Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi đưa quân tới tham chiến ở Syria

Thứ Hai, 15/02/2016, 09:34
Giải pháp hòa bình cho Syria đang trở thành nỗi lo ngại của toàn thế giới nhất là khi hội nghị quốc tế về Syria đã kết thúc nhưng chưa có một dấu hiệu nào cho thấy thỏa thuận ngừng bắn được thực thi. Bên cạnh đó là nỗi lo ngại không nhỏ của Mỹ và chính quyền Damascus trước việc Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi nhăm nhe đưa quân tới tham chiến ở Syria.

Theo hãng tin Reuters, trong khi chính phủ Syria và các lực lượng đối lập ở nước này vẫn chưa chính thức ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn mà 17 quốc gia trong nhóm quốc tế ủng hộ Syria, bao gồm Mỹ và Nga đạt được tại hội nghị hôm 12-2, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã “đổ thêm dầu vào lửa” bằng hành động nã pháo vào quân đội chính phủ tại tỉnh Aleppo và Latakia. Vụ việc xảy ra vào ngày 13-2 khi nước này khai hỏa vào các địa điểm của người Kurd ở Tây Bắc Syria. Hãng thông tấn Anatolia lý giải rằng, hành động này là nhằm đáp trả một vụ khai hỏa vào chốt canh gác của quân đội nước này tại tỉnh Hatay.

Trong khi đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) khẳng định, đạn pháo của Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống các khu vực ở tỉnh Aleppo, trong đó có Minnigh, nơi dân quân các đơn vị bảo vệ người dân của người Kurd (YPG) vừa giành lại từ lực lượng Hồi giáo nổi dậy.

Người đứng đầu SOHR, Rami Abdel Rahman cảnh báo rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nã pháo suốt 3 giờ đồng hồ từ một địa điểm cách không xa thành phố Azaz và điều này gây ra những lo ngại về việc chính quyền Ankara lợi dụng tình huống để tiêu diệt người Kurd bởi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) ở Syria và nhóm dân quân YPG thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) là “kẻ thù” vì đã phát động phong trào nổi dậy đòi thiết lập khu tự trị suốt nhiều năm qua ở nước này.

Trả lời trên một số tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh, chính quyền Riaydh và Ankara sẽ hợp tác trong việc can thiệp vào tình hình Syria.

Ông Mevlut Cavusoglu còn cho biết thêm rằng, Arab Saudi đã cử một số máy bay chiến đấu tới căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia các chiến dịch không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria do Mỹ đứng đầu. Tờ Guardian của Anh thì khẳng định, có ít nhất 8-10 máy bay chiến đấu của Arab Saudi sẽ được triển khai ở Incirlik trong một vài tuần tới và đợt triển khai đầu tiên ngày 14-2 với sự tham gia của 4 máy bay chiến đấu F-16.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nã pháo suốt 3 giờ đồng hồ vào phía Bắc Aleppo, Syria. Ảnh: Reuters.

Tờ Independent thì dẫn lời của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Arab Saudi đã tuyên bố quyết tâm chiến đấu chống Daessh (thuật ngữ chỉ IS theo tiếng Arab). Ông Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh: “Tại mọi cuộc họp của liên minh, chúng tôi luôn nhấn mạnh sự cần thiết của một chiến lược toàn diện, căn cứ vào kết quả trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Daesh. Nếu chúng ta có một chiến lược như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi có thể triển khai một chiến dịch trên bộ”.

Chưa hết, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu còn đe dọa rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả đũa nếu YPG không rời căn cứ tọa lạc ở phía nam thị trấn Azaz, giống như những gì mà nước này từng thực hiện trong chiến dịch ném bom hồi năm ngoái nhằm vào thành trì của PKK ở núi Qandil, miền Bắc Iraq…

Những động thái nói trên của Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi đang khiến Mỹ lo ngại. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14-2 đã kêu gọi Ankara ngừng bắn về phía Syria để làm giảm căng thẳng trong khu vực phía Bắc Aleppo. Tuy nhiên, Ankara đã bác bỏ những lời kêu gọi này và thậm chí còn triệu cả Đại sứ Mỹ lên phản đối về việc Washington không coi PYD và PKK là tổ chức khủng bố. Riêng đối với Arab Saudi, Mỹ vẫn hy vọng sẽ dùng ảnh hưởng của mình để can thiệp. 

Giới quan sát thì nhận định, những diễn biến mới nhất ở Syria đang khiến cho thỏa thuận ngừng bắn vốn không đơn giản nay lại càng khó thực thi. Đến cả Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng tuyên bố rằng, sự can thiệp của Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ vào nước này là điều khó tránh khỏi vì “Tổng thống Thổ Nhĩ KỳTayyip Erdogan nổi tiếng về sự không khoan nhượng và là người cấp tiến ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo cũng như sống với giấc mơ lập lại Đế chế Ottoman”. Riêng Nga thì vẫn giữ quan điểm, chỉ có sự hợp tác Nga-Mỹ mới giúp mang lại hòa bình cho Syria.

Sông Thương
.
.
.