Nga cảnh báo Mỹ làm “lung lay” cấu trúc an ninh toàn cầu

Thứ Tư, 07/08/2019, 08:47
Điện Kremlin ngày 6-8 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, những hành động của Mỹ nhằm hủy bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) chắc chắn sẽ làm lung lay toàn bộ cấu trúc an ninh toàn cầu hiện nay, bao gồm cả Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).


Ông cũng khẳng định Nga không đơn phương triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

Lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới

Người đứng đầu Điện Kremlin tuyên bố, việc Mỹ đơn phương rút khỏi INF với cái cớ ngụy tạo, đã phá hủy một trong những văn kiện nền tảng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, làm phức tạp nghiêm trọng tình hình trên thế giới, tạo ra nhiều rủi ro lớn cho mọi quốc gia. 

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Mỹ đã từ chối thảo luận thấu đáo vấn đề an ninh quốc tế và gạt bỏ nỗ lực trong nhiều năm qua nhằm giảm nguy cơ xảy ra xung đột quân sự quy mô lớn, kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân. Moscow không thể xem thường tình hình hiện nay. 

Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, cùng Cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR) theo dõi sát các động thái tiếp theo của Mỹ về phát triển, sản xuất và triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong trường hợp nhận được thông tin chính xác về việc Washington đã hoàn tất việc phát triển và bắt đầu sản xuất các hệ thống tên lửa này, Moscow sẽ buộc phải bắt tay vào phát triển toàn diện các tên lửa tương tự. 

Tuy nhiên, người đứng đầu nước Nga nêu rõ những bước đi của Moscow chỉ mang tính đáp trả, chứ không phải hành động đơn phương. Nga sẽ không triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại những khu vực mà Mỹ không triển khai các loại tên lửa tương tự. 

Theo Tổng thống Nga, những hành động của Mỹ nhằm hủy bỏ INF chắc chắn sẽ làm lung lay toàn bộ cấu trúc an ninh toàn cầu hiện nay, bao gồm cả hai Hiệp ước là START và NPT. Kịch bản như thế cũng đồng nghĩa với việc tái diễn cuộc chạy đua vũ trang mới không kiểm soát được. 

Để tránh sự hỗn loạn của tình trạng không có luật lệ, hạn chế và luật pháp, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, cần phải nhanh chóng khôi phục đàm phán đầy đủ về bảo đảm ổn định và an ninh chiến lược (giữa Nga và Mỹ), trên cơ sở đối thoại nghiêm túc một cách rõ ràng và thực chất, và Moscow sẵn sàng cho các cuộc đàm phán như vậy.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev, nhấn mạnh các đồng minh của Mỹ - vốn cho phép Washington bố trí tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên lãnh thổ các nước này - đang nhất trí trở thành một mục tiêu hạt nhân tiềm tàng. 

Ông giải thích: “Chúng tôi cần nói rõ ràng, trước khi chiến dịch tuyên truyền bắt đầu lu loa “Tại sao lại là chúng tôi? Chúng tôi đã cho phép Mỹ bố trí tên lửa trên lãnh thổ của chúng tôi, nhưng các tên lửa này lại nhằm mục tiêu đích xác vào các phần tử khủng bố”. Không, điều này sẽ không hiệu quả. Những nước này nhất trí bố trí tên lửa một cách tự động và sẵn sàng trở thành mục tiêu hạt nhân chỉ sau vài phút triển khai”.

Mỹ nên thảo luận với cả Nga và Trung Quốc

Các chuyên gia đánh giá rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF sẽ gây ra thêm nhiều bất ổn cho an ninh quốc tế. Ông William Perry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng “Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF ngày hôm nay là một đòn giáng lớn đối với việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và an ninh toàn cầu, chúng ta đang 'mộng du' bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới”. 

Trong khi đó, ông Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, nói: “Hiệp ước INF đổ vỡ mà không có kế hoạch kiểm soát vũ khí nào thay thế có thể sẽ mở ra cánh cửa dẫn tới một kỷ nguyên nguy hiểm của cạnh tranh quân sự không bị kiểm soát với Nga”. 

Trên thực tế, những lo ngại này không phải bị thổi phồng. Nhiều giờ sau khi thông báo rút khỏi Hiệp ước INF, Lầu Năm Góc đã tuyên bố rằng, Mỹ sẽ triển khai đầy đủ các tên lửa thông thường được phóng từ mặt đất. 

Ông Daryl cảnh báo: “Các tên lửa từng bị cấm theo hiệp ước INF, dù có khả năng hạt nhân hay chỉ là các tên lửa thông thường, đang gây rất bất ổn bởi chúng có thể tấn công các mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ của Nga và ở Tây Âu với rất ít hoặc không có cảnh báo nào. Khả năng tấn công mục tiêu trong một thời gian ngắn làm tăng rủi ro xảy ra tính toán sai lầm trong thời điểm xảy ra khủng hoảng”. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ quan ngại rằng với sự kết thúc của Hiệp ước INF, thế giới đã mất đi một “chiếc phanh” vô giá để ngăn cản chiến tranh hạt nhân. 

Ngoài ra, quyết định rút khỏi Hiệp ước INF của Washington làm dấy lên lo ngại về số phận của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START Mới), vốn sẽ hết hạn vào năm 2021. 

Cho tới nay chính phủ Mỹ không có dấu hiệu gì là sẽ gia hạn START Mới, hiệp ước nhằm hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân tầm xa và thiết bị phóng của Mỹ và Nga.

Rõ rằng, kể từ khi Hiệp ước INF được ký kết, Nga và Mỹ đã cắt giảm khoảng 80% kho vũ khí hạt nhân của mình. Tuy nhiên, những thành tựu mang tính lịch sử này hiện đang đứng trước rủi ro sẽ không còn nữa. Một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới đã đang diễn ra, được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng công nghệ diễn ra với tốc độ rất nhanh, căng thẳng Nga-Mỹ dâng cao, và công cuộc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. 

Trên hết, những nỗ lực ngăn chặn phổ biến hạt nhân đang sụt giảm, khi CHDCND Triều Tiên tăng cường các khả năng hạt nhân của mình, thỏa thuận hạt nhân với Iran đã không còn, và các cường quốc hạt nhân khác vẫn nằm ngoài các cơ chế kiểm soát. 

Trong bối cảnh đang rất cần những nỗ lực kiểm soát vũ khí mạnh mẽ và đầy sáng tạo để kiểm soát cả những hệ thống và công nghệ mới, thì Mỹ và Nga lại đi theo hướng ngược lại. Tuy nhiên, CFR - một cơ quan nghiên cứu độc lập của Mỹ - cho rằng vẫn có thể đạt được một số tiến triển. 

Bước đi đầu tiên là cả Mỹ và Nga cần gia hạn Hiệp ước START Mới thêm 5 năm, không cần yêu cầu cắt giảm thêm kho vũ khí mà chỉ cần duy trì như hiện nay. Ngoài ra, Mỹ nên theo đuổi các cuộc thảo luận song phương với cả Nga và Trung Quốc để giảm khả năng xảy ra tính toán sai lầm. Những cuộc thảo luận này cũng cần giải quyết những tác động gây bất ổn tình hình của các công nghệ tiên tiến hiện nay.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.