Toàn cảnh cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Trung

Thứ Ba, 11/04/2017, 08:36
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), đáng lẽ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào tháng 7 tới tại thành phố Hamburg (Đức) bên lề Hội nghị G20, theo những gì hai bên đã thỏa thuận trong các cuộc tiếp xúc cấp chuyên viên hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm nay.

Tuy nhiên, thời gian của cuộc gặp đã được đẩy lên sớm hơn 3 tháng. Điều này phản ánh cả ông Trump và ông Tập Cận Bình đều nóng lòng thực hiện một cuộc gặp gỡ, trao đổi sơ bộ với nhau.

Thực chất, đây là cuộc thăm dò. Trung Quốc muốn “tận mắt chứng kiến” thái độ của vị tân Tổng thống Mỹ đối với các vấn đề gai góc như thương mại, CHDCND Triều Tiên, Biển Đông, sau những tuyên bố đầy gay gắt của ông Trump về các vấn đề trên trong quá trình tranh cử và sau khi đắc cử.

Do vậy, ông Tập Cận Bình tới Mỹ lần này là để cố gắng hóa giải căng thẳng và để nói với ông Trump rằng, hai bên cần tránh một cuộc chiến thương mại. Vì một cuộc chiến thương mại sẽ không có lợi cho cả hai nước hoặc người dân của cả hai nước.

Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình và hai vị phu nhân tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago hôm 6-4.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá, không khí cuộc gặp là cởi mở và có phần thân mật, ấm cúng. Tổng thống Trump thậm chí tuyên bố rằng, ông mong muốn thiết lập quan hệ thân thiết, tốt đẹp với Trung Quốc trong tương lai.

Việc này có lẽ vượt ra ngoài dự đoán và mục tiêu của Chủ tịch Trung Quốc cũng như của giới chức nước này. Tuy nhiên, kết quả cụ thể thì không bao nhiêu. Đối vấn đề gai góc nhất là thâm hụt thương mại, hai bên chỉ đạt được kế hoạch 100 ngày thương lượng nhằm mục tiêu thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Mỹ và giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ.

Còn về các vấn đề gai góc khác, Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ ra rằng, các “điểm nóng” hiện nay trên thế giới như miền Đông Ukraine, Syria, chương trình hạt nhân Iran sớm muộn cũng giải quyết được. Nhưng vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo Triều Tiên là vấn đề khó giải quyết nhất trên hành tinh này.

Chính hành động quân sự bất chấp luật pháp của Mỹ tại Syria hôm 6-4 đã củng cố thêm quyết tâm của CHDCND Triều Tiên trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Mà Bình Nhưỡng không từ bỏ vũ khí hạt nhân thì buộc Mỹ và Hàn Quốc phải triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Và sắp tới là với cả Nhật Bản nữa. Cần phải nói rõ rằng, điểm mạnh của THAAD chính là hệ thống radar tần số cao cảnh báo sớm.

Trong điều kiện bình thường, hệ thống này có khả năng phát hiện mục tiêu cách xa khoảng 1.000km, còn ở trạng thái đã kích hoạt thì con số này là từ 3.000 – 4.000km. Như vậy, toàn bộ khu vực Đông-Bắc Trung Quốc sẽ nằm trong tầm giám sát của Mỹ và Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận điều này.

Một vấn đề đáng chú ý nhưng không được nhắc tới trong cuộc gặp lần này là chính sách xoay trục châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Cần phải hiểu rõ rằng, đây không phải là chính sách nhất thời của một tổng thống, mà là một chiến lược lâu dài, kéo dài qua nhiều thập niên, nhiều đời tổng thống.

Và mục đích của chính sách này là tiếp tục lấy lại những gì Mỹ đã mất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của Mỹ trong khu vực. Để thông qua đó, khẳng định vai trò siêu cường trên thế giới.

Khổng Hà
.
.
.