp BNP Paribas hồi 2014 vì vai trò của nhà băng này trong các thương thảo dầu mỏ giữa Iran và Sudan là một ví dụ điển hình. 

Do đó, các giám đốc điều hành những tập đoàn năng lượng lớn nhất EU và các nghị sĩ đang nỗ lực củng cố thị trường năng lượng châu Âu, bằng cách đưa ra thêm nhiều quy định nghiêm ngặt với từng quốc gia thành viên, trong tất cả các giao dịch liên quan tới vấn đề năng lượng.


Linh Đan
.
.
.