Trung Quốc "không biết" vụ binh sĩ Trung-Ấn xô xát ở biên giới

Thứ Năm, 17/08/2017, 11:28
Trung Quốc khẳng định luôn cam kết duy trì hòa bình, ổn định ở biên giới Trung-Ấn và kêu gọi phía Ấn Độ tuân thủ Đường Kiểm soát Thực tế LAC .

Trả lời câu hỏi của phóng viên hôm 16-8 (giờ địa phương) về thông tin binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ xô xát tại khu vực biên giới gần dãy Himalaya, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng "không hề hay biết thông tin này”, tờ Xinhua đưa tin.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong buổi họp báo thường kỳ hôm 17-8. Ảnh: Xinhua

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định quân đội Trung Quốc "luôn cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở biên giới Trung-Ấn".

"Chúng tôi kêu gọi phía Ấn Độ tuân thủ Đường Kiểm soát Thực tế LAC cũng như các quy định và công ước có liên quan giữa hai bên, đồng thời nghiêm túc bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực biên giới”, bà Hoa Xuân Oánh nói.

Hiện giới chức Ấn Độ chưa đưa ra bình luận về vụ xô xát trên cũng như về phát ngôn của phía Trung Quốc.

Trước đó, các nguồn tin từ phía Ấn Độ hôm 16-8 cho biết binh sĩ Trung - Ấn đã tham gia vào một cuộc ẩu đả ở khu vực biên giới phía Tây dãy Himalaya. 

Phía Ấn Độ nói rằng binh sĩ Trung Quốc đã sử dụng gậy sắt và đá để tấn công. Quân đội Ấn Độ từ chối bình luận về thông tin trên.

Vụ việc càng làm gia tăng căng thẳng khi Trung Quốc và Ấn Độ đã đối đầu nhau suốt 2 tháng qua ở một khu vực biên giới khác.

Binh lính Trung Quốc và Ấn Độ đứng gác tại khu vực nói Nathu La. Ảnh: Reuters

Căng thẳng hai nước được đẩy lên cao kể từ giữa tháng 6 khi quân đội Trung Quốc điều quân tiến vào vùng tranh chấp Doklam giữa Bhutan và Trung Quốc để xây dựng các công trình giao thông.

Bhutan lên tiếng phản đối nhưng không thành. Với mối quan hệ mật thiết với Ấn Độ, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.

Ấn Độ sau đó triển khai hàng trăm binh sĩ tới Doklam. Trung Quốc ngay lập tức đề nghị nước này phải rút quân vô điều kiện khỏi Doklam để giải quyết tình trạng đối đầu. Ấn Độ mặt khác tuyên bố điều kiện cho bất cứ cuộc đàm phán nào là hai bên đều phải rút quân.

Lam Ninh
.
.
.