Thế giới phản ứng ra sao trước hành động "trả đũa" Mỹ của Iran?

Thứ Tư, 08/01/2020, 15:58
Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand... đều lên tiếng kêu gọi kiềm chế và giảm căng thẳng tại khu vực Trung Đông, đồng thời chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó với tình trạng bất ổn có thể xảy ra.


Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8-1 kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng phức tạp hiện nay ở Trung Đông.

"Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan giải quyết đúng đắn sự khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình như lập kế hoạch và đàm phán, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Vùng Vịnh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra bình luận sau khi Iran phóng hơn chục tên lửa đạn đạo nhằm vào hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq vào sáng ngày 8-1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 8-1 chủ trì phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) để bàn về tình hình ở Trung Đông trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại khu vực này đang có chiều hướng tăng cao.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung thu thập, phân tích thông tin về tình hình khu vực Trung Đông để nhanh chóng thông tin cho người dân một cách nhanh chóng, chính xác và có các phương án bảo vệ công dân Nhật Bản tại khu vực này.

Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết sẽ liên kết với các nước liên quan và tiến hành các hoạt động ngoại giao để xoa dịu tình hình căng thẳng, tuy nhiên vẫn chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó với tình trạng bất ổn có thể xảy ra.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại thủ đô Tokyo hôm 20-12-2019. (Ảnh: Reuters)

Cùng với đó, Tokyo sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại Trung Đông để có quyết định cuối cùng về chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới 3 nước tại khu vực này dự kiến diễn ra vào giữa tháng này.

Người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản cho biết thêm nước này không thay đổi kế hoạch cử lực lượng tới Trung Đông và vẫn đang tiến hành mọi công tác chuẩn bị.

Trong khi đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết mọi hoạt động của Lực lượng phòng vệ (SDF) tại căn cứ ở Djibouti, nơi cũng có các cơ sở quân sự của Mỹ, hiện không bị ảnh hưởng và chưa có sự thay đổi nào.

Bộ Giao thông Nhật Bản ra tuyên bố cho biết các hoạt động bay trong nội địa và các đường bay quốc tế qua Nhật Bản chưa có gì biến động, tuy nhiên cảnh báo các hãng vận tải biển cần hết sức chú ý khi hoạt động tại các vùng biển gần với khu vực bị Iran phóng tên lửa đạn đạo. 

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Anwar Gargash kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị để giải quyết tình trạng đối đầu và leo thang hiện nay.

"Xuống thang căng thẳng là điều khôn ngoan và cần thiết, cần phải tuân thủ theo con đường chính trị hướng tới sự ổn định," ông Gargash nói trên Twitter.

Các quốc gia đang xem xét các biện pháp nhằm bảo đảm sự an toàn của công dân của họ ở Iraq và Iran trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ-Iran. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết trạm quân sự của nước này tại Iraq không bị thiệt hại gì trong cuộc nã tên lửa của Iran sáng 8-1.

"Không ai trong số những người lính Ba Lan ở Iraq bị thương sau vụ tấn công vào căn cứ Al-Asad và Erbil. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với chỉ huy của Quân đội Ba Lan tại Iraq", ông Mariusz Blaszczak viết trên Twitter.

Quân đội Iraq cho biết tất cả các binh sĩ nước này đều an toàn sau vụ tấn công vào hai cơ sở quân sự.

"Iraq đã bị bắn từ 1h45 đến 2h45 sáng ngày 8-1 bởi 22 quả tên lửa, 17 tên lửa rơi xuống căn cứ không quân Ain al-Asad, trong đó có hai quả không nổ... và 5 quả trên thành phố Erbil đều rơi vào trụ sở liên minh. Không có thương vong nào về phía lực lượng Iraq được ghi nhận", tuyên bố cho biết.

Lực lượng vũ trang Đan Mạch thông báo trên Twitter rằng không có binh sĩ Đan Mạch nào bị thương hoặc thiệt mạng trong cuộc tấn công của Iran vào 2 căn cứ quân sự tại Iraq. Đan Mạch hiện có khoảng 130 binh sĩ tại các căn cứ  như một phần của liên minh quốc tế chiến đấu với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria.

Philippines đã ra lệnh cho công dân của mình rời khỏi Iraq sau cuộc tấn công "trả đũa" Mỹ của Iran, Bộ Ngoại giao Philippines ngày 8-1 cho biết.

"Mức cảnh báo tại Iraq đối với người dân Philippines đã được nâng lên thành cảnh báo cấp 4, bắt buộc các công dân phải sơ tán", ông Eduardo Mendez, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines thông báo.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) hôm 5-1 đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với Bộ trưởng Quốc phòng và các quan chức cấp cao để thảo luận về kế hoạch sơ tán. (Ảnh: AP)

Bộ này cho biết hiện có khoảng 1.600 người Philippines làm việc ở Iraq, với hơn một nửa có mặt tại khu vực Kurdistan (phía bắc Iraq) và số còn lại có mặt tại các cơ sở của Mỹ ở Baghdad cùng các cơ sở thương mại ở thành phố Erbil.

Theo Reuters, một tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines - vừa mới nhận từ Pháp và đang trên đường đến Philippines, đã được lệnh di chuyển tới Oman và Dubai để hỗ trợ các công dân Philippines.

"Các công nhân Philippines ở nước ngoài sẽ được đưa đến các cảng an toàn hơn, nơi họ sẽ được đưa lên máy bay" - lực lượng tuần duyên Philippines cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, người đứng đầu một ủy ban mới được thành lập để chuẩn bị cho công tác sơ tán, ngày 7-1 cho biết chính phủ đang chuẩn bị máy bay cho công dân nước này ở Iraq và Iran muốn về nhà hoặc di chuyển đến các khu vực an toàn hơn.

Hiện có khoảng 2,3 triệu người Philippines đang làm việc ở Trung Đông, chủ yếu làm các công việc như giúp việc nhà, công nhân xây dựng, kỹ sư và y tá.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đầu tuần này cho biết họ đã thảo luận các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho gần 1.900 người Hàn Quốc ở Iraq và Iran.

Trong khi đó, các nước như Ấn Độ, Pakistan đều đã phát cảnh báo và yêu cầu các công dân tránh tất cả chuyến đi không cần thiết tới Iraq cho đến khi có thông báo mới, đồng thời giữ liên lạc chặt chẽ với Đại sứ quán tại Baghdad.

Cao Trung (Tổng hợp)
.
.
.