Nga không phải “đội cứu hỏa” để cứu JCPOA!

Thứ Sáu, 17/05/2019, 08:18
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15-5 khẳng định, Nga không phải “đội cứu hỏa” để có thể một mình “chữa cháy” thỏa thuận hạt nhân Iran, với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đang bên bờ vực sụp đổ. Ông cho rằng, Mỹ là nguyên nhân khiến thỏa thuận sụp đổ trong khi các nước Liên minh châu Âu (EU) thì không có phản ứng gì.


JCPOA nên được duy trì

Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra sau cuộc gặp với người đồng cấp Austria Alexander Van der Bellen, Tổng thống Vladimit Putin nhận định: “Nga không phải đội cứu hỏa, chúng tôi không thể đi khắp nơi và cứu mọi thứ vốn không hoàn toàn phụ thuộc vào chúng tôi” và nói thêm rằng một tuyên bố như vậy có lẽ sẽ khiến những người bạn châu Âu của chúng tôi “không vừa tai”.

Nga tin rằng, JCPOA nên được duy trì song Moscow cũng khẳng định thỏa thuận này chỉ có thể cứu vãn bằng những nỗ lực của tất cả các bên. Người đứng đầu Điện Kremlin đã đổ lỗi sự sụp đổ của JCPOA là do Mỹ và chỉ trích EU khi các nước này không thực sự làm gì để cứu vãn thỏa thuận.

“Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận, thỏa thuận thì đang sụp đổ và các nước châu Âu không làm bất cứ điều gì để cứu vãn nó, cũng như không hề hợp tác với Iran hay bồi thường những thiệt hại kinh tế cho nước này”, ông nhấn mạnh.

Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng cho rằng, Iran sẽ không có lợi khi rời khỏi thỏa thuận hạt nhân: “Tôi đã nhiều lần nói với các đối tác Iran rằng, theo quan điểm của tôi, Tehran nên tiếp tục duy trì thỏa thuận dù điều gì xảy ra. Iran có thể tiến hành các biện pháp trả đũa về việc Mỹ rời khỏi JCPOA hoặc nói rằng nước này cũng sẽ có động thái tương tự nhưng nếu làm vậy, ngày mai mọi người sẽ quên rằng Mỹ chính là nước khơi mào mọi chuyện và đổ hết lỗi cho Iran”.

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremli Dmitry Peskov nhấn mạnh Nga và EU cho rằng các bên ký JCPOA phải thực thi đầy đủ đến cùng các cam kết trong thỏa thuận và nỗ lực duy trì thỏa thuận này. Ông Dmitry Peskov cũng chỉ trích việc Mỹ gây sức ép đối với Iran, cho rằng “chính sách gây sức ép tối đa khiến một nước bị dồn vào chân tường” và không khuyến khích hợp tác, theo đó tiến trình thương lượng cũng như giải quyết vấn đề sẽ đi đến bế tắc.

Những tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin được đưa ra không lâu sau khi Hãng thông tấn ISNA của Iran dẫn một nguồn thạo tin trong Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran cho biết Tehran đã chính thức ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận JCPOA.

Cụ thể, Iran đã bắt đầu tăng kho dự trữ urani làm giàu thấp và nước nặng. Một quan chức cấp cao của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran cho biết biện pháp này được thực hiện theo lệnh của Hội đồng An ninh Quốc gia Iran. Hồi tuần trước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố nước này sẽ ngừng tuân thủ một số nghĩa vụ theo thỏa thuận, đồng thời sẽ nối lại các hoạt động làm giàu urani và nâng cấp lò phản ứng Arak nếu các bên liên quan không tôn trọng các cam kết đã đưa ra.

Ông Hassan Rouhani tuyên bố cho các quốc gia còn lại (P4+1, gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) còn 60 ngày để thực hiện nghĩa vụ ngân hàng và dầu mỏ đối với Iran. Cùng ngày, phát biểu tại Tokyo trong chuyến thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố nước này đang thể hiện sự “kiềm chế tối đa”, bất chấp việc Mỹ rút khỏi JCPOA, đồng thời cáo buộc Washington có hành động leo thang căng thẳng “không thể chấp nhận”.

Ông nhấn mạnh: “Hành động leo thang căng thẳng của Mỹ là không thể chấp nhận. Chúng tôi đã thể hiện sự kiềm chế tối đa, bất chấp sự thật là Mỹ đã rút khỏi JCPOA hồi tháng 5 năm ngoái”. Ngoại trưởng Iran nói thêm rằng Tehran vẫn “cam kết” duy trì JCPOA, khẳng định những đánh giá cho thấy Tehran vẫn tuân thủ thỏa thuận đa phương này.

Hạ nhiệt tránh chiến tranh

Mỹ và Iran trong những ngày gần đây đều đã có những động thái “hạ nhiệt” căng thẳng. Về phía Mỹ, hôm 14-5 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng bác bỏ thông tin từ tờ The New York Times (NYT) cho rằng nước này đang chuẩn bị kế hoạch triển khai 120.000 quân tới Trung Đông để đối phó với việc Iran tấn công vào các lợi ích của Washington hay việc quốc gia Trung Đông này đẩy mạnh các chương trình phát triển hạt nhân.

Ông khẳng định, thông tin được tờ NYT đăng tải trước đó là không chính xác: “Tôi nghĩ đó là một tin giả. Tôi hoàn toàn có thể làm điều đó, nhưng chúng tôi chưa có kế hoạch nào như vậy. Hy vọng rằng chúng tôi sẽ không phải đưa ra kế hoạch đó. Nhưng nếu chúng tôi làm điều đó, chúng tôi sẽ gửi một lượng quân lớn hơn thế. Thông tin đăng tải trên Thời báo New York là giả”.

Trong khi đó, từ Nga, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng khẳng định, Mỹ không “mưu cầu” 1 cuộc chiến với Iran, song nếu bị tấn công, Mỹ sẽ có đáp trả tương ứng. Còn lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schummer cho biết, báo cáo của tờ NYT đưa ra là “khó hiểu và đáng báo động”, bởi con số 120.000 quân là con số rất lớn mà Mỹ từng triển khai tới Trung Đông vào thời điểm xảy ra chiến tranh với Iraq.

“120.000 quân ở Trung Đông ư? Báo cáo này hoàn toàn khó hiểu và đáng báo động. Chiến lược ở đây là gì? Chính quyền Mỹ mới chỉ bắt đầu chiến dịch gây áp lực tối đa với Iran thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế. Tại sao chúng ta cần tăng quân để đối phó với Iran ngay bây giờ.

Và tại sao lại là một con số lớn như vậy, tương tự với tổng số quân Mỹ tới Iraq vào những thời điểm quan trọng”, ông Schummer nói. Đáp lại, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cũng tuyên bố Tehran không tìm kiếm bất kỳ một cuộc chiến tranh nào với Washington.

Phát biểu trước các quan chức cấp cao, Đại giáo chủ Iran cho biết, Iran đã và sẽ chỉ lựa chọn con đường kháng chiến, tức là chống lại một cuộc chiến. Lãnh tụ Iran nhận định, Mỹ hiện cũng không tìm kiếm một cuộc chiến với nước này, bởi Washington hiểu được, chiến tranh không đem lại lợi ích cho họ.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, căng thẳng giữa Mỹ và Iran khó có thể leo thang thành một cuộc chiến. Nhà nghiên cứu người Nga Vladimir Sazhin cho rằng, những động thái của cả Mỹ và Iran hiện nay chỉ dừng lại ở cuộc chiến tâm lý và nó sẽ không đi xa vì cả Mỹ và Iran đều hiểu nó sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp. Ông nêu rõ: “Không ai chiến thắng và một cuộc chiến lớn sẽ là thảm họa đối với Trung Đông”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.