(NÓNG TRONG TUẦN) Băng tuyết hoành hành, làm đảo lộn cuộc sống người dân khắp Âu-Mỹ

Thứ Hai, 14/01/2019, 09:41
Châu Âu sốt ruột chờ đợi một thỏa thuận Brexit, băng tuyết hoành hành khắp châu Âu và Mỹ, cùng việc Ba Lan mới đây bắt giữ một lãnh đạo cấp cao của Huawei... là những vấn đề quốc tế đáng chú ý nhất trong tuần.

Brexit vẫn quanh quẩn ngõ cụt

Trong bối cảnh nước Anh vẫn đang mông lung về một thỏa thuận rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, các nước châu Âu mới đây nhấn mạnh họ sẽ không bao giờ đàm phán lại với Anh về bất cứ thỏa thuận nào nữa trong tương lai, nếu thỏa thuận hiện tại không được Quốc hội Anh thông qua.

Brexit vẫn quanh quẩn ngõ cụt, bất chấp nỗ lực của các bên liên quan. Ảnh: Reuters

Hôm 11-1, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean Claude Juncker thông báo các nước châu Âu sẵn sàng thảo luận với Chính phủ Anh để làm rõ thêm một số vấn đề của thỏa thuận, nhưng nhất quyết không có chuyện đàm phán lại, đồng thời đề nghị mọi người không được nhầm lẫn giữa hai khái niệm.

Tới ngày 13-1, Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo các nghị sĩ rằng viễn cảnh Brexit bất thành có thể tạo ra tác động "thảm họa" đối với nền dân chủ tại Anh, kêu gọi ủng hộ cho thỏa thuận rời EU mà bà đạt được với Brussels cuối năm 2018. Nữ thủ tướng Anh đang phải chạy đua với thời gian, cố gắng đạt được thỏa thuận "ly hôn" với EU trước khi Brexit chính thức có hiệu lực vào ngày 29-3 này.

Tuy nhiên, vài giờ trước thềm cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra ngày 15-1 tới, nhiều nghị sĩ ở Quốc hội Anh vẫn giữ nguyên quan điểm phản đối thỏa thuận hiện có vì cho rằng Thủ tướng May đã quá nhượng bộ với EU, đặc biệt là về vấn đề đường biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland.

Băng tuyết hoành hành từ châu Âu đến châu Mỹ

Cuộc sống của hàng chục triệu người dân từ Mỹ cho tới châu Âu bị đảo lộn nghiêm trọng những ngày qua vì gió lạnh kỉ lục và tuyết rơi dày bất thường.

Ở châu Âu, bão tuyết bất thường kèm theo gió lạnh đã khiến nhiều khu vực ở Bắc Âu và Đông Âu có mức nhiệt xuống sâu quá -30 độ C, làm ít nhất 25 người chết. Băng tuyết cũng khiến cuộc sống người dân tại nhiều nước bị đảo lộn vì giá lạnh.

Tuyết rơi bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông ở Mỹ. Ảnh: Reuters

Tại thủ đô Rome của Italy, tuyết rơi dày khiến các hoạt động giải trí đình trệ nghiêm trọng. Các đoàn tàu cũng phải ngừng hoạt động vì đầu máy và đường ray đều bị tuyết bao phủ. Ở Đức, lượng tuyết rơi làm tê liệt mọi hoạt động công cộng. Các dịch vụ đường sắt bị ảnh hưởng nặng nhất ở phía Nam và Đông Đức.

Tại thị trấn Hohentauern, Áo, có khoảng 2.000 người đã “cô lập” khỏi thế giới khi lớp tuyết dày gần 2m xuất hiện vào ban đêm và phủ kín các con đường. Các chuyên gia nghiên cứu thời tiết đang đau đầu tìm hiểu nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, song câu trả lời vẫn chưa được đưa ra.

Tuyết rơi dày tại châu Âu. Ảnh: EPA

Trong khi đó, các cơn bão tuyết từ ngày 11-1 tấn công vào bang Kansas và Missouri ở miền Trung nước Mỹ, sau đó mở rộng về hướng Đông qua một loạt bang và đã bắt đầu đổ xuống vùng thủ đô Washington D.C. ở bờ Đông.

Các cơ quan khí tượng thủy văn ước tính, cơn bão tuyết này phủ kín chặng đường gần 3.000km mà nó đi qua, làm tình hình giao thông hỗn loạn. Trong 2 ngày qua, có 4 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương, khoảng 2.000 vụ đâm xe và xe bị mắc kẹt tuyết trên đường. Việc chính phủ Mỹ đóng cửa kỉ lục được cho là đã khiến tình hình thêm bi đát.

Ba Lan bắt lãnh đạo cấp cao của Huawei

Ba Lan hôm 11-1 bất ngờ thông báo họ đã tạm giam một cựu nhân viên an ninh bản địa có tên Piotr D và một quản lý cấp cao mang quốc tịch Trung Quốc, có tên Weijing Wang, của Huawei chi nhánh Ba Lan với lí do "làm việc cho cơ quan an ninh của Bắc Kinh".

Wang là lãnh đạo cấp cao tiếp theo của tập đoàn Huawei bị bắt tại nước ngoài sau Giám đốc tài chính, Phó Chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu người bị Canada giam giữ theo yêu cầu của Mỹ, với cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran tháng trước.

Ba Lan bắt lãnh đạo cấp cao của Huawei nghi làm gián điệp. Ảnh: Engadget

Huawei ban đầu thông báo họ "biết tình hình" và "đang xem xét" hướng giải quyết. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sau đó tuyên bố sa thải ông Wang với lí do vụ bắt do hành vi cá nhân của Wang và đã gây tổn hại cho tập đoàn.

Phản ứng về động thái của Ba Lan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận họ biết về vụ bắt giữ, nhấn mạnh Bắc Kinh "quan ngại" việc công dân nước này bị giam giữ ở Ba Lan. Bắc Kinh cũng yêu cầu "quốc gia có liên quan" đảm bảo các quyền hợp pháp của công dân Trung Quốc, xử lý vụ việc một cách công bằng và đề nghị được tiếp cận lãnh sự người này càng sớm càng tốt.

Biểu tình “áo gile vàng” ngày càng nghiêm trọng ở Pháp

Hơn 80.000 người biểu tình mặc áo gile vàng, nhiều gần gấp rưỡi tuần trước đó, trong 2 ngày cuối tuần vừa qua đã xuống đường khắp nước Pháp biểu tình phản đối chính phủ, đánh dấu tuần thứ 9 liên tục các cuộc biểu tình tương tự diễn ra.

Ở Paris, các cuộc biểu tình ban đầu diễn ra ôn hòa tại nhiều khu vực mua sắm ở Bắc Paris như Grands Boulevards, gần với khu vực xảy ra vụ nổ khí gas lớn trong một tiệm bánh khiến hai lính cứu hỏa và một du khách Tây Ban Nha thiệt mạng, 50 người khác bị thương sáng sớm 12-1.

Những người biểu tình mặc áo gile vàng ở thủ đô Paris. Ảnh: EPA

Tuy nhiên, đến chiều, các cuộc biểu tình đã lặp lại đúng tình hình của các tuần trước đó với những cuộc đụng độ nghiêm trọng. Nhiều người biểu tình đã ném chai lọ, đốt phá, buộc cảnh sát phải can thiệp bằng hơi cay và vòi rồng

Tối 13-1, Tổng thống Emmanuel Macron đã gửi cho toàn thể nhân dân Pháp một bức thư dài để khởi động một đối thoại toàn quốc, dự kiến sẽ bắt đầu từ 15-1 để tìm kiếm một thỏa thuận thực sự với những người “áo gile vàng”. Tổng thống Pháp Macron hiện đang có tỷ lệ ủng hộ trong nước thấp nhất trong lịch sử, ở mức sấp sỉ 25%.

Campuchia kỉ niệm 40 năm thoát chế độ diệt chủng

Sáng 7-1, tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh, hàng nghìn người dân Campuchia mang cờ hoa rực rỡ cùng đại diện các bộ, ban, ngành Chính phủ hoàng gia tưng bừng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng 7/1 (7/1/1979 - 7/1/2019) lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Pol Pot. Ảnh: Reuters

Trong diễn văn kỉ niệm, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết chiến thắng cách đây 40 năm có được là dựa trên sức mạnh tổng hợp của hai nguồn lực: Tinh thần đoàn kết của người dân Campuchia dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia, cùng sự hỗ trợ rất lớn lao, kịp thời và hiệu quả của Quân tình nguyện Việt Nam.

“Xin đại diện cho người dân Campuchia, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Chính phủ, Quân đội và người dân Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia trong quá trình đấu tranh để giải phóng đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ để ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng này, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Campuchia. Nghĩa cử này mãi được khắc ghi trong lịch sử Campuchia”, ông Hun Sen nói.

Thủ tướng Hun Sen cũng nêu rõ, kể từ sau Chiến thắng vĩ đại ngày 7-1-1979, đất nước Campuchia không chỉ hồi sinh mà còn phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát kinh tế - xã hội. Campuchia hiện là nước có mức tăng trưởng kinh tế cao; môi trường hòa bình, ổn định.

Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.