Thỏa thuận thương mại bước một Mỹ-Trung liệu đã đủ?

Thứ Năm, 16/01/2020, 07:17

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ ướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 15-1 (giờ Mỹ) đã ký thỏa thuận thương mại bước một, kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài gần 2 năm qua giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh NBC. 

“Tổng thống Trump đã cho chúng ta thấy những cuộc đàm phán khó khăn là cách để hoàn thành công việc. Đây là một điều lớn lao. Chưa từng có trong lịch sử”, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết.

Thỏa thuận thương mại trị giá 200 tỷ USD bao gồm một khoản thường niên “trung bình” trị giá 40 tỷ USD dành cho mua nông sản Mỹ của Trung Quốc trong vòng 2 năm tới; một cam kết mua khoảng 77,8 tỷ USD hàng hóa sản xuất của Mỹ như ô tô, máy bay, máy móc nông nghiệp; 52,4 tỷ USD dầu và khí; 37,9 tỷ USD dành cho ngành tài chính và dịch vụ khác; cũng như tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ.

Vốn chờ đợi động thái này từ lâu, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 200 điểm trong giữa ngày 15-1, chạm mốc 29.000 điểm, mức cao kỷ lục.

Cuộc chiến thương mại giữa 2 nước đã đè nặng lên thị trường trong suốt 18 tháng qua. Quỹ Tiền tệ quốc tế từng đưa ra dự đoán rằng cuộc chiến thương mại sẽ kéo lùi tăng trưởng kinh tế thế giới khoảng 0,1%, đồng thời, 1 ngàn tỷ USD đã bị bốc hơi khỏi thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại bước một này, theo các nhà phân tích kinh tế, khi sau gần 2 năm tranh chấp, những cam kết thực tế đưa ra trong thỏa thuận là không đủ.

“Thỏa thuận không bao gồm các lĩnh vực liên quan đến toàn bộ vấn đề Huawei, mạng 5G, kiểm soát xuất khẩu, hay một loạt các loại công nghệ mới”, theo Jacob Kirkegaard từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. “Thậm chí không có điều gì liên quan đến vấn đề bảo hộ của Trung Quốc và đây thực sự là thiếu sót lớn. Nếu như chúng ta có lo lắng về Trung Quốc như là một đối thủ công nghệ về lâu dài, vậy thì rõ ràng nên nhận thấy tranh cãi nằm ở vấn đề Trung Quốc ‘đang gian lận hệ thông’ thông qua việc bảo hộ nhà nước”, chuyên gia này cho biết.

Trong khi phái đoàn Mỹ có thể rút ra một số cam kết từ phía Trung Quốc, như tiếp cận ngành tài chính hoặc xử lý hình sự đối với ăn cắp sở hữu trí tuệ, thỏa thuận thương mại bước một không hề thay đổi căn bản mô hình kinh doanh của Trung Quốc như những gì ông Trump từng tuyên bố khi ông áp thuế với Bắc Kinh hồi tháng 7-2018.

Thỏa thuận này không giải quyết hay thay đổi được sự bảo hộ của nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, khiến nông dân Mỹ băn khoăn liệu họ có thực sự được lợi sau nhiều tháng chịu đựng các lệnh áp thuế.

Duy Tiến
.
.
.