(NÓNG TRONG TUẦN) Mỹ-Triều nỗ lực viết tiếp lịch sử, châu Âu-Trung Quốc căng thẳng vì vấn đề gián điệp

Thứ Hai, 11/02/2019, 10:46
Mỹ-Triều chốt lịch gặp mặt thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội, Nga- Mỹ tranh cãi nảy lửa về Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và căng thẳng giữa châu Âu-Trung Quốc vì vấn đề gián điệp... là các sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần.


Mỹ-Triều chốt lịch gặp thượng đỉnh ở Hà Nội

Trong thông điệp Liên bang hôm 5-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức xác nhận ông sẽ tiến hành gặp mặt thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Hà Nội ngày 27 và 28-2 tới.

Lãnh đạo hai nước Mỹ-Triều tại cuộc gặp lần đầu ở Singapore. Ảnh: Reuters

Đây là cuộc gặp được cả thế giới mong chờ, nằm trong chuỗi hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình kiến tạo hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nội dung thảo luận tập trung vào "cam kết phi hạt nhân hóa toàn diện, chuyển hóa quan hệ Mỹ - Triều và xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên".

Các phái đoàn của Mỹ và Triều Tiên trong những ngày qua tiến hành nhiều vòng đàm phán để chuẩn bị cho cuộc gặp. "Triều Tiên và Mỹ đã đồng ý sẽ tiếp tục đàm phán tại một nước thứ ba nằm ở châu Á trong tuần sau", Kim Eui Kyeom, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ngày 10-2 tiết lộ với báo chí.

Trước đó một ngày, Stephen Biegun, người vừa rời Bình Nhưỡng cách đây không lâu, nhấn mạnh chính phủ hai nước cần đối thoại thêm trước khi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra tại Hà Nội.

Trong khi đó, dư luận thế giới cùng nhiều nước đã bày tỏ lạc quan rằng cuộc gặp ở Việt Nam sẽ là cơ hội quan trọng để Mỹ và Triều Tiên tìm ra lối đi cho những bế tắc hiện hữu trong quá trình phi hạt nhân hóa.

Nga- Mỹ tranh cãi nảy lửa về INF

Các cuộc tranh cãi của Nga và Mỹ liên quan đến việc Washington rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) tiếp tục nổ ra tuần qua, khi Nga hôm 7-2 cáo buộc Mỹ triển khai máy bay không người lái (UAV) tấn công và các bệ phóng tên lửa đa dụng Mk-41 có thể phóng tên lửa Tomahawk vi phạm INF ở châu Âu.

Mỹ nói bệ phóng Mk-41 khi được cải tiến thành Aegis Ashore... không còn khả năng khai hoả tên lửa hành trình. Ảnh: US Navy

Tuy nhiên, Mỹ đã bác cáo buộc này,khẳng định hệ thống phòng thủ trên mặt đất Aegis Ashore, dù được phát triển dựa trên hệ thống phóng Mk-41 của hải quân, có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk, nhưng chỉ phục vụ mục đích phóng tên lửa "phòng thủ".

Liên quan đến dàn UAV ở châu Âu, Lầu Năm Góc nhấn mạnh INF định nghĩa tên lửa hành trình là cỗ máy “một chiều” còn UAV bay trở về căn cứ, nên chúng không vi phạm hiệp ước. Mặc dù vậy, Lầu Năm Góc không lý giải khả năng UAV có thể được trang bị tên lửa để không kích.

INF được Mỹ ký với Liên Xô, nay là Nga từ năm 1987, cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km. Mỹ rục rịch rút khỏi hiệp ước từ năm ngoái với cáo buộc rằng tên lửa mới của Nga Novator 9M729 vi phạm vì có tầm bay từ 500 đến 5.000 km, song không đưa ra bằng chứng.

Căng thẳng chính trị Venezuela

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 10-2 thông báo đã cho tiến hành các cuộc tập trận “quan trọng nhất” trong lịch sử quốc gia nhằm đối phó trước mọi nguy cơ bị tấn công quân sự sau khi Mỹ và các đồng minh lên tiếng ủng hộ Tổng thống tự phong Guaido.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Miraflores Press

Theo RT, cuộc tập trận này sẽ kéo dài tới ngày 15-2 và Tổng thống Maduro khẳng định đây là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất tại Venezuela trong 200 năm qua khi ông tới Guaicaipuro Fort ở bang Miranda. “Chúng ta cần chuẩn bị để bảo vệ chủ quyền, quyền hợp nhất lãnh thổ và nền độc lập của Venezuela”, Tổng thống Maduro nhấn mạnh.

Đây được xem là động thái đáp trả của Tổng thống Maduro, sau khi Mỹ cùng một loạt đồng minh lên tiếng ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido, người tự phong mình là Tổng thống lâm thời.

Vài tuần qua, Mỹ có nhiều phát ngôn gây tranh cãi khi kêu gọi quân đội Venezuela bất trung với  Tổng thống Maduro, cũng như dọa có biện pháp quân sự can thiệp vào tình hình quốc gia Nam Mỹ.

Châu Âu-Trung Quốc căng thẳng vì cáo buộc gián điệp

Châu Âu và Trung Quốc tuần qua căng thẳng sau khi Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) ngày 9-2 nói rằng các nhà ngoại giao và quan chức quân sự EU đã được cảnh báo về khoảng "250 điệp viên Trung Quốc" đang hoạt động tại Brussels, Bỉ, nơi đặt trụ sở của liên minh châu Âu.

Châu Âu cho rằng Trung Quốc triển khai 250 gián điệp tại Brussels. Ảnh: EPA

EEAS đồng thời cho rằng các điệp viên của Trung Quốc làm việc hầu hết trong các Đại sứ quán hoặc chi nhánh các tập đoàn lớn của Trung Quốc ở châu Âu. EEAS cũng đưa ra một số cảnh báo với các nhân viên ngoại giao tránh xa một số địa điểm mà họ cho là có sự hiện diện của gián điệp Trung Quốc.

Tuyên bố của EEAS đã lập tức vấp phải phản ứng từ phía Trung Quốc. Phái đoàn Trung Quốc tại EU ngày 9-2 tuyên bố: "Chúng tôi vô cùng sốc trước những báo cáo vô căn cứ. Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác".

"Bắc Kinh cam kết duy trì mối quan hệ lành mạnh và ổn định với Liên minh châu Âu", thông báo của phái đoàn Trung Quốc có đoạn viết, nhấn mạnh rằng các bên liên quan nên "đối xử với Trung Quốc và mối quan hệ Trung Quốc - EU một cách khách quan, công bằng và không đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm".

Thái Lan chuẩn bị cho tổng tuyển cử

Thái Lan đang trải qua những ngày sôi động nhất khi chỉ còn gần 2 tháng nữa là cuộc tổng tuyển cử, vốn được mong đợi từ lâu, chính thức diễn ra vào ngày 24-3. Đây là cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên được tổ chức kể từ năm 2014.

Người Thái chuẩn bị cho tổng tuyển cử. Ảnh: ITN

Gần 6.000 ứng viên đã xuất hiện để ghi danh trong ngày đầu đăng ký hôm 4-2, và có vẻ như không ai muốn bỏ lỡ thời cơ để giành lấy một ghế trong quốc hội, theo Guardian.

Đáng chú ý, Đảng Pheu Thai (Vì Nước Thái), cho biết 10 ứng viên nam đã đổi tên mình thành Thaksin và 5 ứng viên nữ đã đổi tên mình thành Yingluck, theo tên của 2 anh em cựu Thủ tướng Thái Lan.

Ngoài ra, bà Ubolratana, chị ruột của vua Rama X được đảng Thai Raksa Chart đưa thành ứng viên duy nhất của đảng này. Tuy nhiên, ngay sau đó vua Rama X đã ra sắc lệnh Hoàng gia không cho phép bà Ubolratana ra ứng cử theo đúng quy định của Hoàng gia. Cả bà Ubolratana và đảng Thai Raksa Chart sau đó đều đã thực hiện theo sắc lệnh này.

Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.