(NÓNG TRONG TUẦN) Mỹ rối bời trước bầu cử, Nga tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh

Thứ Hai, 29/10/2018, 07:53
Nước Mỹ trải qua một tuần rối bời vì một loạt vụ tấn công, gửi bom thư có liên quan đến tôn giáo, chính trị; Nga tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh với Mỹ; và việc Trung Quốc - Nhật Bản quyết tâm "đảo chiều quan hệ" để tránh "bão" từ Washington... là những tin tức đáng chú ý nhất tuần qua.

Nước Mỹ "rối như tơ vò" trước bầu cử giữa kỳ

Nước Mỹ đã trải qua một tuần rồi bời, khi mà hàng loạt cuộc tấn công liên quan đến vấn đề tôn giáo và quan điểm chính trị nổ ra vào thời điểm nhạy cảm, khiến hàng chục người thiệt mạng và gây hoang mang tột độ cho người dân trên khắp nước Mỹ.

Vào ngày 24-10, một người đàn ông da trắng với tiền án bạo lực đã bắn và giết chết hai người Mỹ gốc Phi, dường như là ngẫu nhiên, tại một cửa hàng Kroger tại Kentucky, sau một nỗ lực tấn công vào một nhà thờ của người da màu không thành công.

Nghi phạm vụ gửi bom thư ở Mỹ. Ảnh: ITN

Một ngày sau, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã xác nhận một loạt thư chứa vật nghi là bom đã được gửi đến một loạt chính trị gia đối lập với Tổng thống Donald Trump như cựu Tổng thống Obama, cựu Tổng thống Hilary Clinton,... dấy lên một làn sóng chỉ trích vô cớ nhằm vào ông chủ Nhà Trắng.

Đầu kì nghỉ cuối tuần, sáng 27-10, một người đàn ông hét to khẩu hiệu chống Do Thái và cứ thế nã đạn vào một nhà nguyện của ngươi Do Thái tại Pittsburgh, khiến 11 người mất mạng khi đang tiến hành một nghi lễ truyền thống. Vụ xả súng cũng khiến không khí tang thương bao trùm cả nước Mỹ trong những ngày cuối tuần.

Chỉ còn 10 ngày nữa đến kỳ bầu cử giữa kỳ, đợt sát hạch quan trọng với chính quyền Tổng thống Donald Trump, các sự kiện như vừa rồi được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của cử tri Mỹ, nhưng không ai dám chắc là theo hướng nào.

Đoàn người di cư dài như vô tận tiến về biên giới Mỹ. Ảnh: Reuters

Được biết, ngoài rắc rối đến từ trong nước, ông Trump cũng đang đau đầu khi một đoàn người di cư hàng ngàn người đang ùn ùn tiến về biên giới Mỹ từ khắp nẻo Mỹ Latinh. Hiện vẫn chưa rõ ông Trump sẽ làm gì để ngăn đoàn người này tiến thẳng vào xứ sở Cờ hoa.

Nga sẵn sàng cho chiến tranh với Mỹ

Đúng một tuần sau tuyên bố đòi rút Mỹ khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung của Tổng thống Trump, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Moscow đang chuẩn bị cho chiến tranh, nhằm bảo vệ người dân trước những mối đe dọa.

“Tại một cuộc họp gần đây, phía Mỹ nói rằng Nga đang chuẩn bị cho chiến tranh. Đúng, Nga đang chuẩn bị cho chiến tranh, tôi có thể xác nhận điều này”, ông Andrey Belousov, Phó Giám đốc bộ phận Kiểm soát và chống phổ biến vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga nói hôm 26-10.

Một quả tên lửa Nga được khai hoả trong tập trận. Ảnh: Sputnik

Quan chức này cho biết việc Nga tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn và xây dựng hệ thống vũ khí thường khiến phương Tây cho rằng Moscow đang chuẩn bị chiến tranh toàn diện. Nhưng trên thực tế, Nga đánh giá đây là động thái phòng thủ cần thiết.

Được biết, ngoài vấp phải sự phản đối của Nga, quyết định rút khỏi INF của Mỹ đã không nhận được sự đồng tình từ châu Âu. Đức và Pháp trong tuần qua cho rằng hành động này có thể khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn. Giới chuyên gia và các cựu quan chức cấp cao cho rằng đây có thể là tiền đề cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Rác ngập Rome, người Ý rầm rập xuống đường phản đối

Trong ngày 27 và 28-10, hàng nghìn người Ý đã xuống đường, tập trung tuần hành ở giữa thủ đô Rome cổ kính để phản đối tình trạng nghèo nàn của cơ sở vật chất thủ đô, nơi những con đường đầy ổ gà, các thùng rác không được dọn dẹp và chó hoang "chạy ngang chạy dọc" trên các tuyến phố.

Người Rome xuống đường phản đối việc thành phố bị ngập trong rác. Ảnh: AP

Những người dân Rome cho rằng bộ mặt đô thị của thành phố đã suy giảm liên tục trong nhiều năm, và nữ Thị trưởng Virginia Raggi, người nhậm chức vào năm 2016, đã không thực hiện được những lời hứa về việc cải thiện tình trạng này. Điều này có thể khiến thủ đô cổ kính của nước Ý mất điểm trong mắt du khách và theo đó biến mất trên bản đồ những điểm đến quan trọng của châu Âu.

Cũng trong tuần, xác của một cô gái 16 tuổi được tìm thấy trong một ngôi nhà bỏ hoang ở Rome. Nạn nhân được cho là đã chết từ vài ngày trước đó, tại nơi mà những kẻ bán ma túy thường xuyên lui tới nhưng không bị ai phản đối. Vụ sát hại này càng khiến người dân Rome thêm "khó chịu" với chính quyền thành phố.

Trung- Nhật xích lại gần nhau tránh "bão" từ ông Trump

Trong bối cảnh Trung Quốc đang điêu đứng vì hứng "bão" thuế của Tổng thống Donald Trump còn Nhật thì như "ngồi trên đống lửa" sau khi ông chủ Nhà Trắng công khai ý định đàm phán lại thoả thuận thương mại song phương, Bắc Kinh và Tokyo trong tuần đã có những bước đi cụ thể để đảo chiều mối quan hệ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: EPA

Trong chuyến thăm 3 ngày, từ 25 đến 27-10, tới Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc thông qua nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trong kinh tế và cả ngoại giao, trong đó gồm thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, trị giá 30 tỷ USD có hiệu lực vào năm 2021.

Cách đây 6 năm, vào năm 2012, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc từng chạm đáy vì tranh cãi liên quan tới quần đảo trên biển Hoa Đông có tên tiếng Nhật là Senkaku do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Thì nay, Thủ tướng Abe cho rằng Nhật Bản và Trung Quốc là láng giềng, đối tác, và sẽ không trở thành mối đe dọa của nhau.

Trong lúc đó, theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quan hệ song phương giữa hai nước đã "quay trở về đúng hướng" và Trung Quốc sẽ "đảm bảo xung lực tích cực này tiếp tục được duy trì".

Hàn - Triều rút vũ khí khỏi biên giới

Trong một động thái được đánh giá là thực chất và tích cực, Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 27-10 đã hoàn tất việc rút vũ khí tại Khu vực an ninh chung tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm ở biên giới giữa hai nước, theo đúng tinh thần thoả thuận ba bên giữa Seoul, Bình Nhưỡng và Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu trên Bán đảo Triều Tiên.

Bàn Môn Điếm sẽ không còn hình ảnh các binh sĩ nghiêm nghị đứng đối mặt nhau nhờ thoả thuận Hàn - Triều. Ảnh: ITN

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, bước tiếp theo của hai bên là dự kiến rút các trang thiết bị được mô tả là “thiết bị giám sát không cần thiết” và “thiết lập thiết bị giám sát cần thiết thông qua tư vấn và chia sẻ thông tin liên quan với nhau”.

Khu vực an ninh chung tại Làng đình chiến Bàn Môn Điếm, được coi là một trong những vùng biên giới “nguy hiểm” nhất trên thế giới. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã gọi đây là nơi “đáng sợ nhất trên trái đất”. Tuy nhiên, không khí trên Bán đảo Triều Tiên nói chung và Bàn Môn Điếm nói riêng đã hạ nhiệt hơn nhiều sau các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều và Hàn - Triều.

Loạn thông tin vụ nhà báo Saudi bị sát hại

Ngày 25-10, kênh truyền hình nhà nước Saudi Arabia al-Ekhbariya đưa tin, cơ quan công tố nước này đang thẩm vấn các nghi phạm có liên quan đến vụ việc, dựa trên thông tin được cung cấp bởi lực lượng điều tra Thổ Nhĩ Kỳ - Saudi Arabia.

Đây là thông tin mới nhất sau nhiều lần thay đổi của giới chức Saudi. Ban đầu, Riyadh khẳng định không liên quan đến việc nhà báo Khashoggi mất tích sau khi đến tổng lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để làm thủ tục đăng ký kết hôn hôm 2-10.

Di ảnh nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: RT

Đến ngày 20-10, dưới áp lực khổng lồ từ dư luận quốc tế, Saudi Arabia buộc phải thừa nhận ông này đã chết trong khuôn viên lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng là trong một cuộc phỏng vấn và các nhân viên tình báo đã không khai báo gì với Hoàng gia.

Mặc dù vậy, tuyên bố của Ryadh hiện phải đối mặt với thái độ ngờ vực của cộng đồng quốc tế. Theo Guardian, việc Saudi Arabia liên tục thay đổi cách lý giải vụ ám sát nhà báo Khashoggi càng khiến người ta đặt câu hỏi nhân vật nào ở Saudi có thẩm quyền ra lệnh thực thi một vụ ám sát quốc tế hay không.


Thiên Minh (Tổng hợp)
.
.
.