Những dấu ấn để đời của cựu Tổng thống Israel Shimon Peres

Thứ Tư, 28/09/2016, 15:10

Ông Shimon Peres, một trong những nhân vật chính trị kiệt xuất của Israel đạt giải Nobel Hòa bình đã từ trần ở tuổi 93, sau 2 tuần phải nhập viện cấp cứu vì bị đột quỵ, Thông tấn Israel (INA) xác nhận thông tin vào sáng 28-9.

Peres từng hai lần giữ chức vụ Thủ tướng và sau đó là Tổng thống thứ 9 của Israel. Ông bị bệnh phổi cấp tính phải đưa vào một bệnh viện gần Tel Aviv vào ngày 13-9  và qua đời vì tình trạng sức khỏe xấu đi vào sáng nay.

Peres là một trong những công trình sư chính kiến tạo Hiệp ước Hòa bình Oslo mà ông đã cùng nhận giải Nobel Hòa bình cùng với Thủ tướng Israel Yizhak Rabin và Chủ tịch Palestine Yasser Arafat.

Cựu lãnh đạo gắn liền với sự thành lập của đất nước Israel hiện địa, cuộc đời ông Peres ghi dấu những thời khắc quan trọng nhất đối với lịch sử quốc gia, mà ở đó người ta thấy ông thay đổi từ một nhà chính trị diều hâu thành một người kiến tạo hòa bình, di sản này bị bỏ qua trong những năm gần đây đã làm nhụt tinh thần của ông.

Cựu Tổng thống Israel Shimon Peres (Ảnh: AFP)

Sau thời gian dài là một nhân vật gây chia rẽ sâu sắc trên chính trường Israel, về cuối đời ông Peres trở thành một trong những nhà lãnh đạo được yêu mến, có một nhiệm kỳ tổng thống 7 năm (2007-2014).

“Trong con mắt của nhân dân, ông không phải là một nhà chính trị. Ông đã trở thành một nhân vật lịch sử, quan trọng hơn đối với các vấn đề chính trị, quan trọng hơn đối với từng vấn đề trong cuộc sống thường ngày, ông là một nhân tài đã để lại dấu ấn riêng”, nhà báo Nahum Barnea, một phóng viên của Báo Yediot Ahronot viết ngay sau khi cựu Tổng thống Israel ngã bệnh.

Ngay cả sau khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc, ông Peres vẫn là một người rất quan trọng tiếp tục can thiệp vào đường lối chính trị của đất nước và duy trì một lịch công tác chủ tịch, đặc biệt thông qua những sự kiện được Trung tâm Peres vì Hòa bình tổ chức.

Gần đây nhất là vào năm ngoái, ông Peres đã phê  bình mạnh mẽ đường lối của chính phủ Benjamin Natanyahu, tuy nhiên, cựu lãnh đạo không nêu đích danh Thủ tướng đương nhiệm.

Ông Peres khẳng định những giá trị mà ông và cựu thủ tướng Rabin, một nhà chính trị quan trọng bị ám sát vào năm 1995 đã được kế thừa từ người cha thành lập đất nước Israel hiện đại, David Ben Gurion từng phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy khi ông bảo vệ giải pháp hai quốc gia để giải quyết xung đột Israel-Palestin.

Sinh ra ở Wiszniewo, Ba Lan, ông Peres di cư sang khu vực Mandate Palestine thuộc địa Anh vào năm 1934 khi 11 tuổi, là một nhà sáng lập Phong trao Thanh niên Do thái Cần lao kiêm thành viên du kích quân Do Thái Hagana trước khi Israel tuyên bố độc lập. 

Là một quan chức quốc phòng vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, Peres đã tham gia xây dựng lò phản ứng hạt nhân Dimona, cơ sở phát triển vũ khí hạt nhân của Israel.

Arafat-Peres và Rabin cùng nhận giải Nobel Hòa bình năm 1994 (Ảnh: EPA)

Trong sự nghiệp chính trị kéo dài nhiều thập niên, ông hầu như nắm giữ mọi vị trí quan trọng trong đời sống chính trị Israel. Chức vụ quan trong đầu tiên của ông là Tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Israel khi đang ở độ tuổi 20 nhờ sự yêu mến của lãnh tụ Ben Gurion, tham gia vào kế hoạch bí mật cùng với Anh và Pháp lập ra liên minh chống Ai Cập trong những năm 1950.

Ông Peres được bầu vào Quốc hội Israel (Knesset) lần đầu tiên vào năm 1959, nội các của ông phụ trách các vấn đề quốc phòng, tài chính và đối ngoại, trước khi trở thành thủ tướng hai lần trong một thời gian ngắn. Mặc dù, ông tham gia tranh cử chức vụ thủ tướng đến 5 lần từ năm 1977 đến 1996, Peres chưa từng chiến thắng hoàn toàn.

Từng là một nhân vật “diều hâu” trong những năm 1970, Peres đề ra giải pháp cứng rắn về thỏa hiệp lãnh thổ với Palestine, xây dựng khu tái định cư và tăng cường sức mạnh của quân đội Israel. Tuy nhiên, vào những năm 1980, ông bắt đầu chuyển sang vị trí chính trị ôn hòa và hướng về đường hướng hòa bình.

Năm 1994, khi là Ngoại trưởng Israel, ông giành giải Nobel Hòa bình cùng với Rabin, Thủ tướng Israel lúc bấy giờ, và Chủ tịch Palestine Arafat vì vai trò của họ đóng góp cho tiến trình đàm phán Hiệp định Hòa bình Oslo có thể giúp kiến tạo nên một quốc gia Palestine độc lập.

Trúc Phạm
.
.
.