Nước Anh sẽ nhận trái đắng nếu giảm liên kết với EU?

Thứ Bảy, 27/06/2020, 16:33
Nước Anh sẽ phải "sống với những hậu quả" vì Thủ tướng Boris Johnson từ bỏ kế hoạch của người tiền nhiệm Theresa May trong việc duy trì liên kết kinh tế chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo.

Sau hơn 3 năm liên tục nhấn mạnh sự ủng hộ đối với một thỏa thuận duy trì mối liên kết thương mại hiện tại giữa Vương quốc Anh và khối EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 26/6 (giờ địa phương) đã phải lên tiếng đề nghị việc đóng lại cánh cửa dẫn đến thỏa thuận này.

"Chúng ta phải từ bỏ suy nghĩ rằng chúng ta cần xác định những gì mà nước Anh muốn", bà Merkel cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông châu Âu. "Nước Anh phải tự xác định điều đó, và chúng tôi, các thành viên EU, sẽ đáp lại một cách phù hợp", bà nói.

Phát biểu này của bà Merkel được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Đức tiếp quản vị tri chủ tịch luận phiên của EU. Bà Merkel cho biết, thay vì giải quyết quan hệ với Anh, ưu tiên của bà là đẩy mạnh kế hoạch giải cứu khối EU khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra. 

Thủ tướng Merkel dường như đã mất hi vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU. Ảnh: TG

"Chính phủ Anh muốn tự xác định xem sẽ có mối quan hệ như thế nào với EU sau khi rời khối. Sau đó, Anh sẽ phải sống với những hậu quả (từ điều này), và tất nhiên, sẽ là một nền kinh tế ít gắn kết hơn", Thủ tướng Đức cảnh báo.

Bà cũng nhấn mạnh thêm rằng: "Nếu Anh không muốn khởi tạo các quy tắc về môi trường và thị trường lao động hay chuẩn mực xã hội tương đương với EU, quan hệ giữa EU và Anh sẽ còn trở nên ít chặt chẽ hơn".

Những tuyên bố của bà Merkel cũng được đưa ra trong bối cảnh đàm phán giữa Anh và EU hậu ly hôn đang rơi vào bế tắc, liên quan đến việc Anh có cần "tuân thủ" quy định của EU về viện trợ nước đang phát triển, hay các quy định chung về môi trường, lao động để đổi lại một hiệp định thương mại không thuế quan hay không.

Đại sứ Đức tại Brussels, Michael Clauss, gần đây cho rằng vấn đề Brexit sẽ thu hút sự chú ý về mặt chính trị trong mùa thu này. Điều này khiến người Anh hy vọng rằng nước Đức, trong thời gian làm Chủ tịch EU, có thể đưa các cuộc đàm phán trở lại.

Nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí châu Âu, bà Merkel cho biết sẽ dành hầu hết năng lượng trong thời gian làm Chủ tịch EU để kêu gọi các thành viên nội khối ủng hộ giải pháp chung về kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

An Nhiên
.
.
.