Những phân tích sau vụ tấn công kép ở Iran

Thứ Sáu, 09/06/2017, 09:53
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Iran Mohammad Hossein Zolfagari ngày 8-6 xác nhận, tổng số nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố hôm 7-6 là 13 người và 43 người khác bị thương. Phó Tổng Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran Reza Seifollahi cho biết những kẻ gây ra vụ tấn công kép này là những người Iran đã gia nhập cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.


Trong một tuyên bố, ông Seifollahi nêu rõ: “Những người này đã gia nhập Daesh (IS) từ những nơi khác nhau của Iran”. 

Theo ông Seifollahi, các phần tử trên đã hợp tác với IS tại những khu vực mà tổ chức này kiểm soát tại Syria và Iraq. Sau nhiều thất bại gần đây của IS tại 2 nước này, các đối tượng này đã trở lại Iran. Trong khi đó, Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho rằng, Saudi Arabia hỗ trợ nhóm khủng bố IS trong cuộc tấn công kép nhằm vào tòa nhà Quốc hội Iran và lăng mộ của cố Lãnh tụ tinh thần tối cao Khomeini. IRGC đã thề sẽ trả thù các vụ tấn công và gắn chặt hai vụ tấn công này với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Saudi Arabia vào tháng 5 vừa qua. 

Khói bốc lên từ tòa nhà Quốc hội Iran sau vụ tấn công. Ảnh: Reuters

IRGC nhấn mạnh: “Công luận thế giới, đặc biệt là ở Iran, nhận thấy thực tế là hành vi khủng bố này được thực hiện ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ với các lãnh đạo của một trong các quốc gia phản động nhất khu vực luôn ủng hộ bọn khủng bố...”. 

Trước đó, IS đã thừa nhận 5 phần tử thuộc tổ chức này đã tiến hành cuộc tấn công kép nói trên, đồng thời đe dọa sẽ tiến hành thêm các vụ tấn công vào Iran - quốc gia đa số người Hồi giáo dòng Shiite. Trong một tuyên bố, IS nhấn mạnh nhóm này sẽ không bỏ lỡ cơ hội nào để gây đổ máu cho người Iran đến khi luật Hồi giáo Sharia được thực thi.

Nhận định về tuyên bố này của IS, chuyên gia phân tích chính trị người Azerbaijan, ông Nikita Isayev, cho rằng, những cuộc tấn công khủng bố tại Iran sẽ còn tiếp tục trong tương lai và điều đó sẽ khiến gia tăng căng thẳng trong khu vực. 

Chuyên gia Isayev giải thích: “Cần phải hiểu rõ rằng, Iran là một quốc gia quan trọng đối khu vực Trung Đông. Vì vậy, một điều hiển nhiên là những nguy cơ khủng bố xuất hiện tại Iran, một quốc gia đảm bảo an ninh cho khu vực, sẽ phá hủy sự ổn định của cả khu vực”. 

Lý giải về động cơ sâu xa khiến IS tấn công Iran, nhà báo Sam Kiley, biên tập viên mục Quốc tế của hãng Sky News, bình luận, nếu có một thứ mà lực lượng IS cảm thấy căm ghét hơn cả những nền dân chủ của các quốc gia phương Tây thì đó chính là Chính phủ thần quyền của Iran. Hiện tại, Iran đang tài trợ, huấn luyện cho các lực lượng phiến quân chiến đấu chống IS ở Iraq và Syria. 

Nhà báo Sam Kiley chỉ ra rằng, trong vụ tấn công kép tại Iran, IS đã sử dụng những biện pháp tương tự như các cuộc tấn công nhằm vào các quốc gia châu Âu. Trong khoảng thời gian này năm ngoái, tình báo Iran tuyên bố đã triệt phá âm mưu tiến hành một loạt các vụ đánh bom khủng bố ở thủ đô Tehran nhân dịp lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo. Tuy nhiên, năm nay việc tương tự đã không xảy ra. 

Đối với IS, tổ chức khủng bố này hiện đang đứng trước áp lực nặng nề vì trước đây chúng chiếm được phần lớn diện tích lãnh thổ của Syria và Iraq, nhưng tới nay tất cả gần như đã mất hết. Vì thế, IS đã quyết định tấn công vào Iran với hi vọng sẽ khôi phục lại được phần nào danh tiếng mà tổ chức đã có. Hơn nữa, IS chọn những nơi khó xâm nhập và mang biểu tượng linh thiêng như trụ sở Quốc hội và lăng mộ của cố lãnh đạo tối cao để thể hiện sức mạnh của mình.

Nhiều nước đã nhanh chóng đưa ra phản ứng về vụ tấn công kép trên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo các cuộc tấn công khủng bố tại Iran thể hiện sự bùng phát chưa từng thấy của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. 

Theo Ngoại trưởng Nga, những kẻ khủng bố sẽ không kiềm chế và điều này đã thể hiện từng ngày, trong đó có các cuộc tấn công khủng bố vừa xảy ra tại Iran. 

Kịch liệt lên án vụ tấn công, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời nhấn mạnh các vụ tấn công liên tiếp gần đây một lần nữa cho thấy rõ sự cần thiết phải phối hợp hành động trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như chống IS. Điều này, đồng nghĩa cần phối hợp chặt chẽ hơn với các quốc gia Hồi giáo. 

Bộ Ngoại giao cũng ra thông báo lên án mạnh mẽ vụ tấn công trên: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công nhằm vào tòa nhà Quốc hội Iran và lăng mộ của cố lãnh đạo tối cao cách mạng Iran Ruhollah Khomeini”. Từ Trung Đông, Israel cũng kịch liệt chỉ trích các vụ tấn công tại Iran. 

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakistan nêu rõ: “Chính phủ mạnh mẽ lên án các vụ tấn công nhằm vào tòa nhà quốc hội và khu lăng mộ của cố lãnh đạo tối cao cách mạng Iran Ruhollah Khomeini. Chúng tôi sẵn sàng đoàn kết với người dân Iran trong giờ phút đau thương này. Để chống chủ nghĩa khủng bố, vốn đang được coi như một hiện tượng toàn cầu và thách thức chung, đòi hỏi cộng đồng quốc tế hợp tác và cương quyết”. 

Đồng quan điểm, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng lên án các vụ tấn công, khẳng định lập trường rõ ràng của nước này đối với chủ nghĩa khủng bố: “UAE lên án và phản đối bất kỳ vụ tấn công khủng bố xảy ra ở bất kỳ quốc gia hay thủ đô nào, nhằm vào người dân vô tội”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.