Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19:

Nguyên nhân nào khiến Italy “vỡ trận”?

Thứ Bảy, 14/03/2020, 08:54
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại châu Âu với số ca nhiễm mới và tử vong tăng vọt tại nhiều nước. Trong khi đó, Italy hiện được coi là quốc gia tâm dịch của “Lục địa già”.


Mặc dù mới phát hiện các ca nhiễm đầu tiên không lâu, song tại một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Thụy Sĩ, số ca nhiễm mới COVID-19 đang tăng nhanh. Theo số liệu thống kê của báo Bưu điện buổi sáng (Morgenpost), tính đến 22h ngày 12/3 (giờ địa phương), số ca nhiễm trên toàn nước Đức đã lên tới 2.745 người và 6 ca tử vong, trong đó riêng bang Nordrhein-Westfalen có trên 1.000 người nhiễm và 4 ca tử vong.

Tại Pháp, tính đến tối cùng ngày, tổng số ca nhiễm được ghi nhận là 2.876 ca, trong đó có gần 600 ca nhiễm mới. Số ca tử vong là 71 ca, tăng 23 ca so với một ngày trước đó. Tây Ban Nha cũng là quốc gia châu Âu có số người nhiễm virus COVID-19 cao.

Lực lượng an ninh tại ga xe điện ở Milan, Italy khi vùng Lombardy chuẩn bị phong tỏa. Ảnh: Reuters.

Với 869 ca nhiễm mới trong ngày 12/3, tính đến nay nước này đã ghi nhận tổng số 3.146 ca nhiễm. Số ca tử vong cũng tăng 31 người lên 86 người. Với quy mô dân số nhỏ nhưng Thụy Sĩ cũng đã ghi nhận hơn 800 ca nhiễm, trong đó có 6 ca tử vong. Do số ca nhiễm mới tăng nhanh, vùng Ticino của nước này, khu vực giáp biên giới với Italy ngày 12/3 đã thông báo đóng cửa toàn bộ các cơ sở đào tạo đại học và giải trí, đồng thời cấm tất cả các hoạt động hội họp nơi công cộng.

Tại Thụy Điển, với 187 ca nhiễm mới, tính đến hết ngày 12/3, tổng số ca nhiễm virus COVID-19 được ghi nhận tại nước này là 687 ca. Trong khi đó, hai nước Australia và Ba Lan đều ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong ngày 12/3.

Về trường hợp quốc gia tâm dịch Italy, sau khi chính quyền nước này thông báo lệnh phong tỏa trên cả nước, sự lây lan của dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm. Theo số liệu thống kê chính thức, trong ngày 12-3, số ca nhiễm mới ở Italy đã tăng thêm trên 2.651 người, nâng tổng số người nhiễm lên 15.113. Với 189 ca tử vong mới, đến nay Italy đã ghi nhận tới 1.016 ca tử vong, đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.

Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm và rối loạn miễn dịch thế giới (Waidid) đã cảnh báo tỷ lệ tử vong do nhiễm virus COVID-19 tại Italy hiện ở mức cao nhất thế giới và gấp 12 lần các quốc gia khác. Theo Waidid, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là không có sự thống nhất trong các phương pháp điều trị trên toàn lãnh thổ.

Mặt khác, sự yếu kém trong khả năng truy xuất nguồn gốc nhiễm bệnh đối với các trường hợp dương tính không có triệu chứng và không được xét nghiệm nhanh (mặc dù đã tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm bệnh được xác định) đã đẩy nhanh tình trạng lây lan dịch bệnh. Cũng theo Waidid, ở Italy, nhiều ca dương tính với virus COVID-19 không có triệu chứng đang được tự do đi lại.

Trong khi đó, các chuyên gia đã chỉ ra 5 nguyên nhân khiến Italy - một quốc gia châu Âu với trình độ và cơ sở hạ tầng y tế tương đối tốt lại có tỷ lệ tử vong ở mức 5%, hơn hẳn so với các quốc gia khác (Hàn Quốc là 0,4%, Tây Ban Nha và Pháp là 2%).

Nguyên nhân đầu tiên là do Italy chỉ phát hiện người bệnh một cách thụ động. Những trường hợp dương tính với virus COVID-19 chỉ được phát hiện sau khi đã phát triệu chứng và đến bệnh viện kiểm tra, có nghĩa là họ đều ở trong giai đoạn phát bệnh. Điều này hoàn toàn khác với Hàn Quốc, khi quốc gia này đã tìm và xét nghiệm chủ động nên rất nhiều ca dương tính được phát hiện ngay trong thời gian ủ bệnh.

Nói cách khác, Italy chỉ phát hiện được người bệnh ở giai đoạn sau, còn Hàn Quốc đã phát hiện từ giai đoạn đầu khi nồng độ virus còn thấp và ít nguy cơ tử vong. Nếu tính cả những ca bệnh chưa được phát hiện, thì tổng số ca nhiễm tại Italy phải cao hơn rất nhiều, điều đó dẫn đến tỷ lệ tử vong hiện tại cao như vậy.

Nguyên nhân thứ hai là tình trạng quá tải hệ thống y tế ở Italy. Dù hệ thống y tế của nước này không phát triển đồng đều giữa hai miền Bắc Nam, song ở Lombardy, vùng giàu nhất quốc gia, các bệnh viện cũng đã quá tải. Tình hình nghiêm trọng hơn khi tờ Washington Post cho biết, nhiều bác sĩ Italy cũng đã bị lây nhiễm và các phòng hồi sức đều chật kín.

Một nguyên nhân khác phải kể đến là ngôn ngữ và phong cách giao tiếp. Tiếng Italy là một trong những ngôn ngữ đòi hỏi nhiều sự biểu cảm, đặc biệt là việc sử dụng ngôn ngữ hình thể. Điều này khiến nguy cơ lây nhiễm từ người này sang người kia là rất cao. Văn hóa Italy cũng chuộng các hành động thân thiết khi giao tiếp, vô tình khiến người dân nước này trở nên nhạy cảm hơn với dịch COVID-19. 

Về chính sách, Italy là quốc gia đi đầu ở châu Âu trong việc tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, đã nới lỏng chính sách nhập cư và xin thị thực du lịch của người Trung Quốc từ năm 2014.

Điều này khiến Italy trở thành cửa ngõ đến châu Âu của nhiều người Trung Quốc. Khi dịch bùng phát, Chính phủ Italy cũng lúng túng và không dứt khoát trong cách xử lý như cấm tụ tập đám đông, nhưng lại vẫn cho các sân bay và ga tàu hoạt động bình thường. Dù Italy đã ngưng các chuyến bay từ Trung Quốc, nhưng người Trung Quốc đã đến Italy từ trước và ngay cả sau khi lệnh này được ban hành bằng cách đi qua một nước thứ ba. Đây là một nguồn lây nhiễm khó kiểm soát. Nguyên nhân cuối cùng chính là khí hậu.

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc, SARS-CoV-2 rất nhạy cảm với nhiệt độ và lây lan tốt nhất ở môi trường 9 độ C. Italy vừa bước qua mùa đông từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 2 năm nay và đang có nhiệt độ trung bình từ 7 - 14 độ C. Đây là dải nhiệt độ lý tưởng cho COVID-19.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 1/-3, Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã cảnh báo “nguy cơ cao” hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh bị quá tải do dịch viêm đường hô hấp COVID-19.

Nhiều quan chức trên thế giới nhiễm COVID-19

Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton ngày 13/3 cho biết, ông có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hiện ông đã nhập viện để cách ly và điều trị. Theo Bộ trưởng Dutton, ông đã bị sốt và đau họng khi ngủ dậy vào buổi sáng. 

Ngay sau đó, ông đã liên hệ với Cơ quan y tế bang Queensland và đã được lấy mẫu xét nghiệm. Cùng ngày, Chính phủ Canada thông báo kết quả xét nghiệm cho thấy phu nhân Thủ tướng nước này, bà Sophie Grégoire Trudeau, đã dương tính với COVID-19.

Trước đó, hôm 12/3, Thư ký báo chí của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, nhận được kết quả dương tính với COVID-19. Hiện tại sức khỏe của Tổng thống Bolsonaro cũng đang được theo dõi chặt chẽ. Cùng ngày, ông Ali Akbar Velayati, cố vấn hàng đầu của Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei, là quan chức mới nhất ở Iran dương tính với COVID-19.

Trước ông Ali Akbar Velayati, ông Seyed Mohammad Mir-Mohammadi, thành viên hội đồng cố vấn cho Lãnh tụ tối cao Iran, đã tử vong vì dịch COVID-19. Tại Đức, một một nghị sĩ quốc hội liên bang của đảng đoàn Dân chủ Tự do (FDP) cũng đã bị nhiễm COVID-19.

Theo thông tin mới nhất, ngày 13/3, một thành viên trong phái bộ Philippines tại Liên hợp quốc (LHQ) đã dương tính với COVID-19. Đây là ca nhiễm bệnh đầu tiên được xác nhận tại các trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. (Minh Hải)

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.