Thủ tướng Tây Ban Nha ra tuyên bố "khôn khéo" về Catalonia

Thứ Ba, 04/09/2018, 09:10
Liên quan đến căng thẳng chưa dứt về việc Catalonia tiếp tục "đòi" tuyên bố độc lập, ngày 3-9 (giờ địa phương), Thủ tướng Tây Ban Nha đã lên tiếng khẳng định lập trường của Chính phủ Madrid, đồng thời đưa ra một tuyên bố mà giới quan sát nhận định là "khôn khéo".  

Tờ Politico ngày 3-9 đưa tin, trong bối cảnh Tây Ban Nha vẫn còn đang "rối ren" vì những bất đồng tồn tại do vụ việc Catalonia đòi ly khai, Thủ tướng nước này Pedro Sanchez đã đề xuất tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý khác tại vùng Catalonia về việc mở rộng quyền tự trị cho vùng này. 

"Đó là một cuộc trưng cầu dân ý về tự trị, còn việc độc lập thì không phải bàn thêm. Tự trị chứ không phải là tự quyết", Thủ tướng Sanchez nhấn mạnh. Mặc dù đưa ra đề xuất như vậy, nhưng ông Sanchez không cũng cấp thông tin về thời điểm sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý này. 

Thủ tướng Pedro Sanchez rất "khôn khéo" trong các đề xuất với Catalonia. Ảnh: El Boletin. 

Giới chuyên gia nhận định, đề xuất trên của Thủ tướng Pedro Sanchez là một phương án thực sự tối ưu. Lên cầm quyền hồi tháng 6, chính phủ thiểu số của Thủ tướng Pedro Sanchez nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các đảng phái đòi ly khai tại Catalonia. Chính vì vậy, các tiếp cận sự việc của ông Sanchez có phần khéo léo, khác hẳn với quan điểm cứng rắng của chính quyền bảo thủ tiền nhiệm.  

Trước đó, hôm 1-8, tại thành phố Barcelona, cuộc họp của ủy ban song phương Chính phủ Tây Ban Nha và chính quyền khu tự trị Catalonia đã diễn ra trong gần bốn giờ đồng hồ. Đại diện của hai bên mặc dù khẳng định vẫn tồn tại nhiều bất đồng sâu sắc nhưng đã thống nhất được lịch trình tiến hành các cuộc đàm phán bổ sung trong khoảng thời gian từ tháng 9-12. 

Với dân số khoảng 7,5 triệu người, Catalonia được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho Tây Ban Nha với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 300 tỷ USD, đóng góp 1/5 GDP của nền kinh tế quốc gia. Vùng này đã được trao quyền tự trị theo hiến pháp năm 1978 của Tây Ban Nha. Năm 2006, Quốc hội Tây Ban Nha và hội đồng lập pháp vùng Catalonia đã trao cho vùng này nhiều quyền tự trị hơn nhằm thúc đẩy thế mạnh tài chính của vùng. 

Tuy nhiên, đến năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã hủy bỏ một số điều trong hiến pháp, trong đó có việc ưu tiên ngôn ngữ bản địa Catalonia hơn tiếng Tây Ban Nha trong vùng, và điều khoản mô tả vùng này như "một quốc gia". Các sửa đổi trên đã làm bùng phát một phong trào ủng hộ Calatonia tách ra độc lập, với một cuộc trưng cầu ý dân trái phép về độc lập hồi cuối tháng 10-2017, dẫn tới việc chính quyền trung ương Madrid phải giành lại quyền kiểm soát trực tiếp đối với vùng này.

Linh Đan
.
.
.