Những phát ngôn cứng rắn nhất sự nghiệp của Đại sứ Churkin tại LHQ

Thứ Ba, 21/02/2017, 14:40
Trong hơn một thập kỷ là người đại diện của Liên Bang Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ), Đại sứ Vitaly Churkin được ca ngợi là người luôn biết cách tô đậm quan điểm của Moscow bằng những tuyên bố đanh thép và hiệu quả.


Hôm 20-2, nhà ngoại giao Nga, đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vitaly Churkin đã đột ngột qua đời ở tuổi 64 và chỉ cách tuổi 65 duy nhất 1 ngày. Thông tin về cái chết của ông Churkin đã gây sốc cho nhiều người, ở Nga và nước ngoài. 

Đánh giá về đại diện của Nga, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power, người luôn có những tranh cãi nảy lửa với ông Churkin tại các buổi họp tại Hội đồng Bảo an cho biết: "Tôi cảm thấy trống trải khi nghe tin về cái chết của đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin. Đây là một bậc thầy ngoại giao và chính là người đã làm tất cả để khắc phục những khác biệt giữa Mỹ và Nga". 

Xem lại những phát ngôn nổi bật nhất của ông Churkin tại LHQ:

 “Tôi muốn hỏi những người đại diện đáng kính của Hoa Kỳ, các bạn đã tìm thấy bất kì loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào tại Iraq chưa hay các bạn vẫn đang tiếp tục tìm kiếm?”

Đại sứ Churkin hôm 29-8-2008 lên tiếng chỉ trích sự thiên vị và “tiêu chuẩn kép” của Mỹ và một số nước phương Tây gồm Anh và Pháp sau khi khối này lên án Nga về việc Moscow triển khai quân sự tại Gruzia nhằm gìn giữ hòa bình cho khu vực ly khai Nam Ossestia. Trong vòng 1 tuần, Moscow đã khiến NATO không kịp trở tay khi đồng thời phá hủy các cơ sở của khối quân sự trên đất Guzia và công nhận độc lập cho Ossetia.

Trong vòng 1 tuần, Moscow đã khiến NATO không kịp trở tay khi đồng thời phá hủy các cơ sở của khối quân sự trên đất Guzia và công nhận độc lập cho Ossetia.

"Hãy trả lại quần đảo Malvinas, trả lại Gibraltar. Và sau đó, khi lương tâm của các bạn trong sạch hơn, chúng ta có thể tiếp tục bàn về những vấn đề khác"

Đây là câu trả lời Churkin cho đặc phái viên của Anh tại LHQ Matthew Rycroft ngày 3-2-2017 sau khi đại diện của London gọi việc Nga đang làm tại Ukraine là một sự "đảo lộn của sự thật" và kêu gọi Đại sứ mới của Mỹ Nikki Haley hãy làm nhiều hơn để Nga phải "trả lại Crimea" về dưới trướng của chính quyền Kiev.

"Người dân của Crimea đã bày tỏ rất rõ ràng ý muốn của họ trong cuộc trưng cầu dân ý, nơi mà hơn 96% người dân cho biết họ muốn Crimea quay lại với nước Nga và trở thành công dân Nga", ông Churkin nói và một lần nữa trích dẫn việc Hiến pháp Mỹ bắt đầu bằng cụm từ "Chúng tôi, nhân dân."

Dường như bà ấy (đại sứ Mỹ Samantha Power) đã gia nhập Pussy Riot và họ sẽ sớm tổ chức tour "lưu diễn" trên toàn thế giới: Tại nhà thờ thánh Peter Rome, tại thánh địa Mecca tại Saudi Arabia hay tại Bức tường than khóc ở Jerusalem?

Churkin đáp lại lời đại sứ Mỹ Samantha Power khi bà  lên tiếng về việc gặp mặt các thành viên của nhóm Pussy Riot hôm 6-2-2014. Các nhà hoạt động vốn nổi tiếng tại Nga và phương Tây sau khi ba thành viên của họ bị bắt giữ tại Nga do những hành động quấy phá "kinh hoàng" của mình tại Nhà thờ Đấng cứu thế tại Moscow năm 2012.

Pussy Riot là một nhóm nữ quyền và là một ban nhạc rock người Nga có trụ sở tại Moscow. Nhóm này nổi tiếng  với những hành động gây rối quá trớn, kích động thù hằn tôn giáo tại Nga và một số nước phương Tây.

"Bài phát biểu của đại diện từ Mỹ thật sự quá kì lạ đối với tôi, bà ấy (Đại diện của Mỹ tại LHQ) phát biểu tựa như thể bà ấy là Mẹ Teresa vậy"

Cựu đại diện của Nga tại LHQ hôm 13-2 mỉa mai bài phát biểu đầy "cảm xúc" của người đại diện Mỹ về tình hình nhân đạo tại Aleppo, nơi phiến quân vốn được Mỹ hậu thuẫn đã bị quét sạch khỏi thành phố đông dân nhất Syria trước thời chiến và nhấn mạnh về những hậu quả mà Mỹ để lại trên khắp các chiến trường mà nước này nhúng tay vào: "Xin hãy nhớ những kỷ lục mà nước bạn đang nắm giữ", ông Churkin nói.

Ngày 13-12-2016, với sự trợ giúp của không quân Nga, quân Chính phủ Syria chính thức tuyên bố giải phóng thành phố chiến lược Aleppo vốn bị phiến quân và khủng bố chiếm giữ từ 2012, đạt bước tiến “đáng kể nhất” và giành “quyền quyết định” các điều kiện trong giải quyết cuộc khủng hoảng. Việc này khiến chính quyền Obama vào những ngày cuối nhiệm kì sục sôi tìm kiếm một lệnh ngừng bắn bằng những tuyên bố về nhân quyền tại Syria nhưng không thành. 

"Nếu chúng ta muốn nghe một bài thuyết giáo, chúng ta cần đến nhà thờ. Nếu chúng ta muốn nghe thơ, tốt nhất hãy đến nhà hát"

Đó là cách Churkin đã phản ứng một báo cáo về tình hình ở Aleppo được công bố bởi Phó tổng thư ký về các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp Stephen O'Brien, vào ngày 27-10-2016.

"Hãy cho chúng tôi nghe những điều thực tế, hoặc ít nhất hãy ngưng kể những câu truyện tiểu thuyết về tình hình Syria tại LHQ," phái viên Nga đã nói với O'Brien.

"Không ai được thay đổi các vấn đề địa chính trị bằng cách sử dụng các biện pháp vũ lực, giống như cái cách mà một chính phủ hợp pháp ở Ukraine bị lật đổ."
Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ vào ngày 11-5-2016, ông Churkin kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới phải nhớ nguyên tắc sáng lập của tổ chức.

"Bất kì ai cũng không nên tìm cách mở rộng phạm vi kiểm soát của chính mình, giống như những việc mà NATO đang làm. Đặc biệt, không ai nên phấn đấu cho sự thống trị quân sự, như cái cách mà Mỹ đang cố gắng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên toàn cầu."ông Churkin nói.

"Thay vào đó, chúng ta nên tôn trọng nguyên tắc "thế giới không chia cắt" để hiểu rằng những nỗ lực đảm bảo an ninh (cách mà Mỹ mô tả việc triển khai hệ thống tên lửa) sẽ chỉ làm rối tung tình hình an ninh toàn thế giới", đại sứ Nga khẳng định.

Phùng Nguyễn
.
.
.