Nước Anh trước lựa chọn khó khăn!

Thứ Ba, 11/12/2018, 08:09
Theo dự kiến, hôm nay, ngày 11-12, Quốc hội Anh bỏ phiếu để quyết định liệu có nên phê chuẩn hay bác bỏ thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, của Thủ tướng Anh Theresa May hay không. Quyết định này sẽ xác định sự ra đi của nước Anh khỏi “ngôi nhà chung” cũng như tương lai chính trị của Thủ tướng Anh.


Sức ép đối với Thủ tướng Anh

Hiện sức ép đối với Thủ tướng xứ sở sương mù đang ngày càng gia tăng sau khi nghị sỹ đảng Bảo thủ Will Quince ngày 8-12 tuyên bố từ chức trong chính phủ để phản đối thỏa thuận Brexit với EU. Một bộ trưởng giấu tên trong chính phủ cho biết ông sẽ từ chức nếu cuộc bỏ phiếu tại quốc hội vẫn diễn ra.

Hai bộ trưởng từng ủng hộ Brexit và hai thành viên quốc hội cũng bóng gió về ý định từ chức liên quan đến kế hoạch bỏ phiếu. Thậm chí, một số bộ trưởng tuyên bố đang lên kế hoạch cho cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về quy chế thành viên EU.

Kể từ khi Thủ tướng Theresa May công bố thỏa thuận Brexit sơ bộ đạt được với EU, đã có tám quan chức chính phủ từ chức. Thỏa thuận đưa Anh rời EU càng bị chỉ trích mạnh mẽ từ chính các đồng minh của Thủ tướng Theresa May cũng như từ phe đối lập sau khi các nội dung tư vấn pháp lý về thỏa thuận này được công bố.

Chưa dừng lại ở đó, hồi cuối tuần qua, truyền thông Anh, cụ thể là tờ The Sunday Times dẫn lời “các bộ trưởng và cố vấn” cho rằng, Thủ tướng Theresa May có ý định hoãn cuộc bỏ phiếu trên và vào đầu tuần này sẽ tới Brussels để lần cuối yêu cầu EU cải thiện thỏa thuận Brexit sau loạt cảnh báo từ các bộ trưởng rằng cần có những điều khoản tốt hơn để có được sự ủng hộ của nghị sỹ.

Thời điểm nước Anh xem xét rời “mái nhà chung” châu Âu đang tới rất gần.

Văn phòng Thủ tướng và giới chức Anh đã ngay lập tức bác bỏ thông tin trên, khẳng định cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội về thỏa thuận Brexit sẽ diễn ra đúng kế hoạch. Bộ trưởng Brexit Stephen Barclay và Thứ trưởng Brexit Kwasi Kwarteng cũng khẳng định điều tương tự. Ông Stephen Barclay nhấn mạnh: “Thủ tướng đang chiến đấu vì chúng ta và sẽ tiếp tục tại vị”.

Trong bối cảnh đó, hôm 9-12, Thủ tướng Theresa May đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nước Anh rơi vào một “tình huống nguy hiểm” nếu thỏa thuận Brexit đạt được tháng trước không được Quốc hội thông qua.

Trao đổi với tờ The Mail, Thủ tướng Anh nhấn mạnh việc bác bỏ các đề xuất của bà đồng nghĩa với việc mang lại “sự bất ổn nghiêm trọng” cho nước Anh. Bà nêu rõ: “Khi tôi nói rằng nếu thỏa thuận (Brexit) không được thông qua, chúng ta thực sự đang lâm vào một tình huống nguy hiểm, tôi hy vọng mọi người hiểu đây là điều mà tôi tin tưởng và lo sợ có thể xảy ra”.

Nữ Thủ tướng đồng thời cảnh báo các nghị sỹ Quốc hội rằng hành động của họ có thể dẫn tới nguy cơ không có Brexit, cũng như một tổng tuyển cử.

Những kịch bản về số phận của thỏa thuận Brexit

Theo Nhật báo Le Monde của Pháp, cuộc bỏ phiếu lần này là bước đầu tiên không thể thiếu trong tiến trình Brexit, nhưng lại không thể giải quyết được tất cả các vấn đề liên quan. Kết quả cuộc bỏ phiếu được dự đoán theo 2 giả thuyết và 7 kịch bản và được cho là sẽ làm thay đổi sâu sắc nước Anh.

Giả thiết thứ nhất: Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit. Trong trường hợp này, Thủ tướng Theresa May sẽ thành công để nhận được đa số ủng hộ trong Hạ viện, nhất là bằng cách liên minh với các nghị sỹ Công đảng ủng hộ EU để chống lại hàng trăm nghị sỹ khác trong chính phe đối lập phản đối thỏa thuận. Đây là kịch bản đơn giản nhất. Mọi quyết định cuối cùng liên quan đến tiến trình Brexit sẽ thuộc về chính phủ của Thủ tướng Theresa May.

Bước tiếp theo, Nghị viện châu Âu (EP) sẽ bỏ phiếu cho văn bản thỏa thuận. Nếu ngày bỏ phiếu vẫn chưa được ấn định, EP cũng có thể tổ chức phiên họp toàn thể từ ngày 11 đến 14-3-2019. Đến đúng 23h ngày 29-3-2019 (giờ địa phương), Anh sẽ chính thức rời khỏi EU. Điều này đồng nghĩa với việc London sẽ mất quyền biểu quyết cũng như mất vai trò ủy viên EP.

Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài ít nhất đến 31-12-2020, Anh vẫn là thành viên của Liên minh Hải quan EU và thị trường nội khối. Trong giai đoạn này, nếu thỏa thuận được tôn trọng thì không có gì thực sự thay đổi, ngoại trừ điều cốt lõi, đó chính là Anh sẽ trở thành nước thứ ba.

Giả thiết thứ hai: Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận Brexit. Như vậy, cả Anh và EU sẽ bước vào một tình huống mới và “mơ hồ” hơn nhiều. Điều chắc chắn là bà Theresa May sẽ có 21 ngày để thông báo công khai cách Chính phủ Anh sẽ tiến hành.

Trong trường hợp này, có 7 kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất, Anh và EU sẽ tái đàm phán. Trong trường hợp các nghị sỹ Anh bác bỏ bản thỏa thuận, Thủ tướng Theresa May có thể quyết định trở lại Brussels để cố gắng đạt được một bản thỏa thuận khác thỏa mãn các nghị sĩ của mình hơn. Thứ hai, Thủ tướng Anh buộc phải từ chức.

Kịch bản này dường như không mấy chắc chắn, nhất là khi các nghị sỹ phe bảo thủ vẫn ủng hộ bà May tại vị. Tuy nhiên, bà Theresa May có thể chọn cách tự rút khỏi chính trường. Trong trường hợp này, phe bảo thủ sẽ lựa chọn một nhà lãnh đạo mới nhằm cố gắng giành được đa số ủng hộ cho một thỏa thuận có thể được “cải thiện” hơn một chút.

Thứ ba, Thủ tướng Anh bị các nghị sỹ phe bảo thủ bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu bà không tự ra đi, nhiều khả năng phe bảo thủ của chính bà sẽ “hạ bệ” người đứng đầu Chính phủ Anh. Để tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, ít nhất phải có sự yêu cầu của 15% trong phe bảo thủ, tức là 48 nghị sỹ. Một khi Quốc hội Anh tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, chắc chắn bà May sẽ phải rời khỏi vị trí của mình.

Thứ tư, Thủ tướng May bị các nghị sỹ Công đảng bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu bà May không từ chức và các thành viên đảng bảo thủ nước này không hành động, Công đảng có thể quyết định khởi xướng và kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thủ tướng.

Nếu bà May thua trong cuộc bỏ phiếu này, phe đối lập hoặc một nhà lãnh đạo bảo thủ mới sẽ có 2 tuần để thành lập một chính phủ mới có thể giành được lòng tin của Quốc hội trong một cuộc bỏ phiếu thứ hai. Nếu cuộc bỏ phiếu này thất bại, cử tri Anh sẽ là người quyết định.

Thứ năm, tiến hành một cuộc bầu cử mới. Thủ tướng May cũng có thể kêu gọi một cuộc bầu cử sớm, song điều này được xem là một vụ “đánh cược” cuối cùng trước các cử tri. Nếu giành được đa số phiếu, bà May có thể có lợi thế để yêu cầu các nghị sỹ bỏ phiếu lại. Cuộc bỏ phiều lần này sẽ có ý nghĩa tích cực, nhưng cũng có thể mang lại nhiều rủi ro.

Thứ sáu, tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mới. Đây cũng có thể là một “ván bài” trong trò chơi của Chính phủ Anh, đó là việc chọn cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới để tạo cơ hội cho người Anh xác nhận lại cuộc bỏ phiếu đầu tiên của họ.

Tuy nhiên, quá trình này có thể mất vài tháng và cũng sẽ cần phải được Quốc hội thông qua. Và cuối cùng, một Brexit “không thỏa thuận”. Đây là “kịch bản xấu nhất” mà bà May từng đe dọa để ngăn chặn đa số bỏ phiếu chống lại thỏa thuận. Lựa chọn bất khả kháng này sẽ đẩy nước Anh lâm vào một tình huống chưa từng có và nhiều vấn đề chưa được giải quyết, bao gồm cả quyền thương mại và vận tải, cũng như sự không đảm bảo về nguồn cung thực phẩm và dược phẩm cho nước Anh.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.