Những dịch chuyển có tác động lớn tới thế giới năm 2015

Thứ Năm, 31/12/2015, 16:39
Năm 2015 đã khép lại với rất nhiều diễn biến có tác động tới nhân loại. Chúng tôi xin được điểm lại một số sự kiện an ninh – chính trị, kinh tế, xã hội – môi trường… nổi bật, vốn đã “vẽ” lên bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2015.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua

Sau 5 năm ròng rã đàm phán với vô số bất đồng và trở ngại, vào hồi 20h00 ngày 5-10 (giờ Việt Nam), tại thành phố Atlanta (Mỹ), Mỹ và 11 quốc gia ở hai bên bờ Thái Bình Dương tham gia đàm phán Hiệp định TPP, trong đó có Việt Nam, đã đạt thỏa thuận cuối cùng, mở đường cho khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới. Việc 12 quốc gia đạt đồng thuận cuối cùng có thể đem lại những lợi ích nhất định cho kinh tế châu Âu trên nhiều khía cạnh.

Đối với Việt Nam, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội khẳng định TPP “sẽ khiến lĩnh vực tư nhân được tiếp cận nhiều hơn tới các thị trường chủ chốt, thúc đẩy cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, và giúp thiết lập hạ tầng cung ứng then chốt, qua đó tạo ra những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đem lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người lao động Việt Nam”.

IMF đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) vào giỏ tiền tệ quốc tế (SDR)

Ngày 30-11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố đồng NDT của Trung Quốc đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của một đồng tiền “tự do sử dụng” và sẽ “có mặt” trong giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặt biệt (SDR), cùng với USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật.

Đối với Việt Nam, theo các chuyên gia kinh tế, quyết định trên của IMF sẽ ảnh hưởng rất ít tới nền kinh tế Việt Nam, hầu như không đáng kể, thậm chí phải mất ít nhất 6 tháng tới 1 năm nữa mới thấy rõ được tác động dây chuyền này. Tuy nhiên, về lâu dài, tác động của quyết định trên còn mạnh hơn theo hướng bất lợi nhiều hơn là có lợi, đồng thời cũng ảnh hưởng tới chính sách giữ ổn định giá ngoại tệ của Việt Nam. 

FED nâng lãi suất cơ bản

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường ​mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, rạng sáng 17-12 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Fed Janet Yellen tuyên bố FOMC đã bỏ phiếu thông qua quyết định tăng 0,25% lãi suất cơ bản, theo hai biên độ từ 0 - 0,25% và từ 0,25 - 0,5%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của FED kể từ khi đưa lãi suất xuống gần 0% vào năm 2008 trong bối cảnh kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Đối với Việt Nam, cùng với quyết định của IMF đưa đồng NDT vào SDR, quyết định tăng lãi cơ bản của FED lại tạo thêm một áp lực mới đối với đồng VNĐ. Về dài hạn, quyết định của FED sẽ tạo ra một số bất lợi. Thứ nhất, việc Mỹ tăng lãi suất sẽ cản trở dòng vốn ngoại gia nhập các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Như vậy, yếu tố dòng tiền sẽ bị ảnh hưởng. Thứ hai, việc Fed tăng lãi suất tạo áp lực nhất định lên tỷ giá. Khi rủi ro tỷ giá còn treo lơ lửng thì tất cả các khoản đầu tư bằng đồng VND đều sẽ chịu ảnh hưởng, người ta sẽ ngại đầu tư hơn, và dòng tiền vào thị trường cũng sẽ bị hạn chế.

Nga tham gia chiến dịch không kích khủng bố tại Syria.

Có thể nói đây là sự kiện quốc tế để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lĩnh vực an ninh – chính trị năm 2015. Quyết định của Moskva đã làm thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến chống khủng bố, khiến cộng đồng quốc tế phải thực sự bắt tay với nhau. Quyết định của Nga còn đẩy Mỹ vào thế bị động, buộc Washington phải điều chỉnh chính sách đối ngoại nói chung, chính sách đối với đối thủ tầm toàn cầu là Nga và đối thủ trong khu vực là Iran nói riêng. Bên cạnh đó, từ việc gạt Iran ra khỏi cuộc chiến chống khủng bố tại Syria thì bây giờ Mỹ lại làm điều ngược lại.

Thêm nữa, trong gần 10 tháng vừa qua, Mỹ và các đồng minh phương Tây, Arab theo đuổi một quan điểm nhất quán là Tổng thống Syria Bashar al-Assad không được nắm giữ vai trò gì trong chính phủ Syria, đồng thời đưa ra điều kiện tiên quyết cho bất cứ giải pháp chính trị nào cho Syria là phải loại bỏ ông Assad. Nhưng đến bây giờ, Mỹ và đồng minh đã gián tiếp công nhân vai trò của Tổng thống Syria. Trên thực tế, cả phía Nga và Mỹ trong thời gian gần đây đều tỏ ra mềm mỏng hơn trong vấn đề Syria so với trước đây.

Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba

Ngày 20-7-2015, sau 54 năm đóng băng quan hệ, Mỹ và Cuba chính thức nối lại quan hệ ngoại giao đầy, với việc mở cửa trở lại Đại sứ quán tại mỗi nước. Đây là một đột phá khiến cả thế giới phải chú ý. Đối với Mỹ, cải thiện quan hệ ngoại giao với Cuba được xem là một tiền lệ đối ngoại quan trọng, góp phần cải thiện hình ảnh quốc gia của Mỹ. Với riêng Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, việc bình thường hóa quan hệ với Cuba được nhìn nhận là thành tựu ngoại giao lớn, trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ không gặt hái nhiều thành công trong hai nhiệm kỳ vừa qua. Với Cuba, thỏa thuận tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ đồng nghĩa sự công nhận chính thức của Mỹ đối với Chính phủ Cách mạng Cuba.

Với khu vực Mỹ Latinh và cộng đồng quốc tế, việc Cuba và Mỹ chính thức tái lập quan hệ ngoại giao có thể được coi là minh chứng sống về sự hóa giải thành công một mối quan hệ thù địch và đối đầu kéo dài, đưa các “cựu thù” trở thành đối tác đối thoại, vì hòa bình và phát triển, phù hợp xu thế thời đại. Bước đi này một lần nữa khẳng định, chính sách thù địch chống Cuba, chống các Chính phủ do các phong trào cánh tả và lực lượng tiến bộ lãnh đạo ở khu vực, đã thất bại.

Thỏa thuận quan trọng giữa Nhóm P5+1 và Iran

Sau gần 12 năm thương lượng ròng rã và gần 20 tháng đàm phán nước rút, ngày 14-7, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử về vấn đề hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo, khép lại một trong những hồ sơ quốc tế phức tạp nhất của lịch sử thế giới đương đại. Thỏa thuận này cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc nước Iran ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Đối với Iran, thỏa thuận này đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Tehran và phương Tây, là cơ hội mở ra những mối quan hệ hợp tác thương mại với thế giới. Còn Mỹ và các cường quốc khác có thể thở phào nhẹ nhõm khi ngăn chặn được nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tại khu vực Trung Đông. Quan trọng hơn, thỏa thuận này đã chứng tỏ các biện pháp ngoại giao và hợp tác có thể giúp vượt qua những căng thẳng, đối đầu trong nhiều thập kỷ giữa các quốc gia. Đồng thời, nó cũng có khả năng trở thành hình mẫu để cộng đồng thế giới giải quyết những điểm nóng hiện nay trên thế giới.

Cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu

Khủng hoảng tại Hy Lạp hay Ukraine không còn là điều mấy quan tâm ở châu Âu hiện nay, vấn đề đáng quan tâm nhất thời gian qua là khủng hoảng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh bất ổn tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi còn nhức nhối thì cuộc khủng hoảng người tị nạn còn là bài toán nan giải đối với các nước châu Âu.

Dòng người di cư đổ xô vào châu Âu chủ yếu vì hai lý do, thứ nhất là họ phải trốn chạy khỏi quê hương do nội chiến, khủng bố, bị truy đuổi và thứ hai là vì mục đích kinh tế. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đó chỉ là vẻ bề ngoài. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã đứng ra tài trợ và tổ chức cho làn sóng người di cư, nhằm mục tiêu chiến lược lâu dài trong cuộc cạnh tranh địa – chính trị. Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman từng gọi làn sóng người tị nạn tới châu Âu là “cuộc xâm lăng có tổ chức”.

Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu

Sau 13 ngày đàm phán căng thẳng với nhiều cuộc thương lượng kéo dài suốt đêm, vào lúc 1h30 ngày 13-12 (giờ Việt Nam), các đại biểu từ 195 nước tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) đã thông qua thỏa thuận lịch sử để cứu thế giới thoát khỏi “thảm họa khí hậu”.

Đây được coi là bước đột phá trong nỗ lực của LHQ trong suốt hơn hai thập kỷ qua, nhằm thuyết phục các chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của trái đất tăng lên. Các đại biểu đánh giá Thỏa thuận đạt được là một “bước ngoặt lịch sử” trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh, đây không chỉ là một thỏa thuận, mà còn là dấu mốc mới, mở ra hi vọng cho hơn 7 tỉ người dân trên trái đất.

Mỹ điều Tàu khu trục hiện đại tuần tra trên Biển Đông

Ngày 26-10, Mỹ đã điều khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Lassen vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông, cụ thể là đến gần bãi Subi và Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa. Đây là những bãi đá chìm khi nước triều dâng cao trước khi bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo năm 2014.

Việc đưa tàu vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tiến hành bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép trên biển Đông được coi là hành động mạnh mẽ nhất của Mỹ trước tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trước đó. Quyết định của Mỹ cũng được cho là động thái chặn đứng ý đồ “viết lại luật pháp quốc tế” của Trung Quốc, để ngang nhiên tuyên bố cái gọi là “chủ quyền” với Biển Đông.

PCA ra phán quyết

Ngày 29-10, tòa Trọng tài Thường trực (PCA), được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của LHQ về Luật Biển (“Công ước”) để giải quyết vụ việc do Philippines khởi kiện Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông, đã ra Phán quyết về Thẩm quyền và Khả năng tiếp nhận: 1) Có toàn quyền thụ lý vụ Philippines kiện Trung Quốc, bác bỏ quan điểm của Trung Quốc. 2) Trung Quốc không tham gia phiên tòa không ảnh hưởng tới phán quyết của PCA. 3) PCA tiếp tục xử vụ án này và sẽ kết thúc vào năm 2016. Phán quyết của PCA đã đẩy Trung Quốc vào thế bị động.

Theo đó, nếu Bắc Kinh tiếp tục chống lại PCA đồng nghĩa với việc chống lại cả thế giới, bộc lộ bản chất là nước hiếu chiến, không thân thiện với cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực, phủ định cái gọi là “Trung Quốc phát triển hòa bình”, và cho thấy Trung Quốc không phải là một quốc gia có trách nhiệm đối với nền hòa bình thế giới.

Khổng Hà
.
.
.