Truyền thông quốc tế ca ngợi chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp

Thứ Năm, 08/09/2016, 08:26
Chuyến thăm lịch sử cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp Francois Hollande đến Việt Nam, từ ngày 5 – 7-9, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các phương tiện truyền thông khu vực và quốc tế. Rất nhiều hãng thông tấn quốc tế đã đưa tin đậm về sự kiện này.

Với tiêu đề “Tại sao Tổng thống Francois Hollande thăm Việt Nam”, tờ Huffington Post của Mỹ đã phân tích rất kỹ mối quan hệ hợp tác Việt – Pháp, nhấn mạnh: chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hollande diễn ra trong bối cảnh hai nước có lịch sử lâu đời, từng xung đột và đau đớn, nhưng nay cùng nhau tiến bước, đổi mới và hợp tác.

Huffington Post khẳng định nước Pháp muốn giữ những mối liên hệ tuyệt vời với một trong những quốc gia hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, bài báo nhận định, Việt Nam có sự hồi phục và phát triển kỳ diệu sau chiến tranh với việc phát triển kinh tế, hội nhập khu vực và quốc tế cùng mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển mạnh về công nghiệp từ nay đến năm 2035 với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 7%. Bài báo cũng nêu thế mạnh của Việt Nam là dân số trẻ với 60% dân số dưới 30 tuổi; và một trong những ưu tiên của chính phủ Việt Nam là thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực của thế hệ trẻ.

Về hợp tác Việt - Pháp, bài báo khẳng định quan hệ hai nước chặt chẽ và hiệu quả. Bài báo kết luận chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ là một dịp để phát triển những hợp tác mới với Việt Nam, quốc gia có nhiều triển vọng và sẵn sàng trở thành một “Con hổ châu Á” mới.

Tin về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Hollande trên tờ Le Monde.

Trong khi đó, tờ The Diplomat của Nhật Bản đã có bài viết cho rằng, một nội dung nhận được sự chú ý đặc biệt đó là: Tổng thống Hollande và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang có thể sẽ xem xét cách thức để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước đã ký kết năm 2013.

Trong đó, phần quan trọng nhất của các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào hợp tác quốc phòng - một nội dung thỏa thuận năm 2013. Thời điểm lúc này là không thể nào tốt hơn khi Việt Nam đang có nhiều nhu cầu về các máy bay chiến đấu và một hệ thống tên lửa tiên tiến hơn.

Truyền thông Pháp cũng đồng loạt đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hollande, cùng với khoảng 40 nhà lãnh đạo doanh nghiệp là thành công lớn về mặt ngoại giao và lợi ích kinh tế.

Cùng với các cam kết chính trị và tổng cộng 16 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực thì các hợp đồng mua máy bay Airbus với tổng trị giá 6,5 tỷ euro là một trong những tâm điểm minh chứng cho thành công hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, được báo chí Pháp đưa đậm.

Hãng thông tấn AFP nhận định, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hollande giúp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế giữa Pháp và Việt Nam - một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và thỏa thuận trên là động thái mới nhất cho thấy các “đại gia” hàng không Việt Nam đang không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu trước hết của nội địa và sau là của khách quốc tế.

Bên cạnh đó, theo AFP, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tự do hàng hải, một vấn đề quan trọng trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp biển Đông tại khu vực đang gia tăng.

AFP dẫn lời phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: “Tôi và Tổng thống đều cam kết tôn trọng luật pháp về biển và đại dương, đồng thời tái khẳng định cam kết duy trì tự do hàng hải và hàng không”.

Trong khi đó, tờ Le Monde nhận định: Với mức tăng trưởng 6,7% vào năm 2015, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Từ năm 1990, tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người đã tăng gấp ba lần tại quốc gia này.

Mặc dù vậy, Le Monde cũng nhấn mạnh sự mất cân bằng trong cán cân thương mại, trong đó nước Pháp vẫn nhập siêu từ Việt Nam với mức thâm hụt 2,7 tỷ euro vào năm ngoái (trong đó chủ yếu là nhập điện thoại và hàng may mặc).

Tờ báo trích dẫn phát biểu của Tổng thống Pháp khi gặp gỡ các chủ doanh nghiệp Pháp và Việt Nam rằng: “Chúng tôi mong muốn hỗ trợ nhiều hơn cho đầu tư của Pháp và các thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đầu tư tại Việt Nam”.

Có cùng quan điểm, tờ Le Point cũng nhấn mạnh rằng mục đích của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, nơi tăng trưởng đặc biệt cao, cũng như tăng cường trao đổi trong các lĩnh vực văn hóa và Pháp ngữ.

Tờ báo đưa đậm nét về các thỏa thuận mua máy bay Airbus, khẳng định Việt Nam muốn phát triển với tốc độ cao đội ngũ máy bay của mình, với việc ba hãng hàng không lớn của Việt Nam là hãng quốc gia Vietnam Airlines và hai hãng giá rẻ Jetstar Pacific và Vietjetair mua tổng cộng 40 máy bay A350, A320 và A321.

Trong khi đó, dưới tiêu đề “Tổng thống Hollande dừng chân ở Việt Nam - đất nước tự cường, mạnh mẽ”, tờ Les Echos khẳng định Hà Nội đã trở thành một điểm đến ưa thích cho các nhà đầu tư quốc tế, do đó đây là điểm dừng chân được Tổng thống Pháp lựa chọn sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Theo bài báo, tối 5-9, Tổng thống Hollande đã bắt đầu chuyến thăm 48h tại Việt Nam - một đất nước năng động với 90 triệu người. Việt Nam cũng nằm trong khu vực duy nhất nơi nhiều quốc gia có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh đồng thời với Trung Quốc và Mỹ, đã ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đang tiến hành các thủ tục phê chuẩn. Theo bài báo, gần 300 công ty của Pháp đã triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực du lịch, vận tải, cơ sở hạ tầng, phân phối bán lẻ và y tế.

Tờ Le Figaro có bài viết “Chuyến thăm của Tổng thống Pháp nhấn mạnh vào khía cạnh kinh tế”, trong đó nhấn mạnh, bất chấp một quá khứ “xáo động”, quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa và giáo dục đại học giữa hai nước rất chặt chẽ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.