Syria - tâm điểm của 3 liên minh trong năm 2016

Thứ Hai, 28/12/2015, 07:55
Những cuộc xung đột tiếp diễn tại Syria và Iraq trong năm 2016 được dự đoán là chất xúc tác cho các vụ va chạm giữa ba liên minh quân sự hiện đang hoạt động tại hai nước này. Damascus và Baghdad sẽ chứng kiến các “cuộc đối đầu tay đôi” giữa các lực lượng nước ngoài, vốn đang cạnh tranh để đạt được mục đích riêng của họ trong khu vực.


Về mặt quân sự, liên minh quân sự mạnh nhất hiện nay do Nga dẫn đầu, gồm Nga, Syria, Iran, phong trào Hezbollah và Iraq. Thực tế đã chứng minh rằng, mục tiêu nổi bật của liên minh này chính là bảo vệ Damascus trước các cuộc tấn công của những phần tử cực đoan, giành lại quyền kiểm soát tỉnh Aleppo ở miền Bắc Syria, thắt chặt kiểm soát đối với khu vực phía Tây Syria và đẩy lùi các chiến binh của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra khu vực sa mạc. 

Riêng trong ngày 27-12, Quân đội Syria đã giải phóng được một loạt khu vực chiến lược gần căn cứ không quân Kuweires ở Aleppo, vốn bị IS bao vây trong suốt ba năm qua. Cụ thể, binh sĩ Chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát đồi Tal Sherba và ngôi làng Juruf gần căn cứ quân sự Kuweires từ tay IS. 

Trước đó, ngày 24-11, quân đội Syria thông báo, tất cả các khu định cư quanh Kuweires đã được giải phóng, buộc các chiến binh IS phải rút lui khỏi căn cứ. 

Kết quả chiến dịch không kích IS của Nga và liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Cũng trong ngày 27-12, người phát ngôn các lực lượng vũ trang Syria, Chuẩn tướng Ali Maihub cho biết Không quân nước này đã thực hiện 168 lần xuất kích và tiến hành không kích 190 mục tiêu từ ngày 17 đến 26-12, phá hủy nhiều sở chỉ huy và nhiều nhóm thuộc các tổ chức khủng bố, trong đó có ba sở chỉ huy của IS và một đoàn xe chở các phần tử khủng bố ở Homs; 22 sở chỉ huy và trung tâm thông tin cùng ba tòa nhà công sự ở ngoại ô Aleppo; một đoàn xe chở khủng bố gần Idlib…

Trong khi đó, các lực lượng nước ngoài ủng hộ phiến quân Hồi giáo dòng Sunni cũng đã thành lập một liên minh, với các thành viên chủ chốt của liên minh này là Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, nhận được hỗ trợ tài chính trực tiếp từ Qatar, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain. 

Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây được tổ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, các đại diện của liên minh này bày tỏ họ sẵn sàng cung cấp mọi thứ cần thiết cho quân nổi dậy dòng Sunni. Tờ La Stampa của Italia chỉ ra rằng: “Đằng sau vũ khí, vật liệu quân sự, tiền bạc mà các nhóm nổi dậy chống (Tổng thống Syria Bashar) al-Assad nhận được từ Riyadh và Ankara là “mong muốn” cho ra đời một quốc gia Sunni mới”. 

Quốc gia mới này sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ “từ các bộ tộc thù địch với người Hồi giáo Alawite, những người hình thành nên xương sống của Chính phủ Baath” (Đảng Xã hội Chủ nghĩa phục hưng Arab) – vốn bị Mỹ giải tán hồi năm 2003, sau khi chiếm Iraq và lật đổ chính quyền của cố Tổng thống Saddam Hussein. 

Ngoài ra, năm 2016 cũng sẽ chứng kiến sự hành động của liên minh thứ ba, do Mỹ dẫn đầu (hiện thường được đề cập trên các phương tiện truyền thông là “liên minh quốc tế chống khủng bố”). Liên minh này đang tập trung mọi nỗ lực vào thành phố Raqqa của Syria. Dự đoán, liên minh này sẽ gia tăng hoạt động trong năm 2016 vì đó là năm cuối ông Barack Obama giữ cương vị Tổng thống Mỹ. 

IS đang phải đương đầu với những cuộc đụng độ ác liệt nhất của quân đội Syria được Nga hậu thuẫn (Ảnh: STR/AFP).

Theo đó, Tổng thống Obama muốn rời Nhà Trắng với một kết quả tích cực về mặt quân sự trong cuộc chiến chống lại cái gọi là “Nhà nước hồi giáo” kia, nếu không muốn mọi thứ ở lại vạch xuất phát.

Trên cơ sở đó, cụ thể là các mục tiêu riêng biệt, cả ba liên minh đều khó tránh khỏi nguy cơ va chạm vì lợi ích quốc gia, bởi vì, việc đầu tiên mà tất cả “các nhân vật chính” quan tâm đến là việc đạt được kết quả chiến lược đề ra càng sớm càng tốt, và các kết quả này lại không có điểm nào tương đồng với nhau. Điều này có thể dễ dàng thấy được qua sự khác biệt trong kết quả các cuộc không kích IS. 

Riêng trong ngày 17-11, liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện 20 chuyến bay và tiêu diệt được 14 mục tiêu IS tại Syria, trong khi những con số này của Nga lần lượt là 127 và 206 tương ứng.

Khổng Hà
.
.
.