Nga và Saudi Arabia xích lại gần nhau trong chuyến thăm lịch sử

Chủ Nhật, 08/10/2017, 07:05
Ngày 7-10, Quốc vương Saudi Arabia Salman Abdulaziz Al-Saud đã kết thúc chuyến thăm chính thức Nga kéo dài 4 ngày (từ 4 đến 7-10).

Đây là chuyến thăm lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương của một Quốc vương Saudi Arabia đương nhiệm tới Nga và được đánh giá là một bước dịch chuyển chiến lược vì nó mở ra những “chân trời” hợp tác mới giữa hai nước, vốn là hai đối thủ cạnh tranh quyết liệt trên thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới và từng ở “hai bên chiến tuyến” trong nhiều cuộc khủng hoảng khu vực và quốc tế.

Phát biểu trong cuộc hội đàm quan trọng với Quốc vương Salman, Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin khẳng định, chuyến thăm của người đứng đầu nhà nước Saudi Arbia đánh dấu mốc quan trọng và tạo động lực mạnh mẽ mới thúc đẩy phát triển mối quan hệ song phương.

Người đứng đầu Điện Kremlin cảm ơn Quốc vương Salman đã nhận lời mời đến thăm Nga và nhấn mạnh rằng, đó là chuyến thăm đầu tiên của một vị Quốc vương Saudi Arabia đương nhiệm tới Nga trong lịch sử quan hệ hai nước và là một sự kiện rất có ý nghĩa.

Về phần mình, Quốc vương Salman nhấn mạnh rằng, quan điểm Moscow và Riyadh về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế là rất trùng khớp và rằng có nhiều cơ hội lớn để mở rộng và đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Cụ thể, Saudi Arabia sẵn sàng “tiếp tục hợp tác một cách tích cực” với Nga để “đạt được sự ổn định trên thị trường dầu mỏ thế giới”, từ đó đóng góp vào sự tăng trường của nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Nga (phải) và Quốc vương Saudi Arabia tại Moscow ngày 5-10. Ảnh: Reuters.

Những tuyên bố của hai nhà lãnh đạo đã ngay lập tức được chứng minh bằng hành động khi 14 văn kiện hợp tác được 2 bên ký kết trong chuyến thăm này, trong đó có Hiệp định hợp tác về nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình, Chương trình hiện thực hóa hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân…

Bên cạnh đó, hai bên còn thương thảo những hợp đồng cung cấp vũ khí lớn, bao gồm cả việc Saudi Arabia mua tổ hợp tên lửa tiên tiến S-400 của Nga… Điều đó cho thấy triển vọng mở rộng quan hệ kinh tế giữa 2 cường quốc dầu mỏ thế giới là hết sức to lớn.

Bên cạnh những lĩnh vực trên, chuyến công du sang Nga của Quốc vương Saudi Arabia cho thấy Moscow đã chứng tỏ được sự hiện diện của mình ở Trung Đông, đồng thời thể hiện được tầm quan trọng về vị thế chính trị của Saudi Arabia trong kết nối giữa Nga với thế giới Arab.

Đối với Saudi Arabia, khu vực Trung Đông đang mất cân bằng một cách nguy hiểm vì Mỹ đã giảm dần sự hiện diện trong khu vực, còn Iran thì đang tăng cường ảnh hưởng của mình. Trong bối cảnh đó, Nga rõ ràng là một đối tác rất “thuận tiện”, vừa có thể lấp chỗ trống Mỹ để lại, vừa có thể kiềm chế Iran.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia đang thực hiện kế hoạch cải cách “Tầm nhìn năm 2030”, với trọng tâm là tiến hành tư nhân hóa công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Aramco, đa dạng hóa nền kinh tế đang phụ thuộc rất nhiều vào khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế với mục tiêu tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong nước cũng như mở rộng đầu tư vào những dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng và công nghệ trên toàn thế giới.

Chưa hết, với vai trò là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và cũng là nước có tiếng nói quan trọng hàng đầu trong khu vực Trung Đông, Saudi Arabia luôn muốn khẳng định vị thế của mình. Còn về phía Nga, việc tăng cường quan hệ với Saudi Arabia còn mang nhiều ý nghĩa hơn. Để giải quyết có hiệu quả các cuộc xung đột tại Trung Đông, trong đó có Syria, Moscow cần phải có sự giúp đỡ của Riyadh. Hòa bình ở “chảo lửa” Trung Đông được lập lại thì vai trò và vị trí của Nga ở khu vực càng gia tăng.

Saudi Arabia cũng là thị trường “béo bở” đối với hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Nga là vũ khí và sản phẩm nông nghiệp. Việc siết chặt quan hệ với Saudi Arabia cũng là một giải pháp khả thi giúp Moscow thoát khỏi thế bao vây cấm vận của phương Tây.

Tựu trung lại, lợi ích quốc gia đang khiến Nga và Saudi Arabia xích lại gần nhau. Việc hai nước hợp tác không chỉ có lợi cho Moscow và Riyadh, mà còn mở ra cơ hội giúp giải quyết nhiều vấn đề quốc tế nóng hiện nay, đặc biệt là khu vực Trung Đông. “Chảo lửa” này sẽ chứng kiến những bước chuyển dịch chiến lược nhờ cái bắt tay giữa 2 quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực trong thời gian tới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.