Nhật Bản điều động hàng chục nghìn cảnh sát đảm bảo an ninh Thượng đỉnh G20

Thứ Năm, 27/06/2019, 10:09
Với sự tham dự của lãnh đạo 37 quốc gia và các tổ chức quốc tế, Nhật Bản đặt quyết tâm cao độ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Hội nghị Thượng đỉnh G20, khai mạc ngày 28-6. 

Diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-6 tại thành phố Osaka, Nhật Bản, Hội nghị Thượng đỉnh G20 được đánh giá là hội nghị cấp cao lớn nhất từ trước tới nay mà Nhật Bản tổ chức, đặc biệt có ý nghĩa đối với nước chủ nhà vì đây là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên khi triều đại Reiwa - Lệnh hòa mới bắt đầu.

Dự kiến khoảng 30.000 người sẽ đổ về thành phố Osaka vào cuối tuần này, cùng sự xuất hiện của nhà lãnh đạo nhiều cường quốc trên thế giới, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cảnh sát Nhật Bản đảm bảo an toàn trên các tuyến phố tại Osaka trước thềm hội nghị. Ảnh: Bloomberg

Nhằm đảm bảo an ninh tối đa cho sự kiện quốc tế quan trọng này, theo SCMP, Nhật Bản đã huy động hơn 32.000 cảnh sát từ 46 tỉnh thành trên cả nước tham gia bảo đảm an ninh tại thành phố Osaka, lớn hơn nhiều so với con số 23.000 cảnh sát được huy động tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản 3 năm trước đây.

Theo giới chức Nhật Bản, phần lớn các hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Intex Osaka. Các nhà lãnh đạo sẽ nghỉ ngơi ở một số khách sạn sang trọng quanh khu vực này. 

Vì vậy, trong thời gian hội nghị diễn ra, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu người dân hạn chế di chuyển trong khu vực trung tâm thành phố, sử dụng phương tiện công cộng thay vì xe cá nhân và cảnh báo tình trạng trì hoãn tàu xe hoặc ách tắc có thể xảy ra.

Cũng theo SCMP, khoảng 700 trường học sẽ được yêu cầu đóng cửa trong 2 ngày sự kiện diễn ra. Các công ty đường sắt ở Nhật đã cho đóng cửa các tủ đựng hành lý hoạt động bằng tiền xu tại các nhà ga trong và xung quanh Tokyo.

Đáng chú ý, các thiết bị bay không người lái đều bị cấm trong trung tâm thành phố. Cảnh sát được điều động túc trực trên mọi tuyến phố trung tâm và tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro bất trắc do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, xung đột thương mại Mỹ- Trung Quốc leo thang căng thẳng trở lại, nhiều điểm nóng địa- chính trị diễn biến phức tạp. 

Hợp tác và liên kết kinh tế tuy vẫn được thúc đẩy, nhưng nhiều thể chế và diễn đàn đa phương gặp khó khăn, đang tìm hướng cải cách để thích ứng với bối cảnh mới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) tiếp tục phát triển mạnh với nhiều vấn đề đặt ra cần tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý.

Nội dung nghị sự G20 những năm gần đây mở rộng nhiều lĩnh vực (tài chính, thương mại, đầu tư, lao động, xã hội, môi trường, công nghệ…), nhưng việc đạt đồng thuận trong một số vấn đề kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhất là cam kết tự do hóa thương mại, chống bảo hộ, chống biến đổi khí hậu.

An Nhiên (T.H)
.
.
.