Tướng Khalifa Haftar bác đề xuất ngừng bắn của Tổng thống Pháp

Thứ Năm, 23/05/2019, 10:28
Tờ Le Journal du Minanche ngày 23-5 (giờ Việt Nam) đưa tin, Tướng Khalifa Haftar - người đứng đầu lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hôm 22-5 đã gặp Tổng thống Pháp Macron ở Paris. Tại cuộc gặp, ông Khalifa Haftar đã từ chối đề xuất của ông Macron về một lệnh ngừng bắn tại nước này. 

Theo một quan chức Điện Elysee, mâu thuẫn giữa Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) vốn được Liên Hợp quốc công nhận, là vô cùng nặng nề. 

Tuy nhiên, dù bác bỏ đề xuất về lệnh ngừng bắn mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra, tướng Khalifa vẫn khẳng định một cuộc đối thoại chính trị là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện tại, nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc trong cuộc nội chiến Libya hiện nay.

Dù bác bỏ đề xuất ngừng bắn của ông Macron, nhưng tướng Khalifa vẫn khẳng định một cuộc đối thoại chính trị là vô cùng cần thiết. Ảnh: lejdd. 

Hôm 22-5, các cuộc đụng độ đã liên tục nổ ra ở phía Nam thủ đô Tripoli, đánh dấu bước tiến mới trong cuộc chiến giữa các lực lượng ủng hộ GNA được Liên Hợp quốc công nhận và LNA do tướng Khalifa Haftar dẫn đầu. 

Aljazeera dẫn lời các nhân chứng cho biết, từ trung tâm thành phố có thể nghe thấy tiếng pháo hạng nặng ở vùng ngoại ô. Đây được xem là đợt giao tranh dữ dội nhất kể từ ngày 6-5, thời điểm bắt đầu tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. 

Hơn sáu tuần giao tranh giữa LNA và các lực lượng ủng hộ GNA (từ hôm 4-4) đã khiến 510 người thiệt mạng, 2.467 người bị thương, 75.000 người phải rời bỏ nhà cửa trong khi 100.000 người bị mắc kẹt  tại các khu vực xung đột. 

Trước đó, Đại sứ Liên Hợp quốc tại Libya Ghassan Salame cảnh báo giao tranh leo thang ở ngoại ô thủ đô Tripoli "chỉ là sự khởi đầu của một cuộc chiến dai dẳng và đẫm máu". Ông Salame nhấn mạnh, nếu các bên liên quan không hành động ngay lập tức để ngăn chặn bạo lực, Libya có nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến mới cũng như một thảm hoạ nhân đạo.

Được biết, không chỉ Pháp mà cả Italia và Liên minh châu Âu (EU) đều đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột gây bất ổn kéo dài nhiều năm qua tại Libya, vốn đã dẫn tới sự bành trướng của các phần tử Hồi giáo cực đoan và khủng hoảng di cư.

Linh Đan
.
.
.