Nga và phương Tây lại căng thẳng vì vấn đề Iran

Thứ Năm, 31/03/2016, 08:42
Trước việc một số nước phương Tây đồng loạt lên án các vụ thử tên lửa mới đây của Iran, ngày 30-3, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố các vụ thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Tehran không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Vụ trưởng Vụ Không phổ biến và Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Ulyanov khẳng định: “Nghị quyết (của LHQ) không cấm (các vụ thử tên lửa kiểu này)”.

Trước đó, ngày 29-3, Mỹ và các đồng minh phương Tây, gồm Anh, Pháp và Đức, đã gửi một bức thư tới Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Đại sứ Tây Ban Nha tại LHQ Roman Oyarzun Marchesi trong đó nhấn mạnh, với việc phóng tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, Iran đã vi phạm Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ – nghị quyết yêu cầu Iran không tiến hành “bất cứ hoạt động nào” liên quan tới tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Những nước này yêu cầu HĐBA LHQ xem xét “những phản ứng phù hợp” trước việc Iran không tôn trọng các cam kết. 

Tây Ban Nha là nước điều phối các cuộc thảo luận của HĐBA LHQ về Nghị quyết 2231. Tuy nhiên, “những phản ứng phù hợp” này dường như không bao gồm các lệnh trừng phạt mới với Iran, bởi một số điểm trong Nghị quyết 2231 có thể được diễn giải theo những cách khác nhau. 

Chính vì thế, trong bức thư gửi trên, Mỹ và các nước đồng minh đã tránh nhắc tới cụm từ “vi phạm” nghị quyết mà chỉ “bày tỏ lo ngại khi các nhà lãnh đạo quân sự Iran tuyên bố, những tên lửa này nhằm đe dọa trực tiếp Israel”.

 
Một vụ phóng thử tên lửa của Iran.

Về phía LHQ, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cảnh báo cần phải rất cẩn trọng trong việc áp đặt những lệnh trừng phạt mới đối với Iran. Trong khi đó, Iran tuyên bố tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, bất chấp các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào các công ty của Tehran bị cáo buộc liên quan tới chương trình này. 

Chỉ huy lực lượng Không gian vũ trụ thuộc lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, ngày 28-3 khẳng định chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran “sẽ không ngừng lại”. Tuyên bố của giới chức quân sự cấp cao Iran được đưa ra trong bối cảnh trước đó một ngày, Tổng thống nước này Hassan Rouhani tuyên bố sẽ theo đuổi bất kỳ biện pháp nào để tăng cường sức mạnh quốc phòng, đồng thời khẳng định chương trình tên lửa là một chính sách chiến lược của Tehran.

Hôm 24-3 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo áp đặt trừng phạt 2 doanh nghiệp của Iran là Shahid Nuri và Shahid Movahed, thuộc Tập đoàn công nghiệp Shahid Hemmat, với cáo buộc cung cấp nhiên liệu cho chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran. Theo đó, hai doanh nghiệp này sẽ bị cô lập khỏi hệ thống tài chính quốc tế. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt trừng phạt đối với Bộ chỉ huy lực lượng tên lửa Al-Ghadir thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), bị cho là đã chỉ đạo hoạt động tên lửa đạn đạo của Iran. Phản ứng trước hành động này của Mỹ, chỉ hai ngày sau, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã tuyên bố rằng, Tehran sẽ đáp trả các biện pháp mới đây của Mỹ chống Iran bằng cách tăng cường hơn nữa năng lực tấn công của các tên lửa do nước này tự nghiên cứu, phát triển. 

Quan chức đứng đầu ngành ngoại giao Iran nói rằng, không có hạn chế nào trong việc phát triển tên lửa của nước này vì chúng không có bất cứ mối liên quan gì tới vũ khí hạt nhân. 

Trước đó, phát biểu khi đang ở thăm Australia, Ngoại trưởng Zarif khẳng định, các vụ thử tên lửa mới của Iran không phải nhằm mục đích gây hấn dù đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại và thúc đẩy một cuộc họp của 15 nước thuộc HĐBA LHQ. 

Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran nhấn mạnh: “Những tên lửa này thậm chí không nằm trong điều khoản 2231 và việc thử nghiệm chúng không hề bất hợp pháp”, và nói thêm rằng: “Iran sẽ không bao giờ sử dụng bất kỳ vũ khí gì để tấn công bất cứ quốc gia nào, bao gồm cả tên lửa của chúng tôi. Chúng chỉ là dành cho mục đích tự vệ. Tôi thách thức những ai phàn nàn về chương trình thử nghiệm hạt nhân của Iran… có thể đưa ra được tuyên bố như vậy”. 

Đồng quan điểm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari nhấn mạnh: “Để phù hợp với sắc lệnh của Tổng thống Hassan Rouhani, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ đáp trả “bất cứ biện pháp quấy rối nào của Mỹ” bằng việc thúc đẩy sức mạnh tên lửa”. 

Ông Ansari nêu rõ năng lực phòng thủ của Tehran là một yếu tố quan trọng để duy trì ổn định và an ninh trong khu vực, và chương trình tên lửa của Iran “hoàn toàn vì mục đích hòa bình”, chỉ nhằm để bảo vệ chủ quyền và bảo vệ lãnh thổ cũng như chống các phần tử khủng bố và cực đoan. Do đó, “không biện pháp nào có thể tước đi quyền chính đáng và hợp pháp của Iran thúc đẩy khả năng phòng vệ và đảm bảo an ninh quốc gia”.

Khổng Hà
.
.
.