Tân Tổng thư ký Liên hợp quốc tuyên thệ nhậm chức

Thứ Ba, 13/12/2016, 08:06
Ngày 12-12 (theo giờ Mỹ), cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres đã chính thức tuyên thệ nhậm chức và trở thành Tổng thư ký thứ 9 của Liên hợp quốc (LHQ).


Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Peter Thomson chủ trì lễ nhậm chức này trước sự chứng kiến của đại diện 193 quốc gia thành viên LHQ tại trụ sở của LHQ ở thành phố New York, Mỹ.

Nhiệm kỳ của tân Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1-1-2017 và kết thúc vào ngày 31-12-2021. Theo lịch trình, sau lễ nhậm chức, ông Antonio Guterres có bài phát biểu đưa ra những thông điệp của mình khi trở thành người đứng đầu cơ quan quyền lực nhất thế giới.

Tân Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (giữa) đang nói chuyện với trẻ tị nạn người Syria. Ông được mệnh danh là “vị tiên của hàng triệu nạn nhân chiến tranh và tị nạn đau khổ”. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích nhận định rằng, vào thời điểm hiện nay, khi thế giới đang bị hỗn loạn bởi khủng bố và sự chia rẽ trong nội bộ các nước thì ông Antonio Guterres, người đã có kinh nghiệm nhiều năm làm hòa giải, được kỳ vọng thay thế đương kim Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon để giúp giải quyết những cuộc xung đột từ Syria, Yemen cho đến Nam Sudan; vấn đề người tị nạn, khủng hoảng di cư và thách thức về biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Bản thân tân Tổng thư ký LHQ cũng từng nhiều lần tuyên bố rằng, ưu tiên chính trên cương vị mới của ông là “các giải pháp ngoại giao nhằm thiết lập nền hòa bình” vì nếu không có hòa bình thì thế giới sẽ không thể có được sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững, cũng như đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của nhân loại.

Ông Antonio Guterres nói: “Mọi sự bất đồng luôn nảy sinh nhưng quan trọng là có sự đoàn kết. Đã đến lúc chúng ta cần phải cùng đấu tranh cho hòa bình, vượt qua những khác biệt để cùng nhau dập tắt ngọn lửa chiến tranh khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, gia đình phân ly…”.

Cũng theo quan điểm của ông Antonio Guterres thì cộng đồng quốc tế phải cùng nhau phá vỡ sự cấu kết giữa các nhóm khủng bố, bạo lực, cực đoan và mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân túy và bài ngoại.

Đồng thời, tân Tổng thư ký LHQ cũng cho rằng, việc thay đổi và cải tổ LHQ là điều cần thiết để thúc đẩy nỗ lực hòa bình và nhân quyền. Ông Antonio Guterres cũng luôn chủ trương đối thoại và thảo luận để giải quyết những thách thức hiện nay.

Ông Antonio Guterres là quan chức đứng đầu chính phủ một quốc gia đầu tiên trở thành Tổng thư ký LHQ – chức vụ vốn chủ yếu được dành cho cựu Ngoại trưởng các nước.

Ông cũng là Tổng thư ký LHQ đầu tiên được bầu theo quy trình bầu chọn với nhiều cải cách như việc công khai sơ yếu lý lịch của các ứng cử viên, tổ chức nhiều cuộc chất vấn tại Hội đồng Bảo an LHQ và phải trải qua những vòng bỏ phiếu kín. Ngay từ những cuộc bỏ phiếu đầu tiên, ông Antonio Guterres đã xuất sắc vượt qua 12 ứng cử viên khác, trong đó có 7 người là nữ giới.

Trong quá trình tranh cử, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha cũng nhận được sự ủng hộ của 13 trong tổng số 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và không có thành viên có quyền phủ quyết nào (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) cản trở việc ông trở thành Tổng thư ký tiếp theo của LHQ.

Đến giữa tháng 10 thì Đại hội đồng LHQ cũng chính thức bổ nhiệm ông vào vị trí Tổng thư ký cho nhiệm kỳ 5 năm, thay thế đương kim Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, người sẽ rời nhiệm sở vào cuối tháng 12 sau 2 nhiệm kỳ.

Năm nay 67 tuổi, ông Antonio Guterres được ca ngợi là “vị tiên của hàng triệu nạn nhân chiến tranh và tị nạn đau khổ”.

Trong giai đoạn từ năm 1995-2002, ông từng là Thủ tướng Bồ Đào Nha và từ năm 2005-2015 trở thành người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR).

Trong thời gian đảm nhận vị trí Thủ tướng Bồ Đào Nha, ông đã thiết lập cơ chế đảm bảo lương tối thiểu cho người lao động và ủng hộ một Liên minh Châu Âu (EU) thống nhất.

Khi trở thành Chủ tịch Hội đồng Châu Âu năm 2000, ông đã lãnh đạo thông qua “Chương trình nghị sĩ Lisbon” và thành công trong việc đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Âu-Phi đầu tiên với mục tiêu biến EU trở thành “nền kinh tế dựa vào tri thức năng động và cạnh tranh nhất thế giới” vào năm 2010.

Quãng thời gian 10 năm làm việc trong UNHCR, ông đã dẫn dắt cơ quan này vượt qua cuộc khủng hoảng tị nạn do các cuộc xung đột sắc tộc lớn xảy ra ở Syria, Afghanistan, Iraq, Nam Sudan, Yemen hay CH Trung Phi; sử dụng tiền hỗ trợ người di cư một cách hiệu quả…

Từ những hành động thiết thực đã đóng góp cho cộng đồng quốc tế, Antonio Guterres được báo chí thế giới nhận định là “người có tiếng nói uy tín và được cả thế giới lắng nghe”.

Ông Antonio Guterres tên thật là Antonio Manuel de Oliveira Guterres, sinh ngày 30-4-1949 tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha. Ông tốt nghiệp khoa Vật lý và kỹ thuật điện ở Trường Instituto Superior Tecnico ở Lisbon năm 1971 với số điểm cao và từng nhận giải thưởng dành cho học sinh xuất sắc nhất cả nước. Năm 1976, ông bước chân vào chính trường và nhanh chóng vươn lên hàng ngũ lãnh đạo của đảng Xã hội. Ông được yêu mến nhờ sự thông minh, tài hùng biển và sự ôn hòa. Ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Bồ Đào Nha, tân Tổng thư ký LHQ còn có thể nói tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
Sông Thương
.
.
.