Sóng gió trên chính trường Italia

Thứ Tư, 30/05/2018, 09:06
Cuộc khủng hoảng chính trị của Italia tưởng chừng tạm lắng đã bùng phát trở lại khi Thủ tướng được chỉ định Giuseppe Conte từ chức chỉ sau 5 ngày được giao nhiệm vụ thành lập một chính phủ liên minh. Nhân vật được cho là cứu cánh của chính phủ Italia là cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Carlo Cottarelli.


Hãng tin Telesur ngày 29-5 cho hay, Tổng thống Italia Sergio Mattarella là người đã chỉ định ông Carlo Cottarelli vào vị trí Thủ tướng lâm thời của Italia với trọng trách là thành lập chính phủ mới, lên kế hoạch cho cuộc bầu cử và thông qua ngân sách tiếp theo. Bản tin của hãng Telesur có đoạn viết: “Tổng thống Sergio Mattarella đã cho gọi ông Carlo Cottarelli tới dinh thự Tổng thống Quirianle, sau đó thông báo về quyết định của mình.

Thủ tướng lâm thời của Italia ngay lập tức được gặp gỡ báo giới với lời tuyên bố: “Tôi thực sự tự hào vì nhận được sự tin tưởng của Tổng thống và tôi sẽ làm hết sức mình vì chính phủ và nhân dân”.

Ông Carlo Cottarelli cũng cho biết thêm rằng, Tổng thống Sergio Mattarello đã yêu cầu ông trình lên Quốc hội một kế hoạch cụ thể về việc vận hành chính phủ cho đến khi cuộc bầu cử mới được tiến hành vào đầu năm 2019.

“Nếu chính phủ tôi nhận được sự ủng hộ, chúng tôi sẽ đề xuất chương trình nghị sự bao gồm một cuộc bỏ phiếu về ngân sách năm 2019, sau đó Quốc hội sẽ giải tán và tiến hành cuộc tổng tuyển cử mới vào đầu năm 2019”, ông Carlo Cottarelli nói. Còn trong trường hợp Chính phủ của ông Carlo Cottarelli không được Quốc hội thông qua, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra sau tháng 8.

Tổng thống Italia Sergio Mattarella và Thủ tướng lâm thời  Carlo Cottarelli. Ảnh: Getty

Theo nhiều nhà phân tích, việc chỉ định cựu Giám đốc điều hành IMF vào vị trí Thủ tướng lâm thời là bước đi cuối cùng của Tổng thống Sergio Mattarello trong việc ứng phó với khủng hoảng chính trị đang leo thang ở Italia. Năm nay 64 tuổi, ông Carlo Cottarelli là một nhà kinh tế học, từng tốt nghiệp Đại học Siena và trường Kinh tế London và làm việc cho Ngân hàng Italia và Công ty năng lượng đa quốc gia ENI. Năm 1988, ông Carlo Cottarelli gia nhập IMF và làm việc tại đây trong 25 năm.

Từ năm 2008-2013, ông Carlo Cottarelli còn giữ chức Vụ trưởng Vụ tài chính của IMF. Dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Enrico Letta năm 2013, ông Carlo Cottarelli rời IMF và dẫn đầu việc xem xét chi tiêu công ở Italia trong bối cảnh khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro gia tăng. Ông nổi tiếng với biệt danh"Ngài kéo cắt” vì nỗ lực cắt giảm chi tiêu công 32 tỷ Euro của đất nước hình chiếc ủng.

Sau khi ông Matteo Renzi lên thay ông Enrico Letta, ông Carlo Cottarelli được cử giữ chức Giám đốc điều hành của IMF từ năm 2013 đến tháng 10-2017. Theo hãng tin AP, ông Carlo Cottarelli được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời Italia bởi Thủ tướng được chỉ định trước đó là Giáo sư Luật học Giuseppe Conte đã từ chức hôm 27-5 do không có khả năng thành lập được một chính phủ liên minh giữa đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (LN).

Ông Giuseppe Conte được Tổng thống Sergio Mattarella giao nhiệm vụ thành lập một Chính phủ mới vào hôm 23-5 nhưngnỗ lực của ông trong những ngày qua đã bị thất bại do Tổng thống phủ quyết và không chấp thuận việc đề cử cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paolo Savona, nhân vật được cho là có quan điểm hoài nghi châu Âu, làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính. Sau đó, Tổng thống đã đề xuất một số nhân vật thay thế khác songnhững đề xuất này lại bị cả hai đảng M5S và LN bác bỏ.Sự phủ quyết của Tổng thống và những phản đối từ M5S và LN đã khiến Giáo sư GiuseppeConte quyết định từ bỏ nỗ lực thành lập một Chính phủ mới.

Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Nomisma, Andrea Goldstein nhận định, với những mâu thuẫn trong nội tại của xã hội Italia, ông Carlo Cottarelli sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết ngay. Điều đáng lo ngại là hiện nay, Thủ tướng lâm thời không nhận được sự ủng hộ của đảng Forza Itali của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.

CònLN thì tỏ ý hoài nghi về tính pháp lý trong quyết định của Tổng thống Sergio Mattarella chỉ định ông Carlo Cottarelli làm Thủ tướng tạm quyền. Bản thân ông Carlo Cottarellicũng khó được Quốc hội thông qua bởi hầu hết các chính đảng ở Italia đều khẳng định sẽ không ủng hộ một chính phủ kỹ trị khi bỏ phiếu tại Quốc hội. Và nếu như M5S và LN không thể thành lập chính phủ liên minh, điều này sẽ mở đường cho cuộc tổng tuyển cử sớm vào mùa thu tới.

Trong thời gian đó, M5S và LN có thể sẽ từ chối bỏ phiếu cho chính phủ “lâm thời” do Tổng thống chỉ định và điều này sẽ tiếp tục đẩy Italiavào tình trạng bất ổn. Sau quyết định rời EU của Anh, Italia trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Âu. Do đó, tiến trình thành lập Chính phủ tại Italia có ý nghĩa rất quan trọng với nền kinh tế, thị trường chứng khoán cũng như chính sách nhập cư với người tị nạn của Liên minh châu Âu.

Phan Hiển
.
.
.