Ước vọng hòa bình ở nơi bí ẩn và nguy hiểm nhất hành tinh

Thứ Bảy, 10/09/2016, 14:59

Đến Hàn Quốc vào đúng thời điểm sự căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, nhất là sau vụ thử tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên, các nhà báo ASEAN chúng tôi đã được “mục sở thị” nơi nghiêm ngặt và bí ẩn nhất thế giới – khu vực phi quân sự liên Triều (DMZ). 

Đây là vùng đất rộng 4km chạy dài 243 km chia bán đảo Triều Tiên thành hai quốc gia. Vì không có dân thường được đặt chân vào khu vực này đến DMZ trông khá là hoang dã. Cảnh đẹp thiên nhiên thì hùng vĩ, những khoảng không kéo dài cho phép chúng tôi phóng tầm mắt ra xa.

Khu vực Imjingak cách ranh giới quân sự 7km, được xây dựng năm 1972 trong niềm hy vọng thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Thắng cảnh này nhìn ra hợp lưu của sông Hangang và Imjingak. DMZ là nơi an toàn đối với du khách cũng như là chỗ để người dân Nam-Bắc Triều Tiên liên lạc với nhau hàng ngày. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng và vì thế sự giao lưu, liên lạc này nhiều lúc bị ngưng trệ. 
Vì thế, tại DMZ, trong doanh trại của quân đội Hàn Quốc hay tại khu vực thăm quan tự do Imjingak, ở đâu cũng có một tháp chuông để gióng tiếng chuông cầu nguyện và mong tạo dựng nền hòa bình chung. Những qủa chuông này chỉ được đánh vào những dịp đặc biệt nhưng khi tiếng chuông vang lên, người dân sinh sống hai bên vĩ tuyến đều nghe thấy khát vọng hòa bình.

Năm 1992, khi công viên Imjingak được hoàn thành và khai trương đã có hơn 20 triệu lượt du khách đến thăm quan. Nơi đây mở cửa vào các ngày trong tuần (trừ thứ 2), kể cả thứ 7 và chủ nhật. 

Sát cạnh quảng trường trong công viên là cây cầu Tự do dài 83m, rộng 4,5m, cao 8m được làm bằng gỗ thông và sắt, bắc ngang dòng sông Imjingang nối hai bờ Triều Tiên. Tên của cây cầu bắt nguồn từ những tiếng hô “Tự do” của những người lính được trao trả sau Hiệp định ngừng bắn năm 1953 đặt những bước chân đầu tiên lên cầu sau khi trở về từ bên kia chiến tuyến. 

Sát cây cầu tự do và con tàu cuối cùng là một đài tưởng niệm. Mỗi dịp lễ, tết và những ngày đặc biệt trong năm, người dân Hàn Quốc lại đến đây mang nhiều lễ vật để cúng tế và bày tỏ tình cảm của mình với những người thân đã khuất trong cuộc chiến tranh và thể hiện mong ước hòa bình, đoàn tụ với những người dân đang sống ở CHDCND Triều Tiên.

Mỗi lần như vậy họ lại bật lên bài hát “Ba mươi năm chia cắt” để nói về tâm trạng và tình cảm của mình. Bài hát này do Gunho Park viết lời, nhạc của Gookin Nam và do ca sĩ Woondo Seoul thể hiện. Bài hát này cũng rất nổi tiếng ở CHDCND Triều Tiên. 

Trên nóc của tòa nhà triển lãm cao 5 tầng của khu vực Imjingak là 20 kính viễn vọng chỉ về hướng Bắc giúp người dân Hàn Quốc và du khách khi tới đây có thể nhìn thấy rõ làng Hòa bình của CHDCND Triều Tiên và khu công nghiệp Keasong…

Những lời cầu nguyện cho hòa bình và thống nhất ở bán đảo Triều Tiên được viết bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh hoặc bất kỳ thứ tiếng nào khác trên các dải lụa nhiều màu sắc. Mỗi câu chữ đều là tâm sự, là tình cảm được gửi gắm nhằm mong những điều tốt đẹp nhất đến với người dân ở bán đảo Triều Tiên. 

Cạnh đó là con tàu cuối cùng giữa hai miền Triều Tiên bị phá hủy cùng đường sắt cũ và những lời nguyện cầu hòa bình, thống nhất, của người dân Hàn Quốc và du khách trên thế giới được treo dọc theo hàng rào dây thép gai này.

Huyền Chi (từ Seoul, Hàn Quốc)
.
.
.