Nga: Giấc mộng về một thế giới đơn cực của Mỹ sẽ không thành hiện thực

Thứ Hai, 22/10/2018, 07:40
Nga lên tiếng phê phán Mỹ sau khi Tổng thống Trump rút Washington khỏi hiệp ước tên lửa tầm trung, đồng thời nhấn mạnh Moscow sẽ đáp trả hành động này bằng các biện pháp quân sự.

"Động lực chính khiến Washington rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) chính là giấc mộng về một thế giới đơn cực, trong đó chỉ có một siêu cường là Mỹ. Tuy nhiên, điều này sẽ không được phép xảy ra", RT dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao Nga ngày 21-10 tuyên bố.

Một tên lửa của Nga được khai hoả trong tập trận. Ảnh: TASS

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-10 bất ngờ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF, với cáo buộc rằng Nga vi phạm thỏa thuận này bằng việc phát triển tổ hợp tên lửa Novator 9M729 với tầm bắn tới 5.000 km.

Moscow nhiều lần bác bỏ lời buộc tội này. Theo quan chức ngoại giao Nga, Moscow cũng từng vài lần công khai phê phán các chính sách của Mỹ hướng tới hủy bỏ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hủy diệt của Washington.

"Chính phủ Mỹ đã tiến tới quyết định này trong nhiều năm qua bằng cách từng bước phá hoại nền tảng thỏa thuận", quan chức Nga cho hay, nhấn mạnh cáo buộc từ phía Washington chỉ là cái cớ hợp thức hoá việc đơn phương rời bỏ INF.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố: "Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi INF là bước đi rất nguy hiểm. Nga không còn cách nào ngoài áp dụng các biện pháp đáp trả trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự".

Thứ trưởng Ryabkov khẳng định Washington mới là bên vi phạm INF, nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tận dụng hiệp ước này để đe dọa Moscow và đẩy an ninh thế giới vào vòng nguy hiểm.

HIệp ước INF được Mỹ kỹ với Liên Xô, nay là Nga, vào năm 1987. Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực từ năm 1988, quy định hai bên không được phép phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km và giới hạn các loại tên lửa sẵn có.

Tuy nhiên, Nga và Mỹ vài năm nay lên tục cáo buộc bên kia vi phạm hiệp ước. Gần đây, hồi tháng 8, Moscow đã bày tỏ quan ngại về việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, cụ thể là Romania và sau đó là Ba Lan vì các hệ thống này có thể sử dụng để phóng tên lửa hành trình tấn công có tầm bắn 2.500km.

Thiện Minh
.
.
.