Trung Quốc vận hành đập thủy điện lớn thứ 7 thế giới

Thứ Sáu, 18/06/2021, 15:46
Việc chính thức đưa vào vận hành đập thủy điện Ô Đông Đức sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon dioxide xuống 30,5 triệu tấn mỗi năm, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.


Tổ máy cuối cùng trong số 12 tổ máy đã được đưa vào vận hành hôm 16/6 đã đánh dấu việc toàn bộ nhà máy thủy điện Ô Đông Đức - đập thủy điện khổng lồ ở thượng nguồn sông Dương Tử chính thức đi vào hoạt động.

Nhà máy thủy điện Ô Đông Đức được xây dựng vào tháng 12/2015. (Ảnh: News.cn)

Theo Global Times, đập thủy điện Ô Đông Đức sẽ trở thành nhà máy thủy điện lớn thứ 7 trên thế giới với công suất một tổ máy lớn nhất đang hoạt động. 

Nhà máy điện này được trang bị công suất 10,20 triệu kW, CCTV đưa tin, đồng thời cho biết thêm rằng đập sẽ cung cấp trung bình 38,91 tỷ kWh mỗi năm sau khi hoạt động hết công suất, tương đương với việc tiết kiệm được 12,20 triệu tấn than tiêu chuẩn và giảm 30,50 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.

Với sức chứa tổng cộng 7,4 tỷ m3 nước, đập thủy điện Ô Đông Đức được thiết kế như một đập vòm cong kép bằng bê tông với chiều cao tối đa 270 mét. Đây là một trong những đập cao nhất thế giới, thậm chí còn cao hơn đập Tam Hiệp (181m) ở cách đó 950km về phía đông.

Bên cạnh đó, nền móng của đập chỉ dày 51,41m, khiến nhà máy thủy điện trở thành đập vòm 300m mỏng nhất trên thế giới hiện nay. 

Trước đó, các tổ máy phát điện loạt đầu tiên được đưa vào vận hành vào tháng 6/2020, truyền thông Trung Quốc cho biết.

Đập thủy điện Ô Đông Đức được xây dựng trên sông Kim Sa, đoạn thượng du của sông Dương Tử, con sông dài nhất Châu Á.

Đập thủy điện Ô Đông Đức, cùng với đập Bạch Hạc Than, đập Khê Lạc Độ và đập Hướng Gia Bá, sẽ tạo thành một chuỗi các trạm phát điện trên sông Kim Sa. Cụm công trình này sẽ có công suất lắp đặt là 46,46 triệu kW, gấp đôi công suất của đập Tam Hiệp ở trung lưu sông Dương Tử và sẽ tạo ra khoảng 190 tỷ kW giờ điện hàng năm. 

Cao Trung (Thep Global Times)
.
.
.