Tài liệu ảnh hưởng đến ANQG Mỹ có thể bị đánh cắp trong vụ bạo loạn

Thứ Sáu, 08/01/2021, 19:40
Hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xông vào Điện Capitol trong ngày 6/1, khi Quốc hội triệu tập để chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Ảnh minh họa Reuters. 

Khi hàng nghìn người ủng hộ Donald Trump xông vào Điện Capitol, họ đã để lại dấu vết của sự tàn phá, đồ đạc, cửa sổ hay lối vào đều bị đập phá.

Vụ bạo lực đã khiến 5 người chết và hàng chục người bị bắt, cũng có thể có những tác động sâu rộng đến an ninh quốc gia.

Ngoài làm hư hỏng nhiều vật chất, người biểu tình cũng đánh cắp nhiều vật dụng. Theo một số quan chức trong tòa nhà, hành động của những kẻ nổi dậy có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho Mỹ.

Công tố viên Michael Sherwin cho biết trong một cuộc họp báo ngày 7/1 rằng “nhiều hành vi ăn cắp vặt tại Điện Capitol” đã xảy ra, và nhiều tài liệu đã bị đánh cắp.

Trước đó, CBS News đưa tin rằng một máy tính xách tay có thể chứa thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm nằm trong số các vật bị đánh cắp khi những người biểu tình lục soát văn phòng của các nhà lập pháp.

Những người biểu tình đột nhập Điện Capitol thậm chí còn chiếm cả phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một người đàn ông tự xưng là phóng viên Elijah Schaffer của hãng tin Blaze còn “khoe” chiến tích là một trong những máy tính xách tay của bà Pelosi trên Twitter. Người này nói thêm rằng “các email vẫn còn trên màn hình”.

Máy tính xách tay này được cho là thuộc về Cố vấn Báo chí Mia Ehrenberg của bà Pelosi.

Theo các chuyên gia an ninh và gián điệp được BuzzFeed News trích dẫn, nhiều thông tin nhạy cảm có thể đã bị lấy đi trong vụ hỗn loạn.

Các chuyên gia tuyên bố trong khoảng thời gian đám đông kiểm soát tòa nhà Capitol, những tài liệu mà các đối thủ của Mỹ có thể khai thác nhằm chống lại lợi ích của nước này có thể đã được thu thập, đồng thời thừa nhận rằng không có khả năng gián điệp nước ngoài nào thâm nhập vào Quốc hội.

Giám đốc hành chính của Hạ viện Mỹ cho biết các quan chức đã “thực hiện một số hành động” trong cuộc bạo động để bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Quốc hội, bao gồm “ra lệnh khóa máy tính và máy tính xách tay và tắt truy cập mạng có dây”.

Duy Tiến (Theo Sputnik)
.
.
.