Nga tuyên bố không coi Mỹ là đối tác có thể đàm phán

Thứ Ba, 07/07/2020, 09:26
Quan chức ngoại giao Nga cho hay Moscow không còn coi Washington là một đối tác có khả năng đàm phán và mất niềm tin vào phía Mỹ vì liên tục rút khỏi các thỏa thuận quốc tế.

"Chúng tôi không coi Mỹ là một đối tác có thể đàm phán. Chúng tôi đã mất niềm tin vào Washington với tư cách là một bên tham gia kí kết. (Nga và Mỹ) cần bắt đầu khôi phục niềm tin dần dần và điều này phải được thực hiện thông qua các bước đi chiến thuật nhỏ", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 6/7 nói với truyền thông, TASS đưa tin.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: TASS

Theo lời quan chức Nga, Mỹ những năm qua "liên tục tháo dỡ và phá hủy các cơ chế và cấu trúc, nằm trong mối quan hệ giữa Moscow và Washington". Gần đây, Mỹ đã ném thẳng tay các hiệp ước và thỏa thuận vào thùng rác của lịch sử. "Đó là một những diễn biến đáng tiếc", Ryabkov nói.

Phát biểu được ông Ryabkov đưa ra trong bối cảnh Nga đang hối thúc Mỹ không rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, vốn có vai trò quan trọng trong tăng cường niềm tin giữa Nga và các nước phương Tây thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Hôm 6/7, các thành viên còn lại của Hiệp ước Bầu trờ Mở đã tổ chức họp về tác động của việc Mỹ sắp từ bỏ thỏa thuận này. Ông Ryabkov nói rằng các nước còn lại, bao gồm các đồng minh của Mỹ, khẳng định họ không có ý muốn rút khỏi văn kiện.

Trước đó, ông Ryabkov từng cảnh báo việc Mỹ rút khỏi các hiệp ước như Bầu trờ Mở "sẽ kích hoạt hiệu ứng domino, phá hủy hoàn toàn một trong những thỏa thuận quân sự chủ chốt nhằm xây dựng lòng tin giữa các nước thời hậu Chiến tranh Lạnh".

Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992, có hiệu lực năm 2002 nhằm thúc đẩy tính minh bạch về hoạt động quân sự. Theo hiệp ước, 35 quốc gia thành viên có quyền tiến hành các chuyến bay giám sát theo lịch báo trước trên không phận của nhau.

Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ rời hiệp ước với lý do Nga vi phạm thỏa thuận, dù không đưa ra bằng chứng xác đáng. Quan chức Nhà Trắng cho biết quá trình rút khỏi hiệp ước sẽ hoàn tất trong 6 tháng, giống như Mỹ từng làm với Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Phía Mỹ cũng nói rằng họ có thể cân nhắc lại khả năng rút khỏi văn kiện, song Nga hoài nghi khả năng Washington trở lại hiệp ước và cho rằng tuyên bố "cân nhắc lại" chỉ là chiêu trò. Các thành viên NATO nhiều lần hối thúc Mỹ duy trì thỏa thuận do lo ngại Nga sẽ rút khỏi hiệp ước để đáp trả, từ đó gây phương hại tới tình hình an ninh ở châu Âu.

Thiện Nhân
.
.
.