Nga cảnh báo khủng hoảng tên lửa mới ở châu Âu

Thứ Năm, 29/10/2020, 13:35
Nga hối thúc châu Âu nghiên cứu kĩ lưỡng sáng kiến của Nga về việc không triển khai trên thực địa tên lửa tầm trung, hoặc là Moscow sẽ có bước đi cứng rắn để đảm bảo khả năng răn đe.


"Chúng tôi thúc giục (châu Âu) ít nhất hãy nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng sáng kiến ​​của Nga… Chúng tôi sẵn sàng làm việc theo tinh thần xây dựng nhằm giảm thiểu hậu quả tiêu cực từ sự sụp đổ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)", Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/10 phát thông điệp, TASS đưa tin.

Tên lửa hành trình của Nga được khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Getty

Từ khi INF đổ vỡ hồi năm ngoái, Nga nhiều lần cảnh báo châu Âu cân nhắc kĩ lưỡng việc không triển khai tên lửa tầm trung, hoặc Moscow sẽ có bước đi phù hợp để duy trì khả năng răn đe hạt nhân chiến lược.

Hôm 26/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu sáng kiến đề nghị châu Âu và các nước NATO không để Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực và Nga cũng sẽ không triển khai tên lửa chiến lược Novator 9M729, nhằm ngăn nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tên lửa mới ở châu Âu.

Ông Putin tái khẳng định việc Mỹ rút khỏi INF trước là một "sai lầm nghiêm trọng" có thể kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân khốc liệt mới. Tuy nhiên, phía Đức sau đó cho rằng "không có gì mới mẻ" trong sáng kiến ​​của Nga.

"Chúng tôi mong đợi các thành viên NATO, đặc biệt là Đức, thể hiện trách nhiệm", phía Nga nhấn mạnh thêm trong thông cáo hôm 28/10.

INF được Mỹ ký với Liên Xô, nay là Nga từ năm 1987, cấm hai nước sản xuất, triển khai tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km. Năm ngoái, Mỹ cáo buộc Nga triển khai tên lửa hành trình 9M729 Novator có tầm bắn hơn 500km rồi lấy đây làm cớ chính thức rút khỏi thỏa thuận từ ngày 2/8.

Nga bác cáo buộc của Mỹ, cho rằng chính Washington đã vi phạm INF khi triển khai bệ phóng Aegis Ashore MK-41 tới châu Âu, vốn có thể sử dụng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk phiên bản mặt đất. Sau khi Mỹ rút khỏi INF, Nga có động thái tương tự để trả đũa.

Về tên lửa 9M729, đây là phiên bản mặt đất được nâng cấp của hệ thống tên lửa Kalibr-NK, với tầm bắn có thể điều chỉnh trong khoảng 400-5.000km. Trước khi Mỹ rút khỏi INF, Nga khẳng định tầm bắn của 9M729 được duy trì ở mức dưới 500km. Khi INF sụp đổ, các chuyên gia cho rằng Nga có thể tăng tầm bắn của 9M729.

Tên lửa 9M729 được cho sở hữu hệ thống dẫn đường chủ động, hành trình bay phức tạp, sức công phá lớn và được khai hỏa từ xe phóng di động Iskander-M. Moscow đã triển khai một số hệ thống Iskander ở Kaliningrad – vùng lãnh thổ của Nga nằm giữa Litva và Ba Lan.

Thiện Nhân
.
.
.