Nhật Bản phản đối mưu toan của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông

Thứ Tư, 04/05/2016, 07:20
Cảnh báo nguy cơ gia tăng xung đột trên Biển Đông, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishda hôm 2-5 đã khẳng định lập trường của nước này về vấn đề Biển Đông và kêu gọi các quốc gia trong khu vực đấu tranh để thực thi nghiêm chỉnh các quy định trong Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực này.

Theo tin từ hãng Nikkei, chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á của Ngoại trưởng Nhật bản Fumio Kishda bắt đầu từ hôm 1-5 và hôm 2-5, ông này đã gặp gỡ, trò chuyện với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Tại đây, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Nhật Bản đã khẳng định, điều quan trọng nhất trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương hiện nay là vấn đề an ninh hàng hải và giải quyết mọi mâu thuẫn phát sinh dựa trên luật pháp quốc tế.

Trả lời phóng viên trong cuộc gặp gỡ báo chí cùng với Thủ tướng Thái Lan, ông Fumio Kishda còn nhấn mạnh rằng, 10 quốc gia thành viên ASEAN cần phải đoàn kết hơn nữa để cùng với Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông, ngăn chặn các hành động đơn phương của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Đối với Thái Lan, tuy không tham gia vào tranh chấp ở Biển Đông song theo Ngoại trưởng Nhật Bản, chính quyền Bangkok vẫn đóng vai trò là cầu nối, điều phối viên giữa ASEAN-Trung Quốc.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan, ông Fumio Kishda còn có cuộc nói chuyện tại Đại học Chulalongkorn về chính sách của Nhật Bản ở ASEAN, trong đó vạch ra những ưu tiên của Tokyo trong hợp tác với các nước khu vực này thời gian tới. Nhật Bản coi ASEAN là một đối tác quan trọng, đồng thời Nhật Bản cam kết trở thành đối tác không thể thay thế của ASEAN trong nỗ lực khai thác hết các tiềm năng to lớn thông qua việc tận dụng “tính đa dạng” về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và tăng cường “sự kết nối” trong khu vực. 

Tuy nhiên, để khai thác triệt để tiềm năng trong khi tận dụng “tính đa dạng” của khu vực và tăng cường đoàn kết giữa các nước ASEAN, ông Fumio Kishda cho rằng, ASEAN cần đẩy mạnh “sự kết nối” như đã được vạch ra trong văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2025 mà tổ chức này đã công bố hồi năm 2015, coi đây là một định hướng xây dựng cộng đồng trong tương lai.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha (phải) và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc gặp tại thủ đô Bangkok hôm 2-5. Ảnh: AP.

Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Nhật Bản một lần nữa khẳng định, chính quyền Tokyo phản đối các mưu toan đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông đồng thời kêu gọi sớm hoàn thành việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm giải quyết hiệu quả các tranh chấp trên Biển Đông. Các nhà phân tích nhận định rằng, theo kế hoạch, ông Fumio Kishda sẽ tới thăm Myanmar, Lào, Việt Nam trước khi trở về nước vào ngày 6-5.

Trong những cuộc gặp gỡ tiếp theo, Ngoại trưởng Nhật Bản chắc chắn sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra và tiếp tục khẳng định quan điểm của Tokyo. Chưa hết, để thể hiện vai trò của mình trong vấn đề này, hôm 2-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và người đồng cấp phía Philippines Voltaire Gazmin đã có cuộc điện đàm, và đi đến thống nhất kế hoạch cho thuê máy bay quân sự nhằm giúp Manila huấn luyện phi công và tăng cường nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông.

Giới quan sát nhận định, mối lo về nguy cơ xung đột ở Biển Đông ngày càng gia tăng khi xuất hiện thêm nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang từng bước thiết lập một mạng lưới căn cứ quân sự trên Biển Đông nhờ các hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép các bãi đá thành đảo nhân tạo. Đó là chưa kể đến các động thái tiếp theo mà Bắc Kinh đã thực hiện là triển khai các hệ thống cảm biến cố định như radar, thiết bị giám sát dưới nước…

Chuyên gia James Goldrick từ Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, Australia từng nhận định, lãnh đạo Trung Quốc dường như muốn biến Biển Đông trở thành một vùng chiến sự nguy hiểm đối với bất kỳ quốc gia nào  và rằng, an ninh hàng hải Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào những hành động hiện tại và tương lai của Trung Quốc. Một số nhà phân tích khác thì cho rằng, nguy cơ chạy đua an ninh ở khu vực Biển Đông đang hiện hữu. Bên cạnh đó là những hậu quả khác về môi trường.

Tờ The Diplomat hôm 2-5 có bài phân tích nhấn mạnh: “Biển Đông vốn luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Nay, các vấn đề cấp bách không chỉ có nguy cơ tranh chấp mà còn có thêm nỗi lo sự axít hóa, mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và hủy hoại các rạn san hô. Các hoạt động tôn tạo của Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng hủy hoại và làm suy thoái các rạn san sô, làm suy giảm lượng cá vốn là nguồn lương thực nuôi sống một lượng lớn dân số vẫn đang gia tăng tại các quốc gia có tranh chấp trong khu vực. Ngư dân các nước trong quá trình đánh bắt cá mưu sinh đang bị cuốn vào cuộc chiến sinh thái”.

Bài báo khẳng định, đã đến lúc các nhà khoa học uy tín trên thế giới cần quan tâm đến các vấn đề đa dạng sinh học biển và sự bền vững môi trường ở Biển Đông, cùng tham gia vào diễn đàn chính sách khoa học chung. Các nhà khoa học hợp tác với nhau có thể giúp hình thành và phát triển Ủy ban khoa học quốc tế về Biển Đông. Còn người dân trong khu vực cần tham gia cùng các nhà khoa học biển để hình thành "mạng lưới" hợp tác khu vực và quản lý biển, để tất cả cùng được hưởng lợi trước khi quá muộn.

Sông Thương
.
.
.