Đụng độ với cảnh sát Pháp, 35 người bị bắt giữ

Thứ Ba, 28/03/2017, 22:01
Ngày 28-3, cảnh sát Pháp đã phải đụng độ và cuối cùng bắt giữ 35 trong số nhiều người biểu tình đang tức giận phản đối việc một người Trung Quốc bị cảnh sát Paris bắn chết ngay tại nhà, đồng thời khiến 3 người khác bị thương.
Cuộc biểu tình diễn ra tại Paris. Ảnh: Reuters

Vụ việc này ngay lập tức đã gây chú ý cho cộng đồng quốc tế. Phía Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại với chính quyền Paris về việc một công dân của họ bị một sĩ quan cảnh sát bắn chết ngay tại nhà riêng vào ngày 26-3.

Ngay lập tức, Bộ trưởng Ngoại giao của Pháp đứng ra trả lời về vụ việc và nhấn mạnh rằng sự an toàn của cộng đồng người Hoa tại Pháp là một "ưu tiên". 

Đại diện văn phòng Công tố viên Paris, Agnes Thibault-Lecuivre cho biết, đêm ngày 27-3 đã chứng kiến tình trạng bất ổn khi khá đông những người gốc Á tức giận biểu tình bên ngoài một đồn cảnh sát ở khu vực phía Đông Bắc của Paris. Đây vốn là nơi tập trung rất nhiều người từ nhiều quốc tịch khác nhau, đồng thời cũng là nơi xảy ra vụ việc. 

Sự tức giận của đám đông bắt nguồn từ những tin đồn rằng một người đàn ông đã bị bắn chết ngay tại nhà riêng của mình ở quận Paris 19 trước mặt con của ông trong khi cắt cá bằng kéo và không làm tổn thương bất kỳ ai xung quanh. 

Phía cảnh sát cho biết, một sĩ quan của họ đã nổ súng để "tự vệ" trong một cuộc đột kích sau khi người đàn ông kể trên làm một sĩ quan cảnh sát khác bị thương với một "vũ khí sắc nhọn".

Không dừng lại ở hoạt động ban đầu là biểu tình, thắp nến và hô khẩu hiệu, những người tham gia biểu tình sau đó đã phẫn nộ ném lửa và phá hoại phương tiện của lực lượng cảnh sát trong suốt quá trình đụng độ.

Các nhà chức trách Paris cho biết 26 người biểu tình đã bị bắt vì tham gia vào các hoạt động bạo lực có tổ chức và một vài người khác bị bắt do phá hoại phương tiện của cảnh sát.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hua Chunying, nói rằng Trung Quốc đã triệu tập một đại diện của Đại sứ quán Pháp tại Bắc Kinh vào ngày 28-3 và kêu gọi các quan chức Pháp phải "giải quyết đến tận cùng của vụ việc càng sớm càng tốt".

Duy Tiến
.
.
.