“Sóng gió” thương mại giữa EU và Mỹ

Thứ Tư, 31/01/2018, 09:01
Cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đang “không công bằng” với Mỹ trong thương mại, Tổng thống Donald Trump dự định mở mặt trận mới về thương mại với EU. Đáp lại, lãnh đạo lục địa già cảnh báo EU sẽ có phản ứng một cách nhanh chóng và thích đáng.

Báo chí châu Âu ngày 30-1 đều đồng loạt đăng tải phát biểu của người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas. 

Theo đó, ông Margaritis Schinas cảnh báo rằng, EU sẵn sàng trả đũa và có khả năng mở ra một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương nếu Mỹ có những mối đe dọa rõ ràng để hạn chế nhập khẩu của khu vực này. Người phát ngôn của Chủ tịch EC còn nhấn mạnh rằng, phản ứng của EU sẽ rất nhanh chóng và thích đáng đến mức Mỹ “khó mà trở tay kịp”. 

Ông Margaritis Schinas nói: “Đối với EU, chính sách thương mại không phải là cuộc chơi được, mất mà là mang lại thế cùng thắng. Thương mại phải được mở cửa, công bằng cũng như dựa trên các luật định”. 

Tờ Telegraph của Anh dẫn lời ông Margaritis Schinas bình luận rằng, những cảnh báo của EU được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng EU đang rất không công bằng với Mỹ trong thương mại song phương và đây là vấn đề gây mâu thuẫn giữa hai bên. 

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ITV của Anh, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh: “Đã có rất nhiều vấn đề với EU và điều này có thể dẫn đến một cái gì đó rất nghiêm trọng khi xét từ quan điểm thương mại. Chúng tôi không thể đưa sản phẩm của mình vào thị trường EU. Điều này rất khó khăn. Trong khi đó, họ gửi sản phẩm của họ cho chúng tôi không có thuế hoặc thuế rất ít”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Cosilium.

Đồng thời, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cam kết sẽ nhanh chóng ký kết một thỏa thuận thương mại với London sau khi Anh rời khỏi EU. Quan điểm của ông Donald Trump là chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May cần “cứng rắn” hơn trong các cuộc đàm phán Brexit với EU.

Giới quan sát nhận định, cuộc trả lời phỏng vấn được thực hiện bên lề sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ - nơi Tổng thống Mỹ một lần nữa nhấn mạnh chính sách “Nước Mỹ trước tiên” đã cho thấy mục đích cao nhất của nước Mỹ trong bối cảnh hiện nay là tìm kiếm sự công bằng về thương mại với các quốc gia trên thế giới, kể cả các nước đồng minh hay khối quốc gia thân cận. 

Riêng đối với EU, có vẻ như những bất đồng thương mại xuất phát từ đầu năm 2017 (tức từ khi ông Donald Trump nhậm chức) đến nay vẫn chưa được giải quyết. Thời điểm đó, EU và Mỹ đã phải tạm ngừng các cuộc đàm phán liên quan tới Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). 

Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại EU Cecilia Malmstrom còn thừa nhận: “Trong một khoảng thời gian TTIP có thể sẽ ở trạng thái tạm dừng đàm phán. Tôi nghĩ là chúng ta nên thực tế. Tôi không thấy khả năng nào cho thấy có thể khởi động lại bất cứ cuộc đàm phán nào về TTIP trong một thời gian dài nữa”. 

Tháng 5 năm 2017, trả lời phỏng vấn báo giới sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng khẳng định, EU và Mỹ có những quan điểm khác biệt về thương mại toàn cầu. 

Ông Donald Tusk nói: “Chúng tôi đã nhất trí về nhiều vấn đề mà trước hết và quan trọng nhất là chống khủng bố. Tuy nhiên một số vấn đề vẫn bỏ ngỏ như biến đổi khí hậu, thương mại và tôi không dám chắc 100% là chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi cùng quan điểm”. 

Cùng với tuyên bố này của Chủ tịch Hội đồng châu Âu, giới chức châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về việc Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực tái định hình chính sách thương mại của Mỹ với mục tiêu bảo hộ nhiều hơn cho nền kinh tế Mỹ. 

Điển hình là vài tháng sau khi nhậm chức, ông Donald Trump đã ký ban hành hai sắc lệnh yêu cầu các quan chức thương mại chỉ đạo tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại ở Mỹ 500 tỷ USD/năm và kiểm tra đánh giá cụ thể các đối tượng quốc gia, sản phẩm, quan hệ giao thương nhằm định hình lại chính sách thương mại của Mỹ theo hướng “chống gây hại cho kinh tế Mỹ”.

Sắc lệnh thứ nhất nói những nước có thặng dư lớn với Mỹ như Trung Quốc, EU và Nhật Bản sẽ là những mục tiêu đầu tiên để thanh tra. Sắc lệnh thứ 2 thì chủ yếu đề xuất việc thúc đẩy quá trình thu thuế chống bán phá giá và các loại thuế cao khác.

Đến đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump lại tiếp tục áp đặt các mức thuế rất cao đối với máy giặt và pin mặt trời nhập khẩu vào Mỹ. Được biết, cho đến nay, EU vẫn đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) trong danh sách các nước, khu vực mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn.

Phan Hiển
.
.
.