Tương lai UNESCO không Mỹ và Israel

Thứ Bảy, 14/10/2017, 08:23
Hôm 12-10, trong khi dõi theo vòng bỏ phiếu gay cấn thứ 4 để bầu chọn Tổng Giám đốc cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cộng đồng quốc tế đã thật sự bị sốc trước tuyên bố rời bỏ UNESCO của Mỹ và Israel. Với việc ra đi bất ngờ của Mỹ, tổ chức này đang có nguy cơ thiếu hụt ngân sách tới 70 triệu USD/năm cho các hoạt động của mình.


Hãng tin Telegraph của Anh cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo chính thức việc nước này sẽ không trở thành thành viên của UNESCO nữa và chỉ duy trì vai trò như một quan sát viên trong tổ chức này từ ngày 31-12-2018. 

Một trong những lý do khiến Nhà Trắng dứt áo ra đi là bởi giữa Mỹ-UNESCO trong khoảng thời gian gần đây có nhiều bất đồng, nhất là về việc cải tổ trong UNESCO cũng như tâm lý thiên vị chống Israel của các thành viên khối này. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố: “Ngày 12-10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo với Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova về quyết định rút khỏi tổ chức này. Quyết định này được đưa ra không dễ dàng gì và phản ánh những quan ngại của Mỹ về những khoản nợ quá hạn tại UNESCO, nhu cầu về một cải cách cơ bản trong tổ chức và sự tiếp tục xu hướng chống Israel tại UNESCO”.

Trong khi đó, đại diện của Mỹ tại UNESCO, ông Chris Hegadorn cho biết, sự bằng mặt và không bằng lòng giữa các thành viên ban điều hành UNESCO và Mỹ đã có từ cách đây 6 năm, khi hai bên xử lý không khéo khoản nợ quá hạn của UNESCO cũng như trách nhiệm đóng góp tài chính của Mỹ. Khi đó, cả Mỹ và Israel đều có nhiều phản đối dữ dội khi tổ chức này công nhận Palestine là một thành viên đầy đủ sau một cuộc biểu quyết tại trụ sở ở thủ đô Paris, Pháp năm 2011. 
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 12-10 đã tuyên bố rút khỏi UNESCO. Ảnh: Getty.

Hai năm sau đó, Mỹ và Israel tiếp tục bị “cô lập” và bị tước mất quyền bỏ phiếu trong UNESCO vì không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Đại diện của UNESCO có dẫn một điều lệ cho biết, quyết định này tự động có hiệu lực từ ngày 8-11, tức sau 2 năm kể từ chính quyền Washington và Tel Aviv ngừng đóng góp tài chính để trả đũa việc UNESCO trao quy chế thành viên đầy đủ cho Palestine.

Bẵng đi 2 năm, mọi mâu thuẫn tưởng chừng đã được giải tỏa thì từ cuối năm 2015, quan hệ Mỹ-UNESCO và Israel-UNESCO lại bùng phát những bất đồng mới. Tờ The New York Times cho hay, UNESCO đã nhiều lần chỉ trích Israel là xâm lược và độc đoán khi cấm người Hồi giáo vào ngôi đền Al Aqsa ở Jerusalem.

 Tháng 7 vừa qua, UNESCO còn tuyên bố rằng thành cổ Hebron nằm trên khu Bờ Tây thuộc quyền kiểm soát của Israel là Di sản thế giới của Palestine cần được bảo vệ. “Giọt nước tràn ly”, cả Israel và Mỹ đều phản đối mạnh mẽ.

Chính quyền Tel Aviv ngay lập tức cắt 1 triệu USD tiền đóng góp ngân sách cho Liên hợp quốc và nói rằng để dành số tiền này cho việc xây dựng một “Bảo tàng di sản của người Do Thái ở Kiryat Arba và Hebron” cùng nhiều dự án khác. Còn chính quyền Washington thì tỏ thái độ tức giận vì bị nhắc nhở đóng nốt khoản tiền hơn 400 triệu USD nợ UNESCO từ năm 2011 đến nay. 

Chưa hết, Washington và Tel Aiv còn cáo buộc UNESCO đang chính trị hóa các hoạt động của mình và nhiều quốc gia thành viên UNESCO đã lợi dụng diễn đàn văn hóa, giáo dục này để làm nơi chống lại Israel. Sau tuyên bố rời bỏ UNESCO của Mỹ, Israel cũng nối gót hành động này bằng tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Israel không còn là thành viên của UNESCO nữa.

Các nhà quan sát nhận định, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ rút khỏi UNESCO. Cựu Tổng thống Ronald Reagan năm 1984 từng kéo Mỹ ra khỏi UNESCO vì cho rằng, một chương trình nghị sự về chính trị và văn hóa của tổ chức này đã được chính trị hóa và bị “giật dây” bởi Liên Xô (cũ). Tuy nhiên, đến năm 2002, chính quyền Tổng thống Mỹ George W.Bush đã bằng mọi nỗ lực của mình để giành lại vị thế của Mỹ trong UNESCO. 

Vì thế, sự ra đi lần này của Mỹ, theo nhiều người là một điều bất lợi cho chính nước Mỹ. Thứ nhất, Mỹ đang có 10 di tích văn hóa và 12 di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận. Thứ hai, vào thời điểm hiện nay, UNESCO đang được khen ngợi và có tiếng nói trong việc bảo tồn môi trường và đào tạo truyền thông, nhất là việc thay đổi nhận thức và hành động của quốc tế nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – kẻ thù không đội trời chung với Mỹ. Thứ 3 là Trung Quốc, Nga đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở UNESCO với bằng chứng là sự chạy đua vào chức danh Tổng Giám đốc UNESCO của ứng cử viên Trung Quốc. 

Một số tờ báo phương Tây từng viết rằng, Bắc Kinh đã đưa UNESCO trở thành thành phần quan trọng trong cái mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “ngoại giao quyền lực lớn với đặc thù Trung Quốc” và vận động hành lang cho các di sản của nước này. Hiện Trung Quốc chỉ đứng sau Italia với 52 di sản thế giới được công nhận và đang trên con đường trở thành số 1. Thêm vào đó, quyết định của UNESCO vào tháng 7 để mở rộng vị thế di sản lên vùng cao nguyên ở khu vực Tây Tạng đang được cho là giúp Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát khu vực này.

Về phía UNESCO, sau khi tiếp nhận thông báo chính thức của Mỹ, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã gọi quyết định của Washington là “một mất mát cho chủ nghĩa đa phương”. 

Theo bà Irina Bokova: “UNESCO đóng vai trò là nền tảng cho các cuộc đối thoại liên văn hóa về nhân quyền, tự do ngôn luận, xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho giáo dục. Tôi cho rằng chúng ta cần sự đoàn kết của tất cả các quốc gia thành viên, đặc biệt là Mỹ - một thành viên sáng lập và cũng là quốc gia có nhiều đóng góp quan trọng nhất đối với tất cả nỗ lực này". 

Bộ Ngoại giao Nga cũng lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ, cho rằng điều này sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng mà UNESCO đang có kế hoạch thực hiện… Nhiều người khác cho rằng, sự vắng bóng của Mỹ ở UNESCO sẽ tạo nên những khó khăn tài chính lớn cho tổ chức này. Hàng năm, Mỹ đóng góp cho UNESCO khoảng 70 triệu USD, chiếm 22% ngân sách của tổ chức này. 

Song điều đó không có nghĩa là UNESCO sẽ bị ngưng hoạt động. Bà Irina Bokova trong lần gặp gỡ báo chí hôm 12-10 khẳng định, ban lãnh đạo UNESCO chấp nhận thực tế này sẽ cố gắng mở hướng hoạt động mới cho tổ chức bất chấp sự thiếu hụt của nguồn ngân sách. 

Cũng có ý kiến cho rằng, đấy chỉ là cái nhìn bề nổi bởi thực tế, 6 năm qua, Mỹ vẫn nợ tiền đóng góp cho UNESCO nhưng tổ chức này vẫn hoạt động hiệu quả. Vì thế, nếu khi không còn “bầu sữa” của Mỹ, rất có thể, UNESCO lại tìm thấy một “Mạnh Thường Quân” khác, quốc gia đang muốn gia tăng ảnh hưởng lên tổ chức này.

Huyền Chi
.
.
.