Nhật Bản vấp phản ứng khi hồi sinh lò phản ứng hạt nhân "quá đát"

Thứ Tư, 23/06/2021, 09:51
Chuyên gia hạt nhân và cựu cố vấn cấp cao nội các Nhật Bản ngày 23/6 đã lên tiếng cảnh báo về kế hoạch khởi động lại một lò phản ứng 44 tuổi của nước này, dưa trên những bài học từ thảm họa Fukushima.

Tập đoàn điện lực Kansai Electric Power, cung cấp điện cho khu vực Osaka và các khu công nghiệp có sản lượng kinh tế tương đương với Mexico, tuyên bố sẽ khởi động lại lò phản ứng số 3 tại nhà máy Mihama ở phía tây Nhật Bản trong ngày 23/6.

Theo Reuters, đây là lò phản ứng lâu đời nhất được khởi động lại kể từ thảm họa kép năm 2011 và hiện tuổi thọ của nó đã vượt quá giới hạn 40 năm tiêu chuẩn. Hầu hết các lò phản ứng ở Nhật Bản vẫn đóng cửa sau sự cố hạt nhân Fukushima.

Một chiếc thuyền đánh cá hoạt động gần nhà máy điện hạt nhân Mihama của Công ty Điện lực Kansai. Ảnh: Reuters

Một số chuyên gia, trong đó có Tatsujiro Suzuki, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử của Văn phòng Nội các Nhật Bản, đã bày tỏ nghi ngờ về sự trở lại của lò phản ứng 44 tuổi này, nhất là về sự thiếu minh bạch và việc sử dụng các khoản trợ cấp để làm dịu ý kiến ​​địa phương trong việc tái khởi động lò phản ứng.

Thảm họa kép tháng 3/2011 đã cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người dân Nhật Bản và phá hủy hệ thống làm mát tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, khiến một lượng lớn phóng xạ rò rỉ ra môi trường. Sau 10 năm, sự cố này vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn. Sự chủ quan của tập đoàn Tokyo Electric khi ấy, với động thái xem nhẹ rủi ro sóng thần, được cho là đã dẫn đến thảm họa này. 

“Có vẻ như ngành công nghiệp và chính phủ đã không rút ra được bài học của Fukushima", ông Suzuki nhận định.

Theo Reuters, các quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã đến tỉnh Fukui 110 lần trong hai năm qua. Một khoản trợ cấp trị giá 23 triệu USD đã được METI trao cho cộng đồng địa phương trước khi thống đốc Fukui ký ban hành quyết định khởi động lại lò phản ứng.

Kiyoshi Kurokawa, người đứng đầu cuộc điều tra lớn nhất về cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, đã mô tả cuộc khủng hoảng ấy là một thảm họa "nhân tạo" có thể tránh được trong báo cáo năm 2012 của mình. Theo ông, tâm lý đặt lợi ích của tổ chức lên trên các nhiệm vụ công về giám sát an toàn vẫn còn phổ biến ở Nhật Bản.

"Việc làm rõ chế tài xử phạt với các hành vi vận hành sai trái là rất cần thiết. Nếu không có chế tài nào như thế ở Nhật Bản thì việc giám sát là vô nghĩa", ông nói và nhấn mạnh thêm rằng ông rất "lo ngại" về việc khởi động lại lò phản ứng 44 tuổi này. 

An Nhiên
.
.
.